Hoạt động sôi nổi, gắn kết
Dịp gần Tết Nguyên đán 2025, tại nhà văn hóa phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) diễn ra chương trình “Tết sum vầy - Xuân yêu thương” dành cho nữ công nhân lao động. Gần 200 hội viên, thành viên câu lạc bộ “Nữ chủ nhà trọ” và “Nữ công nhân xa quê” tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ và nhận quà Tết.
Cán bộ phụ nữ phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) tuyên truyền kiến thức pháp luật cho thành viên câu lạc bộ "Nữ chủ nhà trọ" tổ dân phố Bảy.
Chị Lương Thị Tiên (sinh năm 1994), quê ở huyện Tủa Chùa (Điện Biên), thành viên Câu lạc bộ “Nữ công nhân xa quê” tại tổ dân phố Chùa, phường Tăng Tiến nói: “Nhờ chương trình, tôi và nhiều chị em cùng hoàn cảnh có cơ hội gặp gỡ, gắn kết và giúp đỡ nhau. Chồng tôi đã mất, một mình tôi vừa đi làm vừa chăm sóc con nhỏ ốm yếu nên cuộc sống rất khó khăn. Khi tham gia câu lạc bộ, tôi nhận được sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ. Đây là động lực giúp tôi cũng như nhiều chị em đang phải làm việc xa nhà nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Hiện hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã thành lập nhiều loại hình câu lạc bộ dành cho nữ công nhân thu hút hàng nghìn chị em tham gia. Một số câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: “Nữ chủ nhà trọ”; "Nữ công nhân xa quê”; "Nuôi dạy con tốt”; câu lạc bộ bóng chuyền hơi, bóng đá nữ, dân vũ...
Tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng (thành phố Bắc Giang), Câu lạc bộ “Nữ công nhân xa quê” với 25 thành viên đến từ nhiều tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu… có nhiều hoạt động thiết thực sau hơn nửa năm thành lập. Để hoạt động hiệu quả, Câu lạc bộ tổ chức các buổi sinh hoạt phù hợp với lịch làm việc của chị em, tạo không gian giao lưu, phát huy sở trường văn nghệ, thể thao của các thành viên. Câu lạc bộ còn là nơi lắng nghe tâm tư, hỗ trợ kịp thời cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao, một số câu lạc bộ còn tổ chức những buổi chia sẻ về kỹ năng sống, tư vấn sức khỏe sinh sản, chăm sóc con nhỏ cho lao động nữ. Đơn cử như Câu lạc bộ "Nữ chủ nhà trọ" tổ dân phố Bẩy, phường Tăng Tiến đã đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tham mưu với Đảng ủy, UBND phường phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các buổi hướng dẫn về kỹ năng làm việc nhóm, nâng cao tay nghề. Đến nay, câu lạc bộ đã giới thiệu cho gần 20 lao động ngoại tỉnh thuê trọ ở tổ dân phố có việc làm. Đây cũng là nơi thành viên trong các câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà trọ an toàn.
Theo đồng chí Lê Thị Xuân Vĩnh, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), thành viên các câu lạc bộ đã trở thành những hạt nhân thu hút, tập hợp nữ công nhân lao động tham gia tổ chức hội tại các khu, cụm công nghiệp và tuyên truyền viên pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, tăng cường an ninh trật tự khu dân cư.
Nâng cao nhận thức pháp luật
Bắc Giang hiện có gần 120 nghìn lao động nữ trong các khu, cụm công nghiệp, trong đó khoảng 41 nghìn người ở trọ tại thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam. Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập nhiều câu lạc bộ dành cho nữ công nhân, thu hút hàng nghìn người tham gia. Thông qua các câu lạc bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với cơ quan công an và các đơn vị tổ chức 23 cuộc tuyên truyền về an ninh mạng, phòng, chống cháy nổ, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”... Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư văn hóa, an toàn của nữ công nhân được nâng lên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các khu nhà trọ.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, các câu lạc bộ còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm về quyền lợi lao động, chế độ bảo hiểm, giúp công nhân nữ hiểu rõ hơn về các chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp và Nhà nước. Nhiều hội viên sau khi tham gia các mô hình, tổ nhóm, câu lạc bộ đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn trong công việc, nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ tổ chức hội và chính quyền địa phương. Điển hình như trường hợp của chị Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1994), quê ở huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng đang trọ tại xã Song Khê (thành phố Bắc Giang).
Chị Tâm làm ở một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng được hơn một năm nay. Trước đây, chị luôn sống khép kín, tan ca là trở về phòng trọ. Mỗi khi khó khăn, buồn tủi chị chẳng biết chia sẻ với ai. Tháng 8/2024, được chị em phụ nữ khu dân cư vận động, chị tham gia Câu lạc bộ "Nữ công nhân xa quê". Từ những buổi sinh hoạt, các thành viên trở nên thân thiết hơn. Tháng 11/2024, chị bị va chạm giao thông, chị em trong câu lạc bộ đã giúp đỡ một phần viện phí, động viên tinh thần giúp chị nhanh bình phục, ổn định cuộc sống.
Để nâng cao hiệu quả Đề án 19, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, bố trí không gian sinh hoạt chung tại các khu công nghiệp. Đồng thời tổ chức đánh giá, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều hành cho thành viên chủ chốt và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối nữ công nhân lao động. Bên cạnh đó, hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường sống và làm việc tốt hơn cho nữ công nhân xa quê, giúp họ yên tâm gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương.
Bài, ảnh: Ngọc Anh