Câu hát bay lên

Câu hát bay lên
4 giờ trướcBài gốc
Hắn đi nằm viện vào giữa mùa hè nắng nóng. Nắng bốc khói mặt đường. Nắng rám cành cây. Ánh nắng như tia lửa nung đốt căn phòng chật hẹp. Vậy mà người ta vẫn ghép hai người một giường. Người này nằm thì người kia ngồi, luân phiên, hoặc dặt dẹo ra ngoài hiên đứng vịn lan can ngơ ngác nhìn người đi đường. Gương mặt người nào cũng héo hon, nhàu nhĩ. Buồn và mệt mỏi không ai muốn nói với ai. Họ thinh lặng tìm đến gốc cây hóng gió.
Hắn uể oải bước ra cổng bệnh viện định vào quán nước làm mấy cốc trà đá, nhưng quán nào cũng đông khách. Hắn đến ngồi dưới gốc cây phượng vĩ. Hoa phượng vĩ cuối mùa xác xơ còn lác đác vài chùm hoa muộn đã rã cánh phai màu lã chã rơi trước mặt hắn, gợi nhớ một thời niên thiếu còn tung tăng cắp sách đến trường. Thế mà vèo một cái giờ hắn đã cận kề ở tuổi tri thiên mệnh.
Tự nhiên hắn thèm có một người bạn để chia sẻ. Nhưng nơi đây đất khách quê người, hắn chẳng quen ai. Toàn những người lạ hoắc. Đã thế cớ làm sao người ta lại ghép bệnh nhân nam, bệnh nhân nữ trong cùng một phòng? Ngượng chết đi được, lúc nào cũng phải giữ kẽ. Không ai dám mặc quần áo hớ hênh. Hắn có bệnh hay đi đái đêm. Nhiều hôm hắn phải cố hãm cho đến sáng, sợ phòng tối cứ dò dẫm đi ra phòng vệ sinh. Không may đụng vào giường các chị thì tình ngay lý gian, khéo lại mang tiếng!
Hắn là bệnh nhân cao tuổi nhất trong phòng nên được ưu tiên nằm riêng một giường, cũng chỉ được vài ba hôm thì cô điều dưỡng đưa vào một ông bệnh nhân nói với hắn: bệnh nhân đông quá. Bác Ngơn và bác Đát nằm chung nhé! Hắn nhìn ông bệnh nhân mới có lẽ cũng trạc tuổi hắn, gầy giơ xương, da vàng bủng, tưởng chỉ một cơn gió mạnh thổi bay! Hắn hỏi:
- Bác quê ở đâu?
- Tôi quê Hà Nam, Phủ Lý.
Hắn bẹt miệng ra cười: bác Hà Nam Phủ Lý, thì tôi Hà Nam, Phong Cốc. Bác bệnh gì? Tôi u vòm họng. Hắn nói như reo: bác giống tôi. Tôi cũng u vòm họng!
Minh họa: Tô Chiêm
Thế là từ hôm ấy hắn có người bạn mới: cùng tuổi, cùng bệnh, cùng phòng! Ông bạn mới chả biết ở nhà sống thế nào, chứ nhìn mặt ông này cũng có vẻ hiền hiền, cởi mở, vui tính, thật thà. Nhưng hình như ông ta có tính ki bo vì bữa cơm nào cũng thấy ông ta đem ra một lọ muối vừng rang để ăn cơm.
Hắn hỏi: ông ăn như thế thì làm sao có sức chống được bệnh tật? Ông ta nói: tôi đang thể nghiệm chữa bệnh ung thư bằng phương pháp thực dưỡng OHSAWA, tức là chỉ ăn gạo lứt, muối vừng rang để cân bằng trong máu giữa axit và kiềm, hay nói như đông y là cân bằng âm dương. Hắn định hỏi: nếu chỉ ăn gạo lứt, muối vừng mà chữa được ung thư thì có mà thuốc thánh! Và nếu có khỏi thì làm sao ông phải đến đây? Nhưng mà thôi có bệnh thì vái tứ phương. Chắc là người ta nói sao thì ông làm vậy. Biết đâu ông ta gặp may, gặp thầy gặp thuốc khỏi bệnh cũng nên.
