Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc (bên trái ) và nhà báo Nguyễn Huy thời trẻ -Ảnh: T.L
Nhà báo Nguyễn Huy về Báo Nhân Dân trong đợt báo chủ trương tuyển một số sinh viên mới tốt nghiệp để tăng cường lực lượng cho cơ quan. Nguyễn Huy là phóng viên ảnh, đã có nhiều tác phẩm có chất lượng đóng góp cho Báo Nhân Dân. Tác phẩm ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các tình nguyện viên quốc tế của anh được giải thưởng quốc tế và được treo tại một bảo tàng ở Hà Lan. Nhưng khi ban tổ chức gửi Bằng chứng nhận và tiền thưởng về Việt Nam thì anh đã hy sinh .
Nguyễn Huy là bí thư chi đoàn, thường đạp xe đến nơi sơ tán sinh hoạt với trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân. Trước khi xung phong đi bộ đội, nhà báo còn đội mưa, đạp xe đưa quà Tết vào Trại trẻ sơ tán. Tôi nhớ năm anh hy sinh, họa sĩ Hà Quang Phương nghẹn ngào mắt đỏ hoe nói với tôi: “Chúng nó chặt đầu nhà báo Nguyễn Huy rồi treo đầu ở thành cầu...”.
Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, con trai nhà báo Quang Đạm, cháu ruột Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, người bà con với nhà báo Nguyễn Huy kể lại: “Đồng đội cũ đi tìm các liệt sĩ của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca tình cờ phát hiện mộ phần liệt sĩ Nguyễn Huy. Các anh ấy báo cho anh và nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh. Anh Huynh cùng anh gặp các anh đi tìm mộ, rồi Báo Nhân Dân chủ trì chỉnh trang, đặt bia mộ tại nghĩa trang này”. Sau này Sư đoàn 324 có làm một bộ phim về câu chuyện này và đã tặng phim cho Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.
Từ đó, các đoàn bắt đầu đến viếng mộ, chăm chút nhang khói chu đáo cho liệt sĩ Nguyễn Huy. Anh Đặng Nam, cháu ruột của nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, kể lại: Tôi đến thăm nghĩa trang nơi liệt sĩ Nguyễn Huy nằm mấy lần, người quản trang cho biết: Mộ liệt sĩ Nguyễn Huy thì ở đây ai cũng biết, vì câu chuyện một nhà báo bị địch sát hại dã man khiến mọi người rất thương xót và cảm phục tấm gương hy sinh anh dũng của anh.
Chúng tôi là nhà báo đồng nghiệp thế hệ sau anh, cũng là con em cán bộ phóng viên Báo Nhân Dân, vô cùng thương tiếc và cảm phục tấm gương hy sinh anh dũng của anh - một nhà báo liệt sĩ ngã xuống khi mới 28 tuổi. Trước đây, trong cuốn “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối” của tôi cũng đã có viết về câu chuyện hy sinh anh dũng của nhà báo Nguyễn Huy.
Cùng thời kỳ chiến tranh ác liệt này, Báo Nhân Dân còn có nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định hy sinh tại chiến trường khu 5. Một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh của Báo Nhân Dân, người được phân công chuyên trách chụp ảnh Bác Hồ là nhà báo Bùi Á, khi vào chiến trường khu 5 chiến đấu cũng bị địch bắt và giam tại nhà lao Non Nước. Sau này ông mới được trao trả vào năm 1973.
Tấm gương làm việc, chiến đấu và hy sinh anh dũng của liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Huy sẽ được thế hệ thanh niên và các nhà báo ghi nhớ trong tình yêu thương mãi mãi.
Huỳnh Dũng Nhân