Điện ảnh Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Ở Việt Nam, số lượng phim Hàn Quốc được chiếu ngoài rạp, trên truyền hình và các nền tảng VOD luôn đứng đầu các bảng xếp hạng, nhất là trên truyền hình và các nền tảng. Mức độ phổ biến của phim Hàn Quốc đối với khán giả đại chúng Việt Nam cũng như ảnh hưởng của phong cách làm phim Hàn Quốc đối với nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam là không thể phủ nhận.
Tại hội thảo “Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học phát triển công nghiệp điện ảnh và đưa phim ra thế giới”, nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) 2025 diễn ra chiều 30/6 tại Đà Nẵng, nhiều nhà quản lý, chuyên gia và nghệ sĩ đã cùng chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về quá trình phát triển vượt bậc của điện ảnh Hàn Quốc – từ một nền điện ảnh từng chịu kiểm duyệt khắt khe trở thành hiện tượng toàn cầu, vừa thành công về mặt nghệ thuật vừa vững chắc trên thị trường quốc tế.
Một tấm gương cho công nghiệp điện ảnh khu vực
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhận định: “Hội thảo này rất thiết thực trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng nền công nghiệp điện ảnh – vốn vẫn được đánh giá là một trong những mũi nhọn của công nghiệp văn hóa”.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam.
Theo bà Lan, Hàn Quốc là một tấm gương sáng không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực Đông Nam Á trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh vững chắc. “Không phải nền điện ảnh nào cũng có thể vừa đạt đỉnh cao nghệ thuật, vừa mở rộng được thị trường, lại còn giữ vị thế ổn định trong dòng chảy quốc tế”.
Bà kể lại quá trình chọn lựa chùm phim trong chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc của DANAFF năm nay: “Khi xem lại các phim kinh điển Hàn Quốc sản xuất từ những năm 1960, tôi ngạc nhiên vì thấy nhiều điểm tương đồng với điện ảnh Việt Nam cùng thời kỳ. Nhưng sau vài thập niên, điện ảnh Hàn Quốc đã bứt phá, nhờ làn sóng Hallyu và chính sách chiến lược, để trở thành hiện tượng toàn cầu”.
Sự phát triển đó, theo bà Lan, không đến từ một vài năm hay chỉ từ nỗ lực cá nhân, mà là kết quả tích lũy từ hệ thống chính sách hỗ trợ, từ tầm nhìn của các nhà quản lý văn hóa, đến sự phối hợp từ các địa phương, cộng đồng sáng tạo và nhà làm phim. “Tôi đặc biệt tâm đắc với cách người Hàn kể những câu chuyện rất bình dân, nhưng bằng giọng kể chân thành, xúc động, khiến khán giả phải kính nể. Tôi mong các nhà làm phim Việt và các nước trong khu vực sẽ tiếp thu được điều này”.
Hình mẫu bản sắc: Đạo diễn Im Kwon Taek
Minh chứng rõ nét cho tầm vóc và năng lực quốc tế hóa của điện ảnh Hàn Quốc là sự nghiệp của đạo diễn Im Kwon Taek – người vừa được Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng vinh danh với Giải thưởng Thành tựu trọn đời trong năm nay. ThS, NCS Hoàng Dạ Vũ, Phó Viện trưởng, Giảng viên Viện Sân khấu Điện ảnh, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã đưa ra những phân tích sâu sắc về vị trí của ông trong tiến trình phát triển điện ảnh Hàn Quốc.
ThS, NCS Hoàng Dạ Vũ, Phó Viện trưởng, Giảng viên Viện Sân khấu Điện ảnh, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội
Theo ThS Hoàng Dạ Vũ, đạo diễn Im Kwon Taek là người tiên phong trong chiến lược "nội địa hóa bản sắc – toàn cầu hóa biểu đạt". Với những tác phẩm như "Sopyonje" (1993), "Chunhyang" (2000) và "Painted Fire" (2002), ông đã chứng minh rằng nghệ thuật truyền thống không chỉ là chất liệu biểu đạt, mà còn là nguồn lực sáng tạo và giá trị chiến lược trong phát triển công nghiệp điện ảnh.
Trong "Sopyonje", Im kể câu chuyện về nghệ thuật pansori – một hình thức hát kể dân gian – qua hành trình khổ luyện và hi sinh của người nghệ sĩ. Nhưng điều đọng lại không chỉ là số phận nhân vật, mà là khả năng thăng hoa của nghệ thuật trước nỗi đau, và cách bộ phim làm khán giả toàn cầu xúc động, ngay cả khi không hiểu ngôn ngữ bản địa. “Tình yêu, hy sinh, khát vọng – những thứ ấy vượt lên mọi biên giới văn hóa”, ThS Hoàng Dạ Vũ khẳng định.