*
Sáng nay ông bác sĩ vào khám bệnh thấy bệnh nhân nào gương mặt cũng buồn như tàu chuối héo, ông nói: các bác, các anh, các chị đừng nên nản lòng. Bệnh ung thư biết sớm đều có thể chữa khỏi, hoặc kéo dài sự sống. Điều đó còn phụ thuộc vào niềm tin và ý chí người bệnh. Có niềm tin thì mới có nghị lực. Có nghị lực thì tâm mới yên, trí mới sáng giúp cho ta huy động được sức đề kháng còn tiềm ẩn trong người để vượt qua bệnh tật. Tôi hỏi nhé:
- Có ai tin bác sĩ chúng tôi chữa khỏi bệnh cho các bác không?
Cả phòng bệnh im phắc. Mỗi hắn ngập ngừng giơ tay nói: tôi tin bác sĩ ạ! Ông bác sĩ mỉm cười: thế là tốt. Chữa bệnh không chỉ có thuốc mà còn phải có niềm tin và tinh thần lạc quan yêu đời. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Các bác, các anh, chị hãy hát lên, cười lên cho vui!
Có tiếng xì xào ở phía dưới: ông bác sĩ nói như đánh đố. Hát thế nào được, cười thế nào được khi trong lòng chúng tôi đang chết. Một chị đưa tay gạt nước mắt nói trong tiếng nấc nghẹn: bác sĩ ơi cứu em với, em còn mẹ già và hai con nhỏ. Cô gái trẻ xinh xắn mà đầu thì không còn sợi tóc mếu máo: bác sĩ ơi, các ông, các bà ơi! Cháu bị ung thư xương, truyền dịch đã ba tháng rồi. Thân hình cháu tiều tụy như thế này thì người yêu cháu có còn yêu cháu nữa không?
Cả phòng bệnh mắt ai cũng đỏ hoe. Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng lo âu, sợ hãi; khi phải đối mặt với tử thần mới thấy mình còn nhiều dang dở với đời. Hắn còn một cái nợ với người vợ thương yêu đã quá cố trước khi nhắm mắt xuôi tay đã dặn hắn: “Anh cố sang bên ấy tìm con về anh nhá!”. Đó là đứa con gái út xinh xắn bị kẻ buôn bán người dẫn dụ sang Trung Quốc bán gần chục năm nay không có tin tức gì? Lại còn đứa con trai học xong đại học kinh tế tài chính ra trường mấy năm nay cũng chưa xin được việc. Thế mà bây giờ hắn đang phải nằm đây gồng mình chống chọi với bạo bệnh.
Mỗi tuần trị xạ hai lần. Người hắn suy sụp, biếng ăn kém ngủ. Cứ chợp một tí là mơ. Toàn mơ thấy những người quen đã chết từ đời tám hoánh mới hãi. Có hôm đi toilet về cũng không buồn kéo phéc-mơ-tuya để các chị giường bên phải đỏ mặt che miệng cười. Tuy vậy dù có mệt mỏi hay đau đớn của bệnh có khi còn dễ chịu chứ cái nóng 39 đến 40 độ thì triền miên hết ngày này sang ngày khác. Nắng chang chang cả ngày, có lúc tưởng máu như sôi lên. Những lúc như thế hắn lại ước trời mưa, mưa thật to cho mát mẻ.
Ngày nào hắn cũng dỏng tai nghe thời tiết. Mấy hôm trước cái loa phóng thanh mắc trên cây cột điện đầu phố nói: đợt nóng này còn kéo dài; vài ba ngày nữa sẽ có một rãnh áp thấp đi xuống gây mưa cho toàn miền Bắc bộ. Ai cũng háo hức mong ngày, mong đêm chờ đón cơn mưa. Thế mà trời vẫn trong xanh không gợn bóng mây từ sáng đến tối. Sao thế nhỉ? Hay là dạo này thế giới có nhiều điều bất ổn: tình hình biển Đông xôn xao, nhiều cánh rừng bị lâm tặc phá trụi, không khí ô nhiễm nặng nề, máy móc, thiết bị nha khí tượng còn lạc hậu cũ kĩ nên dự báo thời tiết sai? Vậy thì ta phải vận dụng kinh nghiệm của cha ông để lại.
