Câu chuyện quốc tế: Biến sương thành nguồn sống

Câu chuyện quốc tế: Biến sương thành nguồn sống
3 giờ trướcBài gốc
Nhìn từ xa, tháp nước Warka trông như cái cây khổng lồ, mọc lên sừng sững giữa những ngôi làng nghèo ở Ethiopia. Trung bình mỗi ngày, một tháp Warka thu được khoảng 100 lít nước sạch từ những giọt sương đêm tích tụ lại, trở thành nguồn sống của nhiều người dân châu Phi.
Kiến trúc sư người Italy, tác giả của phát minh trên cho biết, ông thực hiện những bản phác thảo đầu tiên về tháp Warka hồi năm 2013 trong thời gian làm việc tại Trường Đại học Kiến trúc ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia). Khi ông lang thang ở vùng nông thôn miền Trung Ethiopia, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nước tại đây khiến ông choáng váng. Ở khu vực này, người dân mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm nguồn nước. Và ngay cả khi tìm thấy nước, nó thường không an toàn và bị nhiễm vi khuẩn. “Tôi bắt gặp nhiều phụ nữ và trẻ em đi chân trần hàng ki-lô-mét để đến nơi lấy nước, sau đó quay trở lại với những can nước rất nặng”, ông Vittori chia sẻ.
Người dân nhận lúa mì cứu trợ tại Debark, Ethiopia. Ảnh: TTXVN
Với mong muốn giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước, công ty phi lợi nhuận Warka Water của ông Vittori đã thiết kế ra tháp Warka. Tên “Warka” bắt nguồn từ tên một loại cây sung khổng lồ ở Ethiopia. Giống như cái cây, công ty Warka Water hướng đến phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của cộng đồng người dân ở Ethiopia.
Sau khi thử nghiệm thành công ở Italy, kiến trúc sư Vittori đã cho lắp đặt tháp Warka đầu tiên ở Dorzé, thuộc Thung lũng Omo (Ethiopia) vào năm 2015. Các tháp nước tiếp theo được lắp đặt ở Togo, Cameroon, Haiti, Tanzania và Brazil. “Ở Ethiopia, chúng tôi làm tháp từ tre vì tre mọc rất nhiều ở đây. Nhưng chúng tôi điều chỉnh vật liệu xây dựng tùy theo nguồn lực ở địa phương”, ông Vittori cho hay. Theo nhà thiết kế, chi phí nguyên vật liệu để xây dựng tháp Warka không tốn quá 1.000 euro và thời gian thực hiện chỉ mất khoảng 4 tuần với 8 nhân công. Ngược lại, việc tháo dỡ để bảo trì chỉ mất 2 giờ.
Hoạt động của tháp Warka khá đơn giản: Xung quanh một trụ làm bằng tre cao 15-25m là một tấm lưới mỏng có đường kính khoảng 50m, được lắp đặt theo hình cái phễu, có tác dụng hút hơi nước từ khí quyển. Những giọt sương đêm hoặc mưa sẽ đọng lại, lọt qua lưới lọc rồi chảy xuống bể chứa được xây dưới chân công trình. “Hiệu suất của tháp nước phụ thuộc vào chiều cao của nó và độ ẩm của khu vực. Chúng tôi có thể thu được tới 100 lít nước sạch mỗi ngày”, kiến trúc sư Arturo Vittori cho hay.
Các dự án bền vững của công ty Warka Water nhằm mục đích tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước ở Ethiopia, đồng thời đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân sống ở khu vực nông thôn như chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ cải thiện môi trường sống...
Theo AFP, thiếu nước sạch đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Báo cáo của Viện Công nghệ LB Thụy Sĩ công bố hồi tháng trước cho thấy, hơn một nửa dân số thế giới, tương đương 4,4 tỷ người, không được tiếp cận với nước uống an toàn, cao gấp đôi so với ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra vào năm 2022. Nhà nghiên cứu Esther Greenwood thuộc ETH Zurich chỉ ra rằng, trong số 22 tiểu vùng địa lý của Liên hợp quốc, Nam Á và Nam sa mạc Sahara là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tại châu Phi, trên 80% trong số 1,1 tỷ dân sống ở Nam sa mạc Sahara không thể tiếp cận nguồn nước an toàn. Các khu vực châu Đại Dương (trừ Australia và New Zealand) và Đông Nam Á, cũng có khoảng 75% dân số bị ảnh hưởng. Theo nghiên cứu của ETH Zurich, khoảng một nửa dân số trên có thể tiếp xúc với nước uống bị ô nhiễm.
Nhằm bảo đảm tương lai an ninh nguồn nước, mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi làm Đặc phái viên về nước của Tổng thư ký LHQ. Trên cương vị Đặc phái viên bắt đầu từ ngày 1-11 tới, bà Marsudi sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế và sự phối hợp giữa các quy trình về nước quốc tế để hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu liên quan đến nước, chẳng hạn như Mục tiêu Phát triển bền vững số 6 của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Bà cũng có nhiệm vụ vận động để đưa các vấn đề về nước trở thành chương trình nghị sự chính trị chính-cả trong và ngoài LHQ-cũng như đốc thúc hành động, huy động tài trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu và khuyến khích hoàn thành các mục tiêu liên quan đến nước.
Trong khi chờ đợi những thay đổi từ các nhà hoạch định chính sách, dự án “Biến sương thành nguồn sống” của ông Vittori ở Ethiopia vẫn phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt nỗi lo thiếu nước sạch của người dân nơi đây.
Theo qdnd.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/cau-chuyen-quoc-te-bien-suong-thanh-nguon-song-5024080.html