Cầu Hiền Lương - Khát vọng thống nhất non sông

Cầu Hiền Lương - Khát vọng thống nhất non sông
5 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: LÊ TRÚC
Về nơi khát vọng hòa bình
Trong những ngày này, du khách đến với Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đông hơn thường ngày. Ông Trần Xuân Phú, đang sống tại Quảng Bình, hằng năm đều vào Quảng Trị để dâng hương cho đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và dành thời gian ghé thăm cầu Hiền Lương - Bến Hải. Mặc dù đi rất nhiều lần, nhưng mỗi lần đi qua vạch chia cắt đôi bờ đều mang lại cho ông một cảm xúc khác nhau và rất đặc biệt. Ông Phú bộc bạch: “Nhiều lần tôi và gia đình dừng chân tại đây để cho con cháu biết được biến cố chia cắt đất nước. Tôi luôn căn dặn con cháu luôn ghi nhớ đến sự hy sinh của các thế hệ cha anh để Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nối liền một dải, để đất nước có được hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay”.
Trong ký ức của ông Phú, sông Hiền Lương từng có cây cầu, bờ cát, từng con sóng đều in hằn dấu vết lịch sử. Cầu Hiền Lương đã từng chia cắt đôi bờ bởi hai màu sơn khác biệt: một bên màu xanh, một bên màu đỏ. Những năm tháng đó, người dân hai bên bờ không thể qua lại được, chỉ có thể đứng nhìn nhau qua khoảng cách chưa đầy 100m mà lòng quặn đau như cắt. Bao nhiêu người vợ chờ chồng, người mẹ trông ngóng tin con, người thân của mình và cũng có biết bao giọt nước mắt đã rơi, bao nỗi đau không thể thành lời… bởi sự chia cắt.
“Cầu Hiền Lương ngày đó không chỉ là biểu tượng của chia ly mà trở thành chứng tích của một thời đau thương, chia cắt. Nơi đây cũng nhắc nhở mỗi thế hệ người Việt hôm nay và mai sau về giá trị hòa bình, tự do và sự đoàn tụ của mỗi gia đình”, ông Phú chia sẻ.
Từ TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), bà Phạm Thị Vân Hương (61 tuổi) đưa cha mình, ông Phạm Hưng (92 tuổi) vượt gần 1.500km về thăm chiến trường xưa. Bà Hương chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đưa cha về nguồn tại vùng “đất lửa” Quảng Trị. Hai cha con đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ; rồi đến cầu Hiền Lương - nơi vĩ tuyến 17 đã chia cắt 2 miền Nam - Bắc. Khi bước qua những miếng ván trên cầu, đến vạch chia cắt vĩ tuyến 17, lòng tôi như thắt lại, cảm xúc dâng trào. Bởi tôi biết người dân nơi đây đều phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ nhưng họ không hề nao núng, một lòng một dạ sắt son thủy chung.
Hằng năm vào Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”. Ảnh: LÊ TRÚC
Tiếp nối truyền thống anh hùng
Trải qua 50 năm thống nhất đất nước, cũng ngần ấy thời gian sông Bến Hải trở về đúng với tên gọi của nó - dòng sông hiền hòa và ôm trọn “khúc ruột” miền Trung thân yêu. Theo người dân ở Quảng Trị, từ ngày thống nhất đất nước, Quảng Trị xây dựng lại cột cờ giới tuyến gần cầu Hiền Lương - sông Bến Hải. Hằng năm vào Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”. Trong không khí trang nghiêm và tự hào dân tộc, lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên cao trong tiếng nhạc Tiến quân ca oai hùng và sự xúc động của đông đảo người dân. Trong những giây phút thiêng liêng ấy, mọi người dành phút mặc niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương, đất nước đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị được xem là “vành đai trắng” năm xưa - nơi khát vọng hòa bình và thống nhất non sông giờ đã được hiện thực hóa. Từng là vùng đất gánh hậu quả hết sức nặng nề, làng mạc bị hủy diệt, hơn 80% tổng diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Nhưng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, sau những năm giải phóng, quân và dân Quảng Trị như những chiến sĩ anh hùng thời bình đã chung tay vượt qua gian khó, tái thiết và xây dựng quê hương.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, tỉnh Quảng Trị đang dành nguồn lực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng, công nghiệp. Tỉnh đang triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm nhằm tạo động lực cho phát triển KT-XH và liên kết vùng. Những địa danh gắn với một thời hoa lửa như: Thành cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, sông Thạch Hãn, Dốc Miếu, Làng Vây, Tà Cơn... đang được bảo tồn và phát huy giá trị.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Trị, từ năm 1989 đến nay, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng, GRDP bình quân đạt 7,8%/năm; bình quân thu nhập đầu người tăng 10 lần (trên 70 triệu đồng/năm), tổng thu ngân sách tăng trên 300 lần so với năm 1989 (trên 4.000 tỉ đồng/năm). Hiện đời sống người dân ở nơi đây đang ngày càng thay da đổi thịt, nhiều huyện ở Quảng Trị như Vĩnh Linh - nơi giáp ranh vĩ tuyến 17 đã hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới trong năm 2024…
Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: LÊ TRÚC
Về huyện nông thôn mới Vĩnh Linh hôm nay, những con đường nhựa, bê tông trải dài thẳng tắp, khang trang. Những căn nhà kiên cố xây dựng san sát, tạo thành những khu dân cư đông đúc vui nhộn. Nhiều diện tích hồ tiêu, cao su, rừng trồng xanh ngút ngàn đã phủ lên trên mảnh đất hoang tàn của 50 năm trước do chiến tranh; những khu vực nuôi trồng thủy hải sản bên dòng sông Bến Hải, cho thấy mảnh đất và con người nơi đây luôn tràn đầy năng lượng, niềm tin và có sức sống mãnh liệt.
Xung quanh Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải hiện nay là những cánh đồng lúa đang vàng ươm chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Nằm xen kẽ những cánh đồng lúa là những khu dân cư đông đúc. “Vành đai trắng” năm xưa giờ đã nhường chỗ cho khung cảnh và cuộc sống thanh bình, sung túc. Đời sống người dân ngày càng khấm khá, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao.
Chúng tôi rời Quảng Trị vào một chiều nắng đẹp, sông Bến Hải trong xanh hiền hòa. Trong cảm xúc dạt dào của những câu chuyện ở vĩ tuyến 17, chúng tôi càng thêm tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/chinh-tri/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam--thong-nhat-dat-nuoc--30-4-1075-30-4-2025/202504/cau-hien-luong-khat-vong-thong-nhat-non-song-48a3d4a/