Lên núi đào cây dại, bán giá “đắt như vàng”
Nếu bắt gặp cây dại này trên núi, bạn đang tiếp cận với một “mỏ vàng” trong tự nhiên. Đây là cây thông thảo, thường mọc hoang ở vùng có khí hậu ẩm ướt, ở độ cao 600 - 1.500m như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngoài ra hiện nay, nhiều người dân cũng đã trồng thông thảo để làm dược liệu.
Thông thảo cũng phân bố ở Trung Quốc và là cây thuốc cho giá trị kinh tế rất cao. Hiện tại, giá thông thảo tại Trung Quốc dao động từ 50 - 300 NDT (178.000 - 1.068.000đ)/kg tùy nơi bán,chủng loại và chất lượng. Trước đó vào cuối năm 2024, từng có thời điểm giá thông thảo lên đến 750 NDT/kg, tương đương hơn 2,6 triệu đồng/kg. Tại Việt Nam, thông thảo tự nhiên loại cao cấp hiện có thể bán với giá lên đến 700.000 - 900.000đ/kg.
Vậy rốt cuộc, loài thực vật này có công dụng đặc biệt như thế nào mà giá lại đắt đỏ đến thế?
Bộ phận dùng làm thuốc của cây thông thảo là lõi của thân, rễ và nụ hoa. trong đó phần tinh túy nhất là lõi. Chỉ cần lột lớp vỏ ngoài của cây, bạn có thể tìm thấy phần lõi mỏng và trắng ở bên trong.
Phần lõi thông thảo có hình trụ dài, màu trắng hoặc vàng nhạt, chất mềm xốp, có tính đàn hồi. Giữa lõi rỗng hoặc có màng mỏng trong suốt.
Theo y học cổ truyền, thông thảo có vị ngọt nhạt, tính hàn. Lõi cây có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Phần rễ có công dụng lợi sữa, giảm đầy bụng. Trước đây tại Trung Quốc, người ta thường nấu canh với thông thảo cho các bà mẹ sau sinh để lợi sữa.
Vì thị trường ngày càng ưa chuộng việc chăm sóc sức khỏe bằng các nguyên liệu tự nhiên nên giá thông thảo cũng tăng vọt. Trong hai năm 2023 - 2024, giá thông thảo tại xứ Trung đã tăng vọt từ 100 NDT (356.000đ)/kg lên đến 750 NDT (hơn 2,6 triệu đồng)/kg. Phần lớn cây trên thị trường đều là cây mọc tự nhiên, rất ít cây được trồng nhân tạo. Bên cạnh đó, cây thông thảo phải mất hơn 3 năm để phát triển và nhiều cây cũng đã bị chặt phá. Do đó, sản lượng của cây thông thảo từng có thời điểm sụt giảm mạnh vào năm 2024.
Đặc biệt, không phải tất cả thông thảo đều có thể dùng làm dược liệu. Chỉ những cây từ 3 năm tuổi trở nên mới có giá trị dược liệu, cây càng già thì càng có giá trị. Việc thu hoạch và chế biến cũng tốn nhiều công sức. Do thân cây mềm nên lúc lấy lõi nếu không cẩn thận có thể làm gãy, vì vậy người thực hiện phải rất kiên nhẫn.
Hương Nguyễn (Theo weixin.qq)