Lợi dụng AI, câu view gây phẫn nộ
Như Tiền Phong đã đưa tin vụ tai nạn lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) trên vịnh Hạ Long khiến 36 người tử vong và 3 người mất tích.
Từ chiều 19/7, mạng xã hội tràn ngập thông tin tìm người mất tích, lời chia buồn, tiếc thương cho những nạn nhân xấu số.
Tuy nhiên, không ít trang tin, người dùng Facebook sử dụng công cụ AI tạo ra nội dung video, hình ảnh, câu chuyện dựa trên tình huống, hoàn cảnh có thật nhằm câu tương tác, câu view.
Nhiều trang tin sử dụng AI câu view từ thảm kịch chìm tàu ở Quảng Ninh chiều 19/7 gây phẫn nộ. Ảnh: Chụp màn hình.
Đáng nói, những nội dung này vượt giới hạn, thậm chí hư cấu với giọng điệu như tiểu thuyết khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ. Đa số những nội dung đăng tải là các “sáng tác” về hoàn cảnh của một số nạn nhân trong vụ lật tàu. Theo đó, câu chuyện được viết theo kịch bản, miêu tả chi tiết thảm kịch, giây phút sinh ly tử biệt, lời kêu than ai oán…
Tuy nhiên, các bài viết này thường không có đoạn kết và yêu cầu người xem click vào các đường link trong phần bình luận để đọc tiếp. Khi nhấp vào, người dùng sẽ được chuyển hướng đến một trang web với nhiều tin rác, quảng cáo che chắn màn hình.
“Cần xử lý thật nghiêm minh những trang câu view, câu like trên nỗi đau của người khác”, “Cơ quan chức năng nên vào cuộc, xử lý ngay và triệt để tình trạng này”, “Đây không phải là tài năng mà là sự tận cùng của khốn nạn”, “Đừng kiếm tiền trên nỗi đau của người khác, hãy cùng cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số được siêu thoát”, “Lợi dụng cả việc này câu view nữa”, “Không thể hiểu nổi tại sao họ có thể vì kiếm tiền mà bất chấp nhân tính đến như vậy”, “Thời đại thật giả lẫn lộn, cám cảnh khi hàng triệu người khóc thương online, tin vào hình ảnh, video từ AI”… là một số bình luận của khán giả.
Trước đó, người dùng mạng xã hội đồng loạt chia sẻ video được cho là khoảnh khắc vụ lật tàu ở Quảng Ninh chiều 19/7. Sự thật, đây là những nội dung câu view. Khi tìm hiểu, video lật tàu này được ghi lại từ đợt bão Yagi, không phải vụ tai nạn ở Hạ Long. Một số khác là clip của con tàu chìm ở Congo hồi tháng 10/2024.
Nhan nhản video sai sự thật về vụ chìm tàu ở Hạ Long hôm 19/7.
Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết đã nắm được sự việc nhiều cá nhân, fanpage đăng tải video sai sự thật về vụ chìm tàu 19/7 và sẽ báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.
Đau đầu xử lý vấn nạn AI câu view
AI (trí tuệ nhân tạo) - với khả năng tạo hình ảnh, nội dung video ngày càng tinh vi - đang bị lợi dụng triệt để để sản xuất video "deepfake" siêu thực, hình ảnh giả mạo hoặc tin tức sai lệch. Nội dung được thiết kế để gây sốc và thu hút sự chú ý nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, thu về hàng triệu lượt tương tác, biến nỗi đau và sự kiện nghiêm trọng thành công cụ trục lợi bất chính.
Theo SCMP, hệ lụy từ hành vi này là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, gây hoang mang dư luận và tiềm ẩn nguy cơ thao túng thông tin.
Dư luận từng phẫn nộ khi kẻ xấu dùng AI trục lợi, thao túng thông tin sau các sự kiện tai nạn nghiêm trọng. Sau vụ tai nạn máy bay của Air India ở Ahmedabad, Ấn Độ vào tháng 6, mạng xã hội ồ ạt xuất hiện tin nhắn và video được tạo bằng AI, đưa thông tin sai lệch và thuyết âm mưu về nguyên nhân vụ việc, như lỗi kỹ thuật từ ghế phi công hay thời tiết khắc nghiệt...