Sáng sớm hắn đã ra ngoài ban công ngẩng mặt nhìn về phương đông rực rỡ những đám mây màu máu chó. Hắn hớn hở vào phòng khoe: ráng vàng thì gió, ráng máu chó thì mưa bà con ơi! Chị Đã xen vào: Đêm qua em nhìn trăng thấy úa lắm, lại có tán nữa cơ. Các cụ quê em thường bảo: trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa. Có phải không các bác? Anh Phách xen vào: Sáng nay tôi nhìn thấy đàn kiến tha trứng bò lên tường. Nhìn cây si, cây sanh ngoài khuôn viên đâm ra từng chùm rễ trắng.
Anh Tân bảo: thế đã ăn thua gì? Tôi còn nhìn thấy một hiện tượng lạ chưa có trong ca dao, tục ngữ. Cả phòng bệnh nhao nhao hỏi: hiện tượng gì vậy? Đó là năm chú gián hôi từ trong tủ quần áo bay ra bò trên mặt đất. Vài ngày nữa không mưa tôi cứ đi đầu xuống đất! Ai cũng hí hửng chờ mưa. Thế rồi tất cả đều sai toét! Khoa học khí tượng, thủy văn với kinh nghiện dự báo thời tiết đúc kết từ ngày xửa, ngày xưa đều không hiệu nghiệm, chẳng hiểu thời tiết năm nay nó ra làm sao?
*
Bệnh nhân thi nhau vào nhà tắm dội nước ì oạp. Phòng bệnh sáu người chỉ mỗi cái quạt trần cũ kĩ chạy suốt đêm ngày, kêu kèn kẹt như ông lão nghiến răng. Một đêm đang quay vù vù tự dưng bốc khói, cầu chì nổ cái bụp! Thế là nó chết ngóm! Sáng hôm sau hắn rủ ông bạn Đát đi mua quạt. Đát mua chiếc quạt điện cơ công suất 65W, lưu lượng gió 60 phút. Hắn thì đứng ngắm nghía mãi chiếc quạt cây. Chị bán hàng đon đả mời: đây là chiếc quạt phun sương mát lịm, bác mua đi em bán rẻ cho. Em thông cảm với các bác ốm đau, em chỉ lấy giá gốc thôi. Hắn ướm hỏi: giá gốc là bao nhiêu? Hai triệu mốt. Em bớt cho bác mười nghìn nữa được chưa?
Hắn đưa tay vào túi quần sờ ví. Mới hai tuần trước cái ví còn phồng căng, giờ đã lép xẹp. Còn ba tuần trị xạ nữa, thiếu thì vay ai? Hắn lắc đầu: tôi xem thôi chị thông cảm. Chị bán hàng bĩu môi lườm hắn một cái: không có tiền mà cũng sờ vào quạt người ta. Mới sáng ra đã ám quẻ! Nói xong, chị đốt tờ giấy huơ huơ xung quanh đánh vía: vía lành thì ở, vía dữ thì đi, xéo, xéo! Hắn ngượng chín cả mặt.
Ông bạn Đát kéo hắn đến một cửa hàng khác. Do dự mãi hắn cũng mua được một chiếc quạt giống quạt ông Đát. Về nhà hai anh bạn già cầm phích cắm vào ổ điện cho quạt chạy thử. Hai chiếc quạt mới chạy vù vù! Nhưng vì không khí trong phòng đang nóng hầm hập nên khác nào phả hơi nóng vào người. Hắn tần ngần, giá có tiền mua chiếc quạt phun sương thì mát biết mấy.
Đát đăm chiêu nghĩ ngợi rồi nảy ra một sáng kiến. Lẳng lặng đi kiếm một cái chai nhựa về đổ đầy hai lít nước máy rồi treo vào thanh gỗ buộc chặt vào chân giường, dưới đít chai chọc thủng mấy lỗ nhỏ cho nước chảy xuống cánh quạt đang quay tít phát tán trong không khí những hạt nước li ti. Đát ghé mặt vào luồng gió reo: a ha mát quá! Bệnh nhân trong phòng xúm lại xem. Ai cũng tranh nhau ghé mặt vào một tí, thích thú cười sằng sặc - mát ơi là mát!
