Câu hỏi thường gặp liên quan đến hội chứng đau nhức vùng sọ mặt

Câu hỏi thường gặp liên quan đến hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
4 giờ trướcBài gốc
1. Đông y có chữa được hội chứng đau nhức vùng sọ mặt không?
Nội dung
1. Đông y có chữa được hội chứng đau nhức vùng sọ mặt không?
2. Các phương pháp điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
3. Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có chữa khỏi được không?
4. Những chú ý quan trọng đối với hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
5. Chi phí khám chữa bệnh
Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt là hội chứng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra như do dây thần kinh sinh ba (dây V), đau dây thần kinh IX, X được đặc trưng bởi các cơn đau tại vùng sọ mặt.
Các nguyên nhân khác là viêm, nhiễm trùng, khối u, rối loạn vận mạch vùng mặt, đau đầu do huyết áp, do thay đổi thói quen sinh hoạt làm việc. Vì vậy, Đông y có thể rất giúp ích trong điều trị, giảm đau của hội chứng đau nhức vùng sọ mặt. Xoa bóp bấm huyệt là cách hiệu quả để giảm đau và giảm cảm giác khó chịu từ việc giúp cơ thể tăng sản xuất và giải phóng các chất giảm đau tự nhiên như endorphin.
Theo Đông y, các phương pháp này cũng giúp khí huyết lưu thông giúp làm dịu các cơn đau dây thần kinh hoặc đau do căng cơ.
2. Các phương pháp điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Để điều trị tốt nhất hội chứng đau nhức vùng sọ mặt, bệnh nhân cần thăm khám, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân cụ thể. Các phương pháp điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt được bác sĩ cân nhắc, chỉ định dựa trên các tác nhân gây bệnh và biểu hiện cụ thể của bệnh nhân.
Điều trị bằng thuốc
Một số thuốc dùng bao gồm thuốc chống co giật, thuốc làm giãn cơ hoặc tiêm botox giúp bệnh nhân giảm thiểu cảm giác đau do dây thần kinh hiệu quả.
Điều trị các nguyên nhân gây đau từ tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sọ não.
Điều trị các nguyên nhân gây đau nếu có như viêm nhiễm trùng, khối u trong nội sọ, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng.
Nếu là đau do nguyên nhân thần kinh thì sau khi dùng thuốc thất bại, cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
Tiêm phong bế thần kinh.
Giải nén vi mạch nhằm giải quyết xung đột mạch máu thần kinh.
Phẫu thuật xạ hình não.
Phẫu thuật cắt dây thần kinh - phong bế nhánh dây thần kinh.
Cắt thân rễ qua da hạch sinh ba (phá hủy vị trí của các thân tế bào thần kinh cảm giác ngay bên trong hộp sọ và màng cứng).
Đau nhức vùng sọ mặt là tình trạng đau mãn tính ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
Ngoài những phương pháp phổ biến nêu trên để chữa hội chứng đau nhức vùng sọ mặt, bác sĩ còn có thể chỉ định bệnh nhân tiến hành xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, phục hồi sinh học hoặc trị liệu thần kinh cột sống kết hợp với liệu pháp dinh dưỡng để hỗ trợ chữa trị.3. Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có chữa khỏi được không?
Tùy từng nguyên nhân mà việc điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có thể đem lại hiệu quả hay không. Trong các bệnh lý gây đau nhức vùng sọ mặt thì có nhiều bệnh lý đáp ứng kém với điều trị như đau dây V vô căn, viêm mũi xoang mạn tính. Do đó để sống tốt với hội chứng đau nhức vùng sọ mặt bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và khám định kỳ.
4. Những chú ý quan trọng đối với hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt thường xảy đến từ dây thần kinh V nhiều hơn hai dây thần kinh còn lại và bệnh thường gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi, cụ thể là người trên 60 tuổi.
Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt là các cơn đau mãn tính ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh, dẫn đến mệt mỏi trong thời gian dài, suy giảm chất lượng cuộc sống một cách nặng nề. Triệu chứng ban đầu của hội chứng đau nhức vùng sọ mặt là các cơn đau nhức âm ỉ, cơn đau trong thời gian ngắn và tần suất thưa thớt. Đến khi bệnh nặng hơn, cơn đau dần tăng mức độ, độ dài và tần suất cơn đau xuất hiện.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị đem lại hiệu quả đau, giảm đáng kể triệu chứng đau vì vậy cần phát hiện và chẩn đoán được nguyên nhân gây ra hội chứng đau vùng sọ mặt để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ bệnh nhân cần chú ý:
Nghỉ ngơi đúng cách: Đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ và nghỉ ngơi đúng cách để giảm căng thẳng và đau nhức.
Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, yoga hoặc các bài tập căng cơ nhẹ có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự linh hoạt của cơ bắp.
Thực hành kỹ thuật thư giãn: Học các kỹ thuật thở sâu, thiền hoặc yoga để giảm căng thẳng và stress.
Duy trì tư duy tích cực: Tư duy tích cực có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Điều chỉnh lối sống: Đảm bảo bạn duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng caffeine và rượu, và tránh các yếu tố gây kích ứng như ánh sáng mạnh, màn hình máy tính.
5. Chi phí khám chữa bệnh
Khi nghi ngờ mắc hội chứng đau nhức vùng sọ mặt các bác sĩ sẽ thăm khám toàn diện, hệ thống vùng tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt. Thăm khám thần kinh trung ương và thần kinh các dây sọ.
Thăm khám vùng cổ (hạch, tuyến nước bọt, giáp cận giáp) thăm khám toàn thân huyết áp, gan thận, các tuyến nội tiết…
Các xét nghiệm tìm nguyên nhân gây đau trong tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sọ não: Các xét nghiệm cơ bản, đo điện cơ, điện não, soi đáy mắt, chụp CT, MRI… cũng có thể được chỉ định. Vì vậy, các chi phí ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Ví dụ xét nghiệm máu tổng quát có giá dao động từ: 1.000.000 – 3.000.000 VNĐ. Soi đáy mắt trực tiếp:100.000 VNĐ, soi đáy mắt bằng kính 3 mặt gương: 200.000 VNĐ. Chi phí chụp MRI não thường giao động từ: 1.500.000 - 5.000.000 VNĐ.
BS. Nguyễn Trung Khánh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-hoi-chung-dau-nhuc-vung-so-mat-169250418085256703.htm