Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone. (Nguồn: TTXVN)
Đoàn cán bộ tình cờ
Tôi cũng như nhiều đồng chí tham gia kháng chiến chống Mỹ đã sang Lào chiến đấu. Tôi sang từ tháng 4/1964, có một số lần trở về nước điều trị vết thương sau đó quay trở lại chiến trường cho đến năm 1973. Khi đó, mới chỉ là chiến sĩ, hạ sĩ quan, cấp bậc còn rất thấp nhưng ở chiến trường, chúng tôi được các lãnh đạo, chỉ huy các cấp giáo dục, tuyên truyền rất cặn kẽ về Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Lào. Trong đó, họ nhấn mạnh uy tín và công lao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, đặc biệt là nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone.
Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào chia sẻ với phóng viên báo TG&VN. (Ảnh: Phạm Hằng)
Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ đồng chí Khamtay Siphandone, một trong những cốt cán của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Lào. Khi chúng tôi sang làm nhiệm vụ, lúc đó đồng chí Khamtay Siphandoneđã là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào luôn được giáo dục để biết được công lao lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Lào. Chúng tôi luôn dành cho đồng chí sự tin tưởng và tôn trọng.
Trong thời gian chiến đấu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đơn vị tôi ở lại làm quân tình nguyện, cho nên mới có dịp và điều kiện được tiếp cận đồng chí Khamtay Siphandone dù ở cấp còn rất thấp. Trong đó, kỷ niệm sâu sắc nhất là sau bốn năm ở Lào, khi tôi chừng 22-23 tuổi, là cán bộ đại đội trinh sát của Trung đoàn 174, làm nhiệm vụ tại Xieng Khouang, chúng tôi đóng quân gần trục đường đi của nội bộ lực lượng cách mạng ta.
Một hôm, đơn vị giao cho tôi cùng với 6 anh em giám sát một đoạn đường mấy cây số. Đoàn cán bộ 7 người của Lào đi qua, thấy anh em chúng tôi thì dừng lại nghỉ khoảng 15-17 phút. Người chỉ huy đoàn hỏi han chúng tôi rất thân tình về vấn đề ăn ở thế nào, hoạt động chiến đấu ra sao. Khi đó, chúng tôi cũng không hỏi tên người chỉ huy mà mãi sau này mới biết rằng đó là đoàn của Bộ Quốc phòng Lào, do đồng chí Khamtay Siphandone làm trưởng đoàn đi qua.
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone thăm Việt Nam năm 1977. (Nguồn: TTXVN)
Đồng chí hỏi quê quán của anh em chúng tôi, giới thiệu rằng dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào có chung đường biên giới, từ xa xưa đã biết tôn trọng lẫn nhau. Tôi mới suy nghĩ rằng, dải biên giới Việt Nam-Lào dài hơn 2.000 km, hàng nghìn năm, cơ bản là yên bình. Tôi càng thấy quý trọng tình hữu nghị của nhân dân hai nước.
Ngày hôm đó, đồng chí Khamtay Siphandone chia sẻ rằng hai dân tộc có mối quan hệ đoàn kết, anh em gắn bó keo sơn với nhau từ lâu. Sau này tôi mới thấy, một câu nói giản dị như vậy nhưng đã được cả lịch sử minh chứng.
Đồng chí còn nói người Lào rất biết ơn bộ đội Việt Nam. Thời điểm đó, chúng tôi sang Lào không phải là đầu tiên. Trong kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều sư đoàn, đơn vị của quân đội ta sang Lào chiến đấu. Chúng tôi tiếp nối hành trình đó, nhưng cũng thấy được truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu để giúp bạn Lào.
Động viên chúng tôi một cách mộc mạc: “Các cháu sang với nhân dân Lào thì hãy coi người dân Lào như cha mẹ của mình, như anh em ruột thịt, thân thương và tin cậy lẫn nhau, có gì ăn nấy”, đồng chí chia sẻ rằng, dù bộ đội có tiêu chuẩn, nhưng có những lúc khó khăn, nhân dân Lào sẵn sàng san sẻ, đùm bọc bộ đội Việt Nam.
