Câu lạc bộ thành công nhất trong mùa giải vĩ đại của bóng đá Anh

Câu lạc bộ thành công nhất trong mùa giải vĩ đại của bóng đá Anh
6 giờ trướcBài gốc
Cầu thủ Teddy Sheringham ăn mừng bàn thắng vào chung kết Champion League năm 1999. Ảnh: The Guardian.
Trong ký ức của biên tập viên thể thao Bá Phú hay người hâm mộ đội bóng Manchester United, mùa giải 1998-1999 mãi là một cột mốc đáng nhớ. Chỉ trong 365 ngày, Quỷ đỏ đã giành tới ba chức vô địch bao gồm Premier League, FA Cup, và Champions League. Đây là thành tích không chỉ phản ánh sức mạnh đội hình, mà còn thể hiện ý chí, chiến thuật và tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của Quỷ đỏ dưới sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson.
Để ghi nhớ về năm đặc biệt này, nhà báo thể thao Matt Dickinson đã viết nên cuốn sách 1999. Tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt và phát hành ngày 21/12.
Một năm huy hoàng của bóng đá Anh
Cú ăn ba mùa giải 1998-1999 của đội tuyển Manchester United đã tạo nên cơn sốt trong làng túc cầu lúc bấy giờ. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thể thao, chiến thắng năm đó của MU còn tác động mạnh mẽ đến cả văn hóa và kinh tế của xứ sở sương mù.
Theo dịch giả Việt Nhật, các quán bar ở Anh trở thành trung tâm hội tụ của người hâm mộ bóng đá, nơi những câu chuyện huyền thoại được kể lại và tái hiện. Đội bóng cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí, với các sản phẩm ăn theo như sách, phim tài liệu, và hàng loạt vật phẩm lưu niệm được săn đón nồng nhiệt.
Dịch giả Việt Nhật (bên trái) và dịch giả Dũng Lê (bên phải). Ảnh: BTC.
Dịch giả Việt Nhật nhìn cuốn sách 1999 - Manchester United: Cú ăn ba và tất cả dưới góc nhìn của một người làm nghề. “Chúng ta đang sống trong thời đại AI quả thực rất mạnh và đang thay đổi toàn bộ thị trường liên quan đến chữ nghĩa và ngôn ngữ, nhưng AI không thể giải quyết một thứ, theo tôi là quan trọng nhất với con người. Đấy là ký ức. Cuốn 1999 - Manchester United: Cú ăn ba và tất cả sẽ đưa độc giả trở về ký ức của không chỉ năm cuối cùng của thập niên 90, mà còn đến thời điểm bắt đầu yêu mến bóng đá và CLB Man United“, Việt Nhật chia sẻ.
Dịch giả Dũng Lê cũng nhận định rằng câu chuyện của Manchester United năm 1999 đã đi vào văn hóa đại chúng nước Anh. Nó phản ánh những bài học sâu sắc về tinh thần đồng đội và sự cống hiến. Chính những giá trị này đã giúp đội bóng vượt ra khỏi giới hạn thể thao để chạm đến trái tim của hàng triệu người.
“Dưới thời Sir Alex, mọi cầu thủ đều hiểu rằng không ai lớn hơn đội bóng, nhưng cũng nhận ra rằng đôi khi có những giá trị lớn hơn cả bóng đá, và gia đình chính là một trong số đó”, dịch giả Dũng Lê nhận định về người quản lý đội bóng mùa giải 1998-1999 của Manchester United.
Tinh thần năm 1999 của đội tuyển MU còn được nhiều nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Anh học hỏi. Họ xem đây là một bài học về chiến lược, quản lý, và sức mạnh của tinh thần tập thể. Các trường học ở Anh cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm nhằm truyền tải thông điệp tích cực từ thành công của đội bóng đến thế hệ trẻ.
Hai mươi lăm năm sau, cú ăn ba năm 1999 của Manchester United vẫn là một tượng đài không thể lãng quên. Trên hành trình đó, có rất nhiều chi tiết thú vị về đời sống con người, cầu thủ, được nhà báo Matt Dickinson thu thập lại đưa vào sách 1999.
Người đàn ông đứng sau những huyền thoại
Đằng sau chiến thắng năm 1999 của đội tuyển Manchester United chính là ngài Alex Ferguson - linh hồn của Quỷ đỏ. Dưới sự dẫn dắt của Sir Alex, Manchester United đã trở thành biểu tượng toàn cầu, gặt hái hàng loạt danh hiệu, giải thưởng danh giá.
Theo nhận định của tác giả Matt Dickinson trong cuốn sách 1999, Sir Alex Ferguson là một "nhà quản lý toàn diện" thay vì chỉ đơn thuần là huấn luyện viên. Ông Dickinson nhấn mạnh Sir Alex không chỉ dừng lại ở việc đào tạo cầu thủ mà còn đóng vai trò chủ chốt trong các quyết định chuyển nhượng, xây dựng đội hình và tổ chức, tạo nên một đội bóng thống trị như Manchester United trong nhiều năm.
Cuốn sách 1999 với phần bìa tối giản chỉ có hai tông màu và một dòng chữ lớn. Ảnh: BTC cung cấp.
“Ông Ferguson không chỉ là một huấn luyện viên, ông ấy là người xây dựng văn hóa và định hình tổ chức. Ông ấy hiểu rằng không có cầu thủ nào lớn hơn đội bóng, nhưng cũng không ngần ngại đưa ra quyết định khó khăn vì lợi ích chung”, dịch giả Dũng Lê chia sẻ về nhận định của nhà báo Matt Dickinson.
Năm 1999, Khi United bị dẫn 0-1 và Bayern Munich đứng trước cơ hội giành chiến thắng, Sir Alex Ferguson không hề từ bỏ mà vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Trong những phút cuối cùng của trận đấu, khi trọng tài thông báo 3 phút bù giờ, MU có một quả phạt góc từ cánh trái. Vị lãnh đạo này dường như nhận thức rõ rằng mọi cơ hội đều có thể xảy ra. Đó không chỉ là niềm tin vào đội bóng, mà còn là niềm tin vào khả năng làm nên điều kỳ diệu.
Phẩm chất ấy của ông Ferguson không chỉ thể hiện ở sự kiên trì, mà còn ở lòng tự trọng và tinh thần không chấp nhận thất bại. “Thua cũng phải giữ phẩm giá” là một trong những câu nói mà nhà báo Dickinson nhắc lại, làm nổi bật tính cách của ông Ferguson- một người không bao giờ khuất phục trước nghịch cảnh. Sir Alex luôn giữ vững niềm tin rằng MU sẽ trở lại trong suốt hành trình dài.
Qua một thập kỷ, có thể thấy, Sir Alex Ferguson bên cạnh là một huấn luyện viên tài ba, còn là một nhà quản lý xuất sắc, người có khả năng dẫn dắt đội bóng từ thành công này đến thành công khác. Di sản của ông không chỉ là những danh hiệu mà còn là cách ông đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận vai trò của huấn luyện viên trong bóng đá.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/cau-lac-bo-thanh-cong-nhat-trong-mua-giai-vi-dai-cua-bong-da-anh-post1519756.html