Cây cầu hòa bình cho Trung Á

Cây cầu hòa bình cho Trung Á
19 giờ trướcBài gốc
Các Tổng thống Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan ký thỏa thuận lịch sử tại Khujand, ngày 31/3. (Nguồn: THX)
Việc Tổng thống nước chủ nhà Tajikistan Emomali Rahmon cùng Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev và người đồng cấp Kyrgyzstan Sadyr Japarov đạt thỏa thuận về điểm giao cắt biên giới tại Thung lũng Fergana không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn thể hiện quyết tâm biến vấn đề biên giới thành cầu nối hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Từ xung đột đến hợp tác
Do yếu tố địa lý và lịch sử, đường ranh giới được vẽ từ thập niên 1920 và được sử dụng từ thời Liên Xô đã để lại những tranh chấp kéo dài giữa các nước trong khu vực. Thung lũng Fergana – nơi sinh sống của hơn 16,5 triệu người, chiếm 20% tổng dân số của cả năm quốc gia Trung Á – với tài nguyên nước phong phú và đất đai màu mỡ, trở thành trung tâm của nhiều căng thẳng. Việc giải quyết bất đồng trong khu vực này là một thành tựu quan trọng sau hơn 23 năm đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới giữa Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Ngày 13/3, Kyrgyzstan và Tajikistan đã đạt được hiệp ước về biên giới, chấm dứt tranh chấp kéo dài trong nhiều thập kỷ. Tới ngày 31/3, thỏa thuận ba bên giữa Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đã củng cố nền tảng cho sự hợp tác khu vực. Ba nhà lãnh đạo còn ký Tuyên bố Khujand về tình hữu nghị vĩnh cửu và khánh thành Khu phức hợp hữu nghị tại biên giới ba nước như một biểu tượng của sự đoàn kết.
Tranh chấp biên giới giữa các quốc gia Trung Á vốn có lịch sử lâu đời, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên khan hiếm, nhất là nước. Ở vùng đất khô cằn luôn khan hiếm nước này, Thung lũng Fergana nổi bật là vùng đất màu mỡ, nơi có hai nguồn nước cùng lúc: sông Naryn và sông Karadarya bắt nguồn từ Kyrgyzstan, gặp nhau tại Fergana, Uzbekistan, tạo thành con sông dài thứ hai ở Trung Á, sông Syr Darya, chảy về phía Tây Nam qua Tajikistan. Việc giải quyết ổn thỏa tranh chấp tại Thung lũng Fergana có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt về quyền tiếp cận và quản lý nguồn nước vốn đã từng dẫn đến các cuộc đụng độ giữa các láng giềng trong quá khứ.
Nhiều năm qua, các nước Trung Á cũng bị chia cắt bởi những mâu thuẫn lịch sử, sự khác biệt chính trị và tranh chấp tài nguyên. Tuy nhiên, khu vực này đang cho thấy một xu hướng mới: tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế và chính trị. Uzbekistan, với vị trí trung tâm, đã dẫn đầu xu hướng này khi hoàn tất phân định biên giới với tất cả các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, những động thái như thỏa thuận về việc xây dựng và sử dụng đường cao tốc, phối hợp quản lý tài nguyên nước, phát triển dự án năng lượng tái tạo là minh chứng cho sự hợp tác thiết thực giữa các nước. CASA-1000, dự án truyền tải điện xuyên biên giới giữa Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Pakistan khi hoàn thành sẽ giúp các nước xuất khẩu điện dư thừa vào mùa hè, góp phần ổn định kinh tế khu vực.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là tiềm năng thương mại và công nghiệp. Kim ngạch thương mại giữa Uzbekistan với Kyrgyzstan và Tajikistan đã tăng gấp mười lần trong những năm gần đây, phần lớn đến từ giao thương vùng biên.
Không chỉ cho Trung Á
Trung Á ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong địa chính trị khu vực và toàn cầu. Việc ba nước đạt được đồng thuận về biên giới không chỉ giúp ổn định nội vùng mà còn gửi tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế. Thỏa thuận giải quyết ổn thỏa tranh chấp biên giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác khu vực, từ thương mại đến đầu tư và phát triển hạ tầng. Sự kết nối chặt chẽ hơn trong khu vực cũng sẽ giúp Trung Á nâng cao vị thế trong các sáng kiến kinh tế lớn như Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cũng như gia tăng hợp tác với Nga và châu Âu.
Sau thượng đỉnh Khujand, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tiếp tục chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Trung Á lần đầu tiên tại Samarkand từ ngày 3-4/4 với sự tham dự của lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đại diện cho EU. Thượng đỉnh EU- Trung Á là một minh chứng nữa cho thấy sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa khu vực với các đối tác bên ngoài. Đây cũng là cơ hội quan trọng để EU và Trung Á thể hiện mối quan tâm địa chính trị trong việc tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác. Hiện EU là đối tác thương mại thứ hai của Trung Á, chiếm 22,6% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài, đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất, với hơn 40% đầu tư vào khu vực có nguồn gốc từ EU.
Có thể thấy, quá trình hòa giải và hợp tác tại Trung Á là bài học quý giá cho các khu vực khác. Việc ưu tiên đối thoại, đặt lợi ích chung lên trên khác biệt và cùng nhau phát triển là con đường bền vững, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, sự ổn định của Trung Á không chỉ có ý nghĩa khu vực mà còn đóng góp vào hòa bình và hợp tác toàn cầu.
Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarpov đã nhắc lại câu ngạn ngữ được yêu thích tại Trung Á tại lễ ký kết rằng “một người hàng xóm gần tốt hơn một người họ hàng xa”. Phát biểu của nguyên thủ Kyrgyzstan cho thấy quyết tâm hướng tới tương lai và hợp tác giữa các quốc gia Trung Á, là tín hiệu gửi ra thế giới rằng Trung Á sẵn sàng giải quyết các vấn đề phức tạp một cách hòa bình, thông qua đối thoại để đạt được các thỏa thuận chung.
Đức Trí
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cay-cau-hoa-binh-cho-trung-a-309830.html