Đặc biệt, đồng chí còn dặn dò chúng tôi rằng: Nếu có điều kiện, hãy hòa mình vào với nhân dân Lào, học cách người dân Lào tận dụng tất cả những sản phẩm mà núi rừng ban tặng, từ con thú cho đến cây rau, hoa quả… Các cháu bộ đội vào với dân, tìm hiểu để những khi khó khăn thì giúp đỡ lẫn nhau. Những chia sẻ mộc mạc là vậy nhưng lại là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần lớn lao đối với bộ đội ta.
Giản dị, mộc mạc và chan chứa yêu thương
Cuộc trò chuyện hôm ấy tuy chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận sâu sắc tấm lòng của một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quân đội Nhân dân Lào dành cho bộ đội Việt Nam – gần gũi như lời cha căn dặn con, đầy ấm áp, chân thành và thấu đáo. Không xã giao, không khoảng cách.
Thời điểm ấy, chúng tôi chỉ được thông báo đây là một đoàn cán bộ Lào đi công tác trong vùng giải phóng, hoàn toàn không hay biết người dẫn đầu chính là đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Khamtay Siphandone. Nhờ biết tiếng Lào, còn các đồng chí trong đoàn – trong đó có cả đồng chí Khamtay – cũng hiểu tiếng Việt, nên cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên, pha trộn cả hai ngôn ngữ. Không hề có rào cản, tất cả đều rất chân thành, gần gũi – như cuộc gặp gỡ giữa những người trong một đại gia đình, cùng làng, cùng xóm.
Câu chuyện năm xưa luôn in đậm trong ký ức tôi, khiến tôi càng thêm trân trọng và khâm phục đồng chí Khamtay Siphandone. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về đời thường, tôi tiếp tục tham gia Ban liên lạc quân tình nguyện và Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào. Nhờ đó, tôi có dịp nhiều lần sang Lào thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. Mỗi lần trở lại, trong bất kỳ nhiệm vụ nào, tôi đều được tạo điều kiện đến thăm các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào.
Tôi đã ba lần cùng đoàn đại biểu quân tình nguyện Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Lào đến thăm đồng chí Khamtay Siphandone tại quê hương. Khi nhắc lại cuộc trò chuyện năm xưa, đồng chí Khamtay Siphandone rất cảm động và nói rằng ông tin tưởng vào bộ đội Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ dù đều ở lứa tuổi đôi mươi. Đồng chí luôn nhớ những câu chuyện với quân tình nguyện Việt Nam. Đồng chí dẫn chúng tôi ra trang trại nuôi đà điểu, bò… Một cuộc sống đời thường dân dã như bao người.
Có thể nói, ấn tượng của tôi đối với đồng chí Khamtay Siphandone chính là sự giản dị, mộc mạc và tình thương yêu dành cho bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồng chí Khamtay Siphandone nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, tháng 11/2016. (Nguồn: VTV)
Nét riêng, độc đáo của một nhà lãnh đạo
Tôi cho rằng đồng chí Khamtay Siphandone giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Lào và mối quan hệ Việt–Lào. Quá trình phát triển của quân đội và cách mạng Lào luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong đó đồng chí có đóng góp trực tiếp, sâu sát. Là bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào, tôi từng cảm nhận rõ điều đó qua thực tiễn chiến đấu và những lần gặp gỡ đồng chí.
Khi đảm nhiệm các vị trí cao hơn trong quân đội, tôi càng thấm thía vai trò to lớn của đồng chí trong tập thể các nhà lãnh đạo Lào, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự. Cùng với các đồng chí Kaysone Phomvihane, Xuphanuvong và nhiều lãnh đạo chủ chốt khác, đồng chí Khamtay Siphandone đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng và trực tiếp phát triển Quân đội nhân dân Lào.