Với "Chunhyang", đạo diễn đưa pansori thành trục tự sự trung tâm, đan xen giữa sân khấu truyền thống và câu chuyện tình yêu cổ điển, tạo nên một cấu trúc phân lớp đặc sắc. Còn "Painted Fire", bộ phim đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes 2002, khắc họa chân dung phức tạp của danh họa Jang Seung-eop như một biểu tượng của tinh thần sáng tạo tự do và bản lĩnh nghệ sĩ dân tộc giữa bối cảnh lịch sử đầy biến động.
Đạo diễn Im Kwon Taek
“Im Kwon Taek không đơn thuần làm phim về truyền thống, mà tái định nghĩa và làm mới truyền thống trong cấu trúc nghệ thuật hiện đại”, ThS Hoàng Dạ Vũ nhận định. “Ông là hình mẫu hiếm hoi kết hợp trọn vẹn giữa người nghệ sĩ sáng tạo và nhà chiến lược văn hóa. Trong ông, truyền thống và hiện đại không loại trừ nhau, mà cùng tồn tại trong một quan niệm điện ảnh dung hòa”.
Góc nhìn thực tiễn: Từ làm lại đến làm cùng
Từ trải nghiệm cá nhân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh – người từng thực hiện bản remake "Em là bà nội của anh" từ "Miss Granny" – chia sẻ: “Một trong những điểm tôi học được từ Hàn Quốc là sự tôn trọng bản sắc địa phương trong hợp tác. CJ E&M không bắt tôi sao chép bản gốc, mà khuyến khích tôi làm sao cho phim Việt Nam nhất có thể”.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh
Theo anh, Hàn Quốc là mô hình phát triển phù hợp nhất với Việt Nam vì vừa có sự tương đồng văn hóa – lịch sử, vừa là quốc gia châu Á hiếm hoi kết hợp thành công giữa nghệ thuật, thương mại và chính sách. “Chúng ta không thể sao chép mô hình Hollywood hay Trung Quốc, nhưng hoàn toàn có thể học từ chiến lược Hàn Quốc: cách xây dựng hệ sinh thái làm phim, cách phát triển nội dung có tính địa phương nhưng phổ quát, cách liên kết với các ngành sáng tạo khác để nâng tầm điện ảnh thành công cụ văn hóa mềm”.
"Tháng năm rực rỡ" dựa trên "Sunny" - phim điện ảnh ăn khách ở Hàn Quốc năm 2011
"Em là bà nội của anh" remake từ phim "Miss Granny"
Từ làm lại đến làm cùng – đó là hành trình mà Phan Đăng Di đã đi qua trong 10 năm, từ các bản remake như "Tháng năm rực rỡ", "Tiệc trăng máu", đến nay là các dự án hợp tác đồng sản xuất như "Mang mẹ đi bỏ", với sự tham gia ngang bằng của cả hai phía Việt – Hàn. “Tôi đã đi qua hành trình từ làm lại đến làm cùng. Giờ đây, chúng tôi có thể ngồi ngang hàng với đối tác Hàn Quốc từ khâu kịch bản, sản xuất đến truyền thông. Tôi tin rằng hợp tác song phương, từ đồng phát triển nội dung đến đồng sáng tạo, là con đường bền vững để điện ảnh Việt vươn ra thế giới mà không đánh mất bản sắc”.
Hướng đi cho điện ảnh Việt
Phía Hàn Quốc, ông Yang Yun Ho – Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) – chia sẻ góc nhìn chiến lược: “Những bộ phim như "Minari", "Parasite" đều là những câu chuyện nhỏ, nhưng đã chạm đến xúc cảm của nhân loại. Điều đó có được nhờ tư duy cởi mở và dám đón nhận những quan điểm mới”.
Ông cho rằng, đã đến lúc quan hệ hợp tác khu vực cần vượt khỏi mô hình hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần để chuyển sang hợp tác đồng sáng tạo: “Tôi mong sẽ sớm đến ngày các bộ phim đồng sản xuất giữa Việt Nam – Hàn Quốc sẽ được khán giả toàn cầu đón nhận như phim của chính họ”.
Từ các chia sẻ tại hội thảo, một hướng đi rõ nét cho điện ảnh Việt Nam dần hiện ra. Trước hết, như TS Ngô Phương Lan chỉ ra, muốn phát triển bền vững, điện ảnh Việt cần có chính sách dài hạn và tầm nhìn chiến lược từ nhà nước – giống như cách Hàn Quốc đã kiên trì xây dựng từ thập niên 1990. Thứ hai, như ThS Hoàng Dạ Vũ phân tích, điện ảnh không thể chỉ “minh họa văn hóa” mà cần tái sáng tạo truyền thống thành ngôn ngữ điện ảnh hiện đại. Và như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định từ kinh nghiệm thực tiễn, hợp tác quốc tế chỉ hiệu quả khi các nhà làm phim Việt đủ tự tin giữ vai trò chủ động và bình đẳng trong sáng tạo. Điều đó không chỉ giúp nâng tầm kỹ thuật, mà còn giúp câu chuyện Việt vươn xa bằng chính giọng nói của mình.
Hà Phương/VOV.VN