Tuy vậy nó cũng chỉ là giải pháp tình thế vui trong chốc lát. Ngày hôm sau chiếc loa phóng thanh mắc trên cây cột điện lại nói: hôm nay mới là ngày nóng đỉnh điểm của đợt nóng đã kéo dài mấy tuần qua. Tám, chín giờ đêm vẫn còn ngột ngạt đến khó thở. Nhiều bệnh nhân không ngủ được kéo nhau ra hành lang nằm kín chỗ. Hắn và Đát leo lên tầng ba đi lang thang lối rẽ ngang, lối rẽ dọc thế nào lại đến khu dịch vụ tự nguyện. Hai người thấy dưới nền nhà man mát. Càng tới gần cửa phòng càng mát.
Nhìn xuống mới biết dưới cánh cửa có khe hở. Khí lạnh của máy điều hòa nhiệt độ từ bên trong thoát ra như một luồng gió nhè nhẹ mát rượi. Hai người ngồi bệt xuống nền gạch men được thẩm thấu khí lạnh sao mà mát đến thế? Hai anh già sướng quá, giang hai tay, duỗi hai chân, lăn qua phải, lật qua trái, nằm nghiêng, nằm ngửa cho cái mát thấm vào từng tế bào, từng li ti huyết quản. Hắn và bạn Đát còn tham lam dí cái mặt vào khe cửa tận hưởng cái mát cho thỏa thuê. Chưa thấy ai định nghĩa thỏa mãn về hạnh phúc là gì. Lúc này hắn và Đát cho rằng mình mới là hạnh phúc nhất trần đời, bởi đã quên đi cái khối u trong vòm họng không còn thấy nó đau đớn như hôm qua.
Đêm ấy mát qua,á hai người cứ trò chuyện mãi. Hắn hỏi Đát: ngày xưa bác có đi lính không? Đát bảo: tôi lính Sư đoàn Than. Công nhân ngành than có truyền thống đấu tranh bất khuất nên chiến đấu rất ngoan cường, dũng cảm từng làm bạt vía kinh hồn bọn lính Mỹ - ngụy. Chúng cay lắm, nên ra sức truy lùng Sư đoàn Than để diệt. Nhưng chẳng làm đếch gì được nhau.
Hắn lại hỏi: Thế bác có bị da cam da quýt gì không? Đát chép miệng cười: chả biết! Tôi có đi khám khiếc gì đâu. Dưng mà có một đứa con gái mắc chứng động kinh. Mỗi lần lên cơn, chân tay nó run rẩy, đôi mắt lờ đờ trắng dã, bọt mép thì sùi ra, bạ đâu ngã đấy. Có một lần nó đi tưới rau ngã vào hố phân xanh, toàn thân dính bùn lá cây với nước tiểu thối hoắc! May có người hàng xóm nhìn thấy vớt nó lên. Thương quá đi mất. Tôi đưa nó đi chữa cả tây y, đông y cũng không khỏi.
Hắn thở dài: Tôi cũng thế, gần mười năm sống trong quân ngũ. Có hai đứa con: đứa con trai thì tốt nghiệp đại học không xin được việc làm, đứa con gái thứ hai thì vẫn dở khôn, dở dại bị bọn buôn người dụ dỗ bán sang Trung Quốc. Hôm đi khám mới biết tôi dính chất đi-ô-xin, nhưng tôi không dám nói cho ai biết sợ nói ra miệng thiên hạ sẽ gièm pha, đứa nào dám lấy chúng nó? Nỗi lòng hai anh bạn ốm trùng khít nhau, cả hai cùng im lặng rồi chìm vào giấc ngủ.
Sáng bảnh mắt hai người vẫn còn ngủ say, đến nỗi ông bệnh nhân trong phòng thức giấc mở cửa lại tưởng xác chết, tí ngất xỉu. Ông ta bực tức quát: Ai cho các anh nằm đây? Biến! Hắn và anh bạn già lồm cồm bò dậy nhìn vào phòng bệnh nhân vẫn còn người đến thăm. Họ xầm xì chuyện gì đó mà cứ một sếp, hai sếp. Biết đó là một quan chức, đại gia. Ông bệnh nhân nhìn hai anh già bệnh tật, động lòng thương cảm nói: Thôi, hai bác cứ nằm đấy, tôi sẽ hé cánh cửa ra cho mát. Hắn và Đát lại nằm xuống. Tuổi già thức giấc ngủ lại rất khó, hắn và Đát lại rì rầm trò chuyện.
