Người dân La Dạ sống dọc hai bên đường ĐT 714
Nhà tạm
Không phải hôm nay tôi mới đến xã vùng cao La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận mà nhiều lần trước đây chúng tôi đã đặt chân đến vùng đất này trong những chuyến công tác. Bởi vậy, trong trí nhớ tôi, luôn đầy ắp gam màu xanh của núi rừng bao trùm lên vạn vật nơi đây. Với nhà cửa chủ yếu nằm dọc bên tỉnh lộ ĐT 714, giữa những vườn điều trong xóm nhỏ của các thôn, trải dài từ ranh giới xã Đông Giang đến Đa Mi. Nhưng đâu đó lại thấy nổi lên những ngôi nhà mái tôn vách nứa lụp xụp ngả màu thời gian. Bà Lê Thị Kim Liên – Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ, người tiếp chúng tôi trong trạng thái vội vàng vì hôm nay có hẹn người dân nghèo của xã đến nhận tiền chuyển đổi nghề và hỗ trợ nhà ở và đất ở theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình) cho biết: “Toàn xã có 1.055 hộ/4.232 khẩu, chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao, Mông, H’rê, Cơ Ho... trong đó có 227 hộ nghèo và 144 cận nghèo”.
Nhiều nhà tạm vách nứa, mái tôn.
Cuộc sống của họ chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt, sản phẩm làm ra không ổn định trong những năm gần đây. Khi thường xuyên bị mất mùa mất giá do biến đổi khí hậu, nên nghèo đói đeo bám. Có những hộ nằm trong danh sách hộ nghèo của xã từ cách đây một thập niên, nay vẫn là hộ nghèo. Trong đó có hộ mới thoát nghèo nhờ chịu thương, chịu khó làm ăn, vươn lên như hộ Bờ Rông Râm ở thôn 1. Ông Râm nói, mình là hộ nghèo từ năm 2004 đến nay, năm 2023 mình xin thoát nghèo vì đã có khoản tiết kiệm đủ khả năng xây nhà, nhường lại cho hộ khác khổ hơn mình.
Nhà tạm dần lùi xa thay thế bằng nhà xây.
Nhưng đó là trường hợp hiếm, đa phần chỉ đủ ăn hằng ngày nên việc xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong nhà phục vụ đời sống đối với họ rất xa vời. Mặc dù những năm qua Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và nhiều chương trình thiện nguyện của các tổ chức xã hội. “Trời mưa là nhà dột, nhưng sợ nhất gió to tốc mái, vợ chồng mình cứ nghĩ biết khi nào xây được nhà ở đàng hoàng”, bà Trần Thị Uân ở thôn 3 nhớ lại thời ở nhà tạm.
Hộ bà Uân là trong số 36 hộ nghèo của La Dạ được hỗ trợ nhà ở và đất ở theo Dự án 1 của Chương trình. Chương trình có 10 dự án, trong đó có Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Năm 2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình cho các địa phương thực hiện. Huyện Hàm Thuận Bắc là trong số đã triển khai đến 5 xã thuần và xen ghép đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có La Dạ.
Ngôi nhà mới của K Thị Thân.
Dần lùi xa
Dự án trên chính thức triển khai năm 2022, nhưng đến cuối năm 2023 đầu năm 2024 người dân mới nhận khoản hỗ trợ vì “dòng” tiền hỗ trợ “chảy” từ Trung ương về đến cấp xã trải qua nhiều “cửa”. Người dân La Dạ đã và đang nhận khoản này về xây nhà theo quy định. Ông Lê Thái Lâm - Trưởng thôn 3, người giúp tôi biết nhà Uân bộc bạch, “Thôn 3 là 1 trong 4 thôn có nhiều hộ nghèo nhất xã, với 146 hộ nghèo và cận nghèo. Trong số hộ nghèo ấy có 18 hộ được hỗ trợ nhà ở, đất ở theo quy định Dự án 1 của Chương trình. Cụ thể, 10 hộ được hỗ trợ nhà ở, mỗi hộ nhận 40 triệu đồng/hộ; 8 hộ còn lại được hỗ trợ cả nhà ở và đất ở, với số tiền 80 triệu đồng/hộ. Hiện 8 hộ này, trong đó có hộ bà Uân đã xây nhà chuyển về ở cuối năm 2023, còn 10 hộ hỗ trợ nhà ở vừa nhận được tiền hỗ trợ đang hoàn thiện căn nhà”.
