'Cầu nối' chuyển đổi tư duy sản xuất ở Châu Đức

'Cầu nối' chuyển đổi tư duy sản xuất ở Châu Đức
7 giờ trướcBài gốc
Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện đã giúp các HTX vượt qua khó khăn, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và hộ dân liên kết.
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen canh tác của nông dân.
Nông nghiệp huyện Châu Đức đang chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị nông sản.
Điển hình, anh Nguyễn Anh Tuấn (ở thôn 1, xã Suối Rao) đã mạnh dạn đầu tư 3 nhà màng (1.500m2/nhà màng) trên diện tích hơn 6 sào đất để trồng dưa lưới. Sau gần 8 năm triển khai, mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Tuấn, mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Theo anh Tuấn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn (khoảng 400 triệu đồng/nhà màng). Người trồng phải biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.
“Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 70-75 ngày (tùy theo giống). Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 4 vụ/năm, năng suất đạt khoảng 7 tấn/nhà màng. Dưa lưới đang được bán với giá từ 30-40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng/vụ/nhà màng”, anh Tuấn cho biết.
10 hộ nông dân trồng dưa lưới ở xã Suối Rao đã liên kết thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp với diện tích canh tác hơn 6ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch của các hội viên đạt từ 6-8 tấn/nhà màng.
Dưa lưới Suối Rao đã có mặt trên hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho thành viên chi hội, anh Tuấn còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhiều nông dân các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận.
Hiệu quả của chi hội dưa lưới Suối Rao không dừng lại ở doanh số mà còn ở quy mô phát triển, cũng như tính lan tỏa của mô hình kinh tế tập thể. Trên cơ sở của các nông hộ liên kết, ngày 20/12/2024, HTX Dưa lưới An Farm đã được thành lập.
HTX có 8 thành viên, hoạt động ở 11 lĩnh vực, ngành nghề, trong đó tập trung vào các hoạt động trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP, chế biến các sản phẩm từ trái cây; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp… với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
HTX canh tác hơn 6ha dưa lưới trong nhà màng (1.500m2/nhà màng), mỗi năm trồng 4 vụ, năng suất đạt từ 6-8 tấn/nhà màng/vụ. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa lưới của các hộ nông dân trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ.
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết giá trị
Cũng trong những ngày cuối năm 2024, ngành chức năng huyện Châu Đức đã tổ chức bàn giao máy móc thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến các sản phẩm từ ca cao cho HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc liên kết sản xuất giúp tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản lượng và chất lượng.
Theo đó, HTX được hỗ trợ hệ thống máy rang, máy nghiền bột ca cao, máy ép bơ ca cao, máy sấy nguyên liệu, sàn phơi hạt ca cao lên men, cây ca giống, phân bón, bao bì, nhãn mác sản phẩm chế biến từ hạt ca cao. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 21 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 8,7 tỷ đồng (phân kỳ hỗ trợ 3 năm: 2023, 2024 và 2025).
Đây là mô hình liên kết điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ca cao thực hiện theo Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh. Hiện, HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đang liên kết sản xuất và tiêu thụ khoảng 200ha cao cao, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Quảng Thành, Xà Bang, Bình Giã, Kim Long…
Theo ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa - Vũng Tàu, Luật HTX 2023 với các cơ chế và chính sách hỗ trợ, đang hướng tới việc khuyến khích các HTX liên kết hợp tác với nhau, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa và mở rộng quy mô sản xuất. Trong năm 2025, HTX tiếp tục liên kết, hỗ trợ HTX Sản xuất - Dịch vụ - Nông nghiệp Xuân Trường (xã Sơn Bình) trong hoạt động chế biến một số sản phẩm mới như nước ép thanh long đóng chai, nước uống dược liệu đóng chai; liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi, sầu riêng và lúa gạo…
Với đặc sản hồ tiêu có thế mạnh ở địa phương, thời gian qua, thông qua việc hình thành mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất hồ tiêu bền vững, nhiều hộ tham gia đã có cơ hội được trao đổi, tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, khi tham gia các mô hình, nhà nông sẽ đảm bảo cho nguồn ra bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định.