Hắn lại thừ người ra nghĩ đến gia cảnh: bố, mẹ hắn làm nghề đánh lưới chã. Học chưa hết lớp năm hắn đã phải nghỉ học xuống thuyền giúp bố mẹ kéo lưới phồng rộp cả tay. Lớn lên đi bộ đội. Xuất ngũ trở về vẫn là anh thuyền chài. Con thuyền và biển cả là khoảng trời riêng của hắn. Hắn và con thuyền như cánh chim tự do nay đây mai đó. Niềm vui của hắn là khi đứng trước mũi thuyền kéo lưới. Tấm lưới thu dần như vòng vây xiết chặt khiến lũ cá nháo nhào bơi thục mạng nhảy phốc lên trắng xóa mặt nước. Chẳng có ai bon chen, ganh ghét với ai. Sướng thật!
Vậy mà một hôm đang kéo lưới dưới trời mưa tầm tã, hắn thấy cổ họng có vật gì vương vướng, lại tưởng buổi sáng ăn riêu cá đé, xương dăm của nó còn dính trong cổ họng, khạc mãi không ra. Rồi hắn thúng thắng ho, tiếng nói khàn khàn. Đến lúc ấy hắn mới đi khám bệnh. Bác sĩ bảo hắn viêm họng. Về nhà uống hết mười vỉ kháng sinh, mười lọ thuốc ho PH. Bệnh càng nặng thêm, hắn phải lên Hà Nội khám thì trời ạ! Hắn bị ung thư vòm họng!
- Các ông là ai, ở phòng nào lại đến đây nằm?
Hắn và Đát giật mình nhìn anh bảo vệ cầm dùi cui đang đứng trước mặt. Hắn gãi đầu, gãi tai: Nóng quá anh ơi! Cho chúng tôi nằm ké cửa một tý thôi mà. Anh bảo vệ nghiêm lạnh: Nóng thì mọi người cùng nóng chứ riêng gì các ông. Năn nỉ nói mãi, anh bảo vệ vẫn vung dùi cui xua đuổi bọn hắn như xua gà. Hai anh già uể oải đứng dậy trở về phòng. Thế là từ hôm ấy hắn và ông Đát không còn biết tránh cái nóng ở đâu nữa. Con người ta khi đã cùng quẫn không còn chỗ để mà lùi thường trở nên bạo dạn. Cái khối u trong vòm họng nhức nhối, vướng vất, kệ nó! Nắng nóng nung chảy mỡ cũng kệ nó! Muốn thế nào thì thế. Chết là cùng! Nghĩ thế nên hai người cùng bình tâm trở lại để tìm niềm vui trong đau đớn.
Ấy là lúc hai người sà vào quán trà xít dưới gốc cây phượng vĩ trước sân bệnh viện hóng gió, nhìn người đi đường. Họ như những lũ kiến đi đâu mà suốt ngày vội vã chen chúc nhau trong công sở chưa chán hay sao còn chen chúc nhau ngoài đường? Họ đi đâu thế? Họ đi kiếm ăn đấy! cũng như hắn và Đát suốt đời quần quật như trâu để rồi mang bệnh. Giờ thì sắp chết nhăn răng, Đời hay thật. Hai người nhìn nhau mỉm cười.
Giọng ca của ca sĩ Anh Thơ từ nhà ai vọng lại: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương…" Hai người nghe mà nổi cả da gà vì quá xúc động, như được sống lại một thời trai trẻ hào hùng, được chiến đấu hy sinh bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự hưng phấn, trong người lính thức dậy, hắn bảo Đát: nào hát lên cho vui. Ừ thì hát: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát một bài ca/ non nước quê nhà bao la, dòng sông lắng trôi hiền hòa…”. Những người nhà bệnh nhân đang dặt dẹo ngoài bệnh viện xúm lại nghe hai anh già mắc bạo bệnh mà vẫn yêu đời hát. Người nào người ấy nước mắt rưng rưng.