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời sớm, trong khi lực lượng vũ trang Lào thời kỳ ấy còn non trẻ. Tuy nhiên, nhờ quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng chiến đấu cùng quân tình nguyện Việt Nam, Quân đội Nhân dân Lào đã trưởng thành nhanh chóng. Đó là kết quả của sự lãnh đạo tập thể Đảng và Quân đội Lào, trong đó đồng chí Khamtay Siphandone giữ vai trò chỉ huy trực tiếp, tiên phong.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân đội hai nước đã phối hợp trong nhiều chiến dịch lớn trên đất Lào, nổi bật là chiến dịch giải phóng Nậm Bạc ở Thượng Lào – chiến dịch thành công nhất, bắt được nhiều tù binh nhất trong tất cả các trận đánh tại Lào. Tôi may mắn được tham gia chiến dịch này trong đại đội trinh sát Trung đoàn 174, hoạt động trên hướng bắt được nhiều tù binh nhất.
Sau này tôi mới biết, chính Bộ Quốc phòng Lào và trực tiếp là đồng chí Khamtay Siphandone đã chỉ đạo chiến dịch, nhấn mạnh yêu cầu: “Phải đánh thắng, nhưng cố gắng bắt tù binh để cảm hóa, đưa họ về với cách mạng”. Tư duy ấy thể hiện một tầm nhìn sâu sắc, nhân văn và đầy bản lĩnh – rất đặc trưng ở một quốc gia nhỏ, nhưng biết dựa vào sức mạnh nhân dân và tinh thần cách mạng để đối đầu với những kẻ thù lớn mạnh.
Tôi luôn ghi nhớ đồng chí Khamtay Siphandone là người góp phần to lớn vào việc xây dựng, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Lào; là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, kiên định chủ trương cảm hóa, chứ không tiêu diệt – một nét đặc biệt trong tư duy quân sự và cách mạng của đồng chí.
Thiếu nhi xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - chào đón Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone tới thăm, năm 2002. (Nguồn: TTXVN)
Điển hình trong lòng tin với Việt Nam
Ở Việt Nam và Lào, quân đội không tách rời nhân dân, mà là Quân đội nhân dân – đúng với tinh thần và quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đặc biệt là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Lào.
Chúng tôi cảm nhận rõ điều đó qua từng bước trưởng thành, từng trận đánh của quân đội hai nước. Mỗi thắng lợi quân sự không chỉ mang ý nghĩa chiến lược cho cách mạng Lào mà còn thể hiện đường lối xây dựng quân đội từ nhân dân, vì nhân dân. Quân đội nhân dân Lào luôn chú trọng cảm hóa, tập hợp cả những người từng lầm lạc, tin vào sức mạnh của chính nghĩa để đưa họ trở lại với cách mạng.
Dù dân số ít, lực lượng quân đội không lớn, nhưng trong chiến tranh, Lào đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân trưởng thành, vững vàng – đó chính là điểm mạnh đáng quý.
Đồng chí Khamtay Siphandone là người từng trải qua muôn vàn gian khổ, nhưng vẫn trường thọ – điều cho thấy một con người vừa cao quý, vừa uyên bác. Trên đời không hiếm người tài đức, nhưng hiếm có ai như đồng chí – luôn gắn bó sâu nặng với quân đội và nhân dân Việt Nam. Hay tin đồng chí về cõi vĩnh hằng, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi càng thêm trân trọng và khâm phục đồng chí – một trong những người có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Lào, đồng thời là biểu tượng tiêu biểu của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Đồng chí không chỉ tin tưởng Việt Nam, mà qua thực tiễn chiến trường, còn thể hiện sự gắn bó, tôn trọng và tín nhiệm với đất nước và quân đội ta. Đồng chí cũng là người đã góp phần dẫn dắt các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào thêm gắn bó, thủy chung và nỗ lực vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có câu: “Quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Chính tinh thần ấy là ngọn cờ thiêng liêng, dẫn dắt quan hệ đoàn kết hai nước trường tồn với thời gian.
Hà Phương - Thảo Hạnh