Ông Ngô Xuân Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hữu cơ Giàu Toàn Diện chia sẻ, đa số thành viên HTX là những nông dân gắn bó với cây hồ tiêu từ nhiều năm qua. Nhờ được tuyên truyền, vận động, 7 hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện và tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đã liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến sản xuất bền vững.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã khoanh vùng gần 50ha liền kề của các hộ nông dân trên địa bàn xã Xuân Sơn, Sơn Bình và Suối Rao để tạo thành một vùng nguyên liệu. Những hộ tham gia phải tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường HTX.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2027, HTX có vùng nguyên liệu 100ha hồ tiêu; giai đoạn 2028 - 2030, HTX sẽ sản xuất khoảng 500ha hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện tại HTX đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm tiêu hữu cơ với Công ty Organics More. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM CORP), Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam đang liên kết thu mua hạt tiêu khô của nông dân với số lượng lớn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện Châu Đức có 5.077ha hồ tiêu; diện tích thu hoạch 4.928ha, sản lượng đạt 9.856 tấn hạt tiêu khô/vụ. Huyện xác định mục tiêu đến năm 2025 hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
“Đồng hành” trong phát triển kinh tế - xã hội
Ông Hồ Văn Thư, xã Bình Giã cho biết, năm nay dù vườn tiêu đạt năng suất thấp hơn mọi năm nhưng giá tiêu cao nên bà con trồng tiêu vẫn có lãi. “Với sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 3,5 tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi vẫn lãi khoảng 100 triệu đồng. Đây là động lực để nông dân đầu tư cho vụ tiếp theo”, ông Thư chia sẻ.
Huyện Châu Đức hiện có 36/43 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như sầu riêng, thanh long ruột đỏ, đông trùng hạ thảo, ca cao, dưa lưới, mật ong dú, nấm rơm…
Trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Đức xác định việc liên kết sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành của tỉnh, các đơn vị chức năng của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quản trị HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tiếp cận vốn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử.
“Thông qua lớp tập huấn, các học viên được trao đổi, trang bị kiến thức về quản lý, quản trị, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; chuyển đổi số trong nông nghiệp, giới thiệu một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, phát triển sản phẩm OCOP; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…”, đại diện ngành nông nghiệp huyện cho biết.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đã được bàn giao 1 thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa T50 - phun thuốc bảo vật thực vật trên cây trồng theo chương trình hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP.
Ông Phùng Văn Hòa, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, HTX trồng bơ trên diện tích rộng. Trước đây mỗi lần xịt thuốc phải thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe. Được hỗ trợ thiết bị bay, khi phun thuốc sẽ an toàn cho sức khỏe, nhất là khi có mưa và sương muối xuống, sử dụng máy bay xử lý thì tốc độ nhanh, hiệu quả hơn.
“Sản phẩm của đơn vị đã được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024. Chương trình hỗ trợ máy móc này sẽ giúp HTX mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ trong quy trình sản xuất và chế biến nông sản. Đồng thời tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hướng tới quảng bá, giới thiệu và xây dựng chuỗi liên kết bền vững lâu dài”, ông Hòa nói.
Theo Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được ban hành, tính đến cuối năm 2024, huyện Châu Đức cùng với huyện Côn Đảo là hai địa phương không còn hộ nghèo. Tin rằng, với những giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, tình hình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của huyện sẽ tiếp tục có những bước tiến mới. Cùng với tư duy sản xuất thay đổi, đời sống của người nông dân cũng ngày càng đổi thay mạnh mẽ, cái nghèo ngày càng lùi xa, nhiều hộ trở nên khá giàu, nhiều người trẻ tự tin khởi nghiệp với nông nghiệp. Và trong hành trình “đi được xa” đó, các HTX tiếp tục đóng vai trò “cầu nối” quan trọng, là điểm tựa để người dân thoát nghèo, làm giàu.
Phương Linh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/cau-noi-chuyen-doi-tu-duy-san-xuat-o-chau-duc-1106749.html