Theo The Indian Express, video thậm chí còn hiển thị màu sắc máy bay không khớp với thực tế của Air India, nhưng vẫn gây hiểu lầm và lan truyền toàn cầu. Bài viết thu hút lượng lớn bình luận chỉ trích hãng bay, cơ quan chức năng và thậm chí đổ lỗi nạn nhân.
Thảm họa Air Airline và xung đột giữa Israel - Iran bị lợi dụng để câu view.
Hồi tháng 6, nhiều hãng thông tấn cảnh báo tin giả, video AI lợi dụng căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran để trục lợi, kiếm view bất chấp. Mạng xã hội tràn ngập video giả mạo các cuộc tấn công tên lửa và máy bay bị bắn hạ tạo bằng AI.
Đối mặt với tốc độ phát triển và khả năng gây hại của AI, cộng đồng quốc tế đang phải "đau đầu" đi tìm giải pháp, từ xây dựng khung pháp lý đến nâng cao nhận thức cộng đồng.
Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong, thông qua một số luật liên bang đầu tiên vào tháng 12/2019, áp đặt trách nhiệm dân sự hoặc hình sự đối với những người tạo hoặc chia sẻ deepfake mà không có tuyên bố từ chối trách nhiệm phù hợp, theo New York Times.
Trong khi đó, Vương quốc Anh hiện chưa có luật riêng về deepfake, AI, nhưng các luật hiện hành như Đạo luật phỉ báng năm 2013 có thể được áp dụng để xử lý nội dung gây tổn hại danh tiếng cá nhân.
Ấn Độ cũng có thể xử lý deepfake theo các điều khoản về nội dung khiêu dâm, vi phạm quyền riêng tư hoặc hành vi gây mất lòng tin vào chính phủ. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn là nguồn gốc của nhiều deepfake thường từ nước ngoài, gây cản trở việc thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế, theo India Times.
Bên cạnh vai trò của chính phủ các nước, nhiều nền tảng công nghệ chịu áp lực lớn trong việc kiểm soát nội dung. Các "ông lớn" như YouTube và TikTok bắt đầu triển khai các chính sách nghiêm ngặt.
YouTube yêu cầu người dùng minh bạch thông tin sử dụng AI trong video, TikTok cũng cấm nội dung gây hại tạo ra bởi AI. Nhưng với việc hàng tỷ nội dung được "sáng tạo" mỗi ngày, các nền tảng vẫn gặp thách thức trong việc ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung giả mạo.
Theo Guardian, vấn đề được quan tâm nhất là nâng cao nhận thức và năng lực kiểm chứng thông tin cho cộng đồng. Các tổ chức giáo dục, điển hình như Loyola Marymount University (Mỹ), tích cực khuyến nghị người dùng mạng xã hội xác minh nguồn thông tin, sử dụng các công cụ kiểm tra thực tế, hạn chế chia sẻ thông tin nhạy cảm và báo cáo các hoạt động đáng ngờ. Mục tiêu là trang bị cho cộng đồng "bộ lọc" thông tin cần thiết, giúp họ phân biệt được đâu là thật, đâu là giả trong bối cảnh bùng nổ thông tin từ AI.
"Sự phẫn nộ trước việc lạm dụng AI để tạo nội dung giả mạo, đặc biệt là các video tai nạn để câu tương tác là hiện tượng toàn cầu. Nó không chỉ là vấn đề của đạo đức cá nhân mà còn đặt ra những thách thức lớn cho các hệ thống pháp luật, các nền tảng công nghệ và toàn bộ xã hội. Cuộc chiến chống lại thông tin giả mạo do AI tạo ra là một chặng đường dài, đòi hỏi sự phối hợp từ chính phủ các nước, các công ty công nghệ, các nhà phát triển AI và từng cá nhân trong cộng đồng", một chuyên gia nói trên Guardian.
Đỗ Quyên
Trọng Huy