*
Mấy ngày sau một tin vui đến với hắn. Sau năm tuần trị xạ, hôm đi khám lại, bác sĩ bảo cái khối u trong vòm họng đã teo lại nên hắn được ra viện trước. Còn ông Đát phải tiếp tục nằm lại viện một thời gian nữa. Hôm chia tay trao địa chỉ cho nhau, người nào người ấy nước mắt rưng rưng. Những giọt nước mắt của hai người bệnh già chỉ long lanh trong khóe mắt không rơi ra được.
Hắn mang theo tiếng cười và những giọt nước mắt lưu luyến ấy về quê. Những khi rỗi rãi, gương mặt thân quen của ông Đát và những người bệnh trong phòng lại hiện rõ mồn một trong tâm trí hắn. Chỉ tiếc hôm ngồi trên xe khách, hắn hớ hênh để mất điện thoại di động. Bây giờ gương mặt thân quen ấy không biết ai còn, ai mất, hắn cũng không biết nữa. Với hắn vẫn nghe trong mình thấy còn khỏe mạnh, hắn lại xuống thuyền chã ra sông đánh cá. Niềm vui tiếp sức cho hắn sống để làm tiếp những việc đời còn dang dở.
Một hôm con nước kém, hắn cho thuyền về đậu bến sông Chanh bảo dưỡng. Xong, hắn tạt về thăm nhà thì anh con trai bảo: Có một ông già xưng là Đát cùng nằm viện với bố từ Hà Nam, Phủ Lý về thăm bố. Con mời ông ấy ở lại chơi nhưng ông ấy bảo “Ở quê bận lắm, bác tranh thủ đi thăm bố cháu nhưng bố cháu không có nhà, bác hẹn để dịp khác. Cháu bảo với bố cháu khi nào rỗi thì về nhà bác chơi nhá”.
Hắn mừng rỡ, thế là ông ấy vẫn còn sống. Hắn định đi tiếp một, hai con nước nữa rồi sẽ đi Hà Nam thăm ông Đát, nhưng rồi lấn bấn với công việc, mấy tháng sau vào một ngày cuối thu mát mẻ, hắn mới xách một túi nặng: mực khô, cá khô, sá sùng là những đặc sản của vùng biển Quảng Ninh đi thăm bạn. Ngồi trên xe khách từ Quảng Ninh bon bon trên con đường cao tốc qua những cánh đồng lúa xanh rì, qua làng mạc những mái ngói đỏ au, trong lòng hắn xôn xao nghĩ đến người bạn ốm cùng phòng. Biết bao nhiêu điều muốn nói, hắn sẽ kể cho ông Đát nghe về Hà Nam, Phong Cốc quê hương hắn cũng đang từng bước đổi thay: xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo và điều kì diệu là khối u trong vòm họng vẫn chưa làm hắn chết! Hắn vẫn thấy trong người khỏe mạnh.
Lần theo địa chỉ đến thôn Văn Xá, hắn tạt vào một quán nước ven đường nghỉ ngơi sửa sang lại quần áo trước khi vào nhà bạn. Hắn bảo bà hàng nước: Bà cho tôi cốc trà xít.
- Ở đây tôi không bán trà xít, chỉ bán nước vối với nước chè xanh thôi.
Bà hàng nước nhìn diện mạo hắn rồi hỏi: Chắc là bác ở xa đến.
- Vâng! Tôi từ Quảng Ninh lên đây thăm bạn. Bà có biết ông Đát thôn Văn Xá không?
- Ông Đát trẻ thì nhà ở cuối xóm đằng kia. Ông Đát già thì ung thư vòm họng mới chết tháng trước. Sắp đến bốn chín ngày rồi đấy!
Hắn hụt hẫng cả người. Chén trà vối rơi xuống đất vỡ toang. Làn khói xanh lơ bay là là trên mặt đất rồi tan biến vào không khí. Hắn nhớ tới hôm ngồi hát cùng ông Đát ở bệnh viện. Bất giác môi hắn lẩm nhẩm. Câu hát bay vút lên trời. Bay mãi…
Truyện ngắn của Tiến Luận
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/truyen/cau-hat-bay-len-i745418/