Nhà mới của vợ chồng K Trinh và Trần Thị Uân
Bà Uân không ngần ngại chia sẻ, vợ chồng mình xuất thân từ gia đình nghèo, đông anh chị em, khi lập gia đình cha mẹ cho 20m2 đất, dựng lên ngôi nhà mái tôn, vách nứa ở tạm, rồi trở thành hộ nghèo của xã. Đến năm 2023, gia đình mình được UBND xã xét vào danh sách 36 hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ xóa nhà tạm. Nhưng nhà mình không đủ đất xây dựng nhà theo quy định nhà ở đối với hộ nghèo của Bộ Xây dựng hơn 30 m2, nên thuộc diện được hỗ trợ nhà ở và đất ở. Nhận 80 triệu đồng, mình mua thêm đất của chị ruột mình ở bên cạnh nhà, nâng diện tích đất lên gần 40 m2. Rồi xây mới căn nhà này với tổng số tiền cả mua đất và xây nhà hơn 100 triệu đồng, trong đó có cả khoản tiền mình vay mượn thêm. Mừng ghê lắm! nếu không có nhà nước hỗ trợ, biết khi nào có nhà ở, bà Uân cười nói thêm.
Ngoài hộ bà Uân, tôi còn đến một số hộ khác bao gồm hộ hỗ trợ nhà ở như hộ Lê Thị Ỉnh đang ở nhà cũ, chờ xây xong nhà mới chuyển về ở… Trên đường đi nhìn đâu cũng thấy nhà mới đã và đang “mọc lên”, với hoạt động xây dựng “rầm rộ”, cảm giác nơi đây đang có sự thay đổi lớn. Với hình dung không lâu nữa La Dạ sẽ thay da đổi thịt dù phía trước còn khó khăn. “Khoản tiền này Nhà nước hỗ trợ chúng ta xây nhà ở, chia làm 2 lần nhận. Lần thứ nhất 70% khi hoàn thành phần móng và 30% còn lại sẽ nhận khi hoàn thiện chuyển về ở. Cứ hoàn thành phần nào, chúng tôi đi nghiệm thu phần đó trước khi nhận tiền, người dân cố gắng làm đúng theo quy định. Nếu khoản tiền này không đủ xây theo ý muốn thì có thể vay ngân hàng hoặc vay mượn thêm người thân”, bà Lê Thị Kim Liên luôn miệng nhắc nhở người dân khi phát tiền hỗ trợ cho họ - những hộ đã hoàn thiện phần móng của ngôi nhà.
Bà Lê Thị Kim Liên – Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ giải thích khoản hỗ trợ cho người dân khi đến xã nhận tiền.
Đầy niềm vui
36 hộ nghèo trong tổng số 227 hộ nghèo toàn xã, ứng với 36 căn nhà mới nổi lên ở La Dạ cuối năm nay. Đồng nghĩa với 36 căn nhà tạm của 36 gia đình đã xóa sổ. Từ nay họ không còn lo nơi che nắng che mưa mỗi lần mưa giông, gió giật, yên tâm phát triển sản xuất cải thiện kinh tế gia đình. “Cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, vợ chồng tôi vui không gì diễn tả nổi. Chúng tôi cố gắng phát triển kinh tế gia đình”, bà K Thị Thân, thôn 3 bày tỏ niềm vui.
Rời La Dạ trên con đường cũ trở về điểm xuất phát, tôi nhớ những gì mình vừa đi qua, trong đó có vẻ khắc khổ của người dân nghèo La Dạ. Nhớ lãnh đạo, cán bộ địa phương nỗ lực giải quyết khoản hỗ trợ cho cư dân của mình, với những ân cần nhắc nhở người dân sử dụng khoản hỗ trợ đúng mục đích. “Đây là tiền hỗ trợ nhà ở và đất ở của Nhà nước giúp đỡ mình, người dân căn cứ vào đó, tùy vào điều kiện kinh tế của mình mà xây nhà to, nhỏ”, lời Lê Thị Kim Liên vẫn còn văng vẳng. Nhớ những ngôi nhà tạm đã thay bằng ngôi nhà mới khang trang tràn đầy niềm vui, tiếng cười của chủ nhân, với niềm hy vọng mang lại ấm no, hạnh phúc.
GHI CHÉP CỦA NINH CHINH