Cầu Ngang: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực kinh tế phát triển

Cầu Ngang: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực kinh tế phát triển
6 giờ trướcBài gốc
Đường nông thôn ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông đầu tư hoàn thiện rút ngắn khoảng cách với xã Mỹ Long Nam.
Hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện được kết nối liên thông phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông, phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Năm 2024, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5.750 tỷ đồng, đạt 95,83% nghị quyết. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gần 148 tỷ đồng, đã giải ngân trên 133 tỷ đồng thực hiện 116/121 công trình.
Nhờ hệ thống hạ tầng được đầu tư, trên địa bàn huyện hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.
Nông dân Võ Xuân Mai, ấp Sơn Lang, xã Long Sơn cho biết: kết cấu hạ tầng nông thôn đầu tư hoàn thiện, phục vụ đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi hơn. Đặc biệt, những tuyến đường trục nội đồng được đầu tư đồng bộ, rút ngắn khoảng cách với các địa phương, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Ông Mai cho biết: vụ nuôi năm 2024, với 1,5ha mặt nước ông thả nuôi 07 ao tôm thẻ chân trắng kết hợp với các rô phi. So với con tôm, sản lượng cá rô phi đạt 50 tấn, giá bán 36.000 - 37.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/năm. Có thể nói, mô hình nuôi cá tôm kết hợp, hạn chế rủi ro đem lại lợi nhuận cao.
Xã Hiệp Mỹ Đông là một trong những địa phương được hưởng lợi từ những dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng nuôi thủy sản, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đồng chí Trần Trường Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Mỹ Đông cho biết: với địa hình sông rạch chằng chịt, vài tuyến kênh trên địa bàn chưa được đầu tư cầu nông thôn đồng bộ nên chi phí sản xuất tăng cao, người dân đi lại khó khăn, nhất là học sinh, trong khi đó giá tôm bán ra 03 năm nay thường xuyên không ổn định ảnh hưởng đến lợi nhuận của người dân.
Năm 2024, xã huy động toàn xã hội và được các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ đầu tư 03 cây cầu nông thôn với số tiền 750 triệu đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động đầu tư xây dựng 04 cây cầu nhằm tạo điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng.
Bên cạnh đầu tư đột phá về kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế, trong năm 2024, huyện giải ngân vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn vốn phân bổ trên 120 tỷ đồng, đã giải ngân gần 86 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch.
Đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, những năm qua, huyện tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ đồng bào Khmer, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được triển khai trên địa bàn huyện mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tổng nguồn lực huy động từ năm 2021 đến nay trên 184 tỷ đồng, đã giải ngân đầu tư cứng hóa 55km đường đến trung tâm xã, cải tạo nâng cấp 05 chợ xã vùng dân tộc thiểu số, 01 nhà sinh hoạt cộng đồng, duy tu sửa chữa 103 công trình đường nông thôn. Hỗ trợ đất ở, nhà ở, vốn phát triển sản xuất cho đồng bào Khmer đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer; năm 2024 thu nhập bình quân ước đạt 67 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn 2,82% so với hộ dân cư toàn huyện (có 436 hộ nghèo Khmer).
Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt mục tiêu 100% tuyến đường liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, có 72,5% tuyến đường trục nội ấp, liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 14,02% so với năm 2021. Hệ thống lưới điện tiếp tục phát triển, có 99,44% hộ dân tộc thiểu số sử dụng điện thường xuyên, tăng 0,24% so với năm 2021. Có 100% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 0,78% so với năm 2021, có 07/08 xã vùng có đồng bào Khmer có chợ hoạt động trao đổi giao thương, mua bán hàng hóa...
Thời gian tới, thực hiện các Chương trình, huyện ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để đầu tư các công trình giao thông kết nối, công trình điện lưới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các đặc biệt khó khăn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/cau-ngang-hoan-thien-ket-cau-ha-tang-tao-dong-luc-kinh-te-phat-trien-42990.html