Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Quyết sách chiến lược
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà cho rằng, chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, chuyển từ cơ chế lãnh đạo này sang cơ chế lãnh đạo khác sẽ đòi hỏi rất cao đối với đội ngũ cán bộ. Theo đó, cán bộ phải toàn diện hơn, phải đồng bộ hơn, phải toàn năng hơn. Đặc biệt, "giỏi một việc nhưng thành thạo nhiều việc".
Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ sau sắp xếp bộ máy tổ chức hành chính mới phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ không chỉ có phẩm chất mà phải rất có năng lực và năng lực phải khá toàn diện. Cùng với đó, phương pháp công tác, phương pháp lãnh đạo cũng phải đổi mới khi có cơ chế mới. Cán bộ phải toàn diện hơn, đồng bộ hơn và toàn năng hơn. Đặc biệt, giỏi một việc nhưng thành thạo nhiều việc.
Bắc Giang khảo sát, lấy ý kiến của người dân đối với chính quyền thân thiện. Ảnh: TTXVN
Chính quyền 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Sửa đổi cơ bản các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp xã.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn. Đó là triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã).
Theo đó, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để bảo đảm thống nhất với nội dung sửa đổi của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2025) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương và khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, từ những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (Luật năm 2025) là cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng đã nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cụ thể các quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp.
V.Tôn/Báo Tin tức