'Cây di sản' để làm gì?

'Cây di sản' để làm gì?
5 giờ trướcBài gốc
Thực vật, gọi chung là cây, có nhiều cách phân loại. Ở nhiều nơi cây cổ thụ được gắn bảng tên và vài thông tin chính của cây nhưng HDV giỏi nghề thì phải tự trang bị thêm kiến thức để cung cấp thông tin cho du khách. Tuy nhiên, tình huống hiện thường gặp đó là các cụ cây được gắn tấm bia: Cây di sản Việt Nam. Trên bia có khắc tên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, bên dưới có dòng chữ Cây di sản Việt Nam cùng với tên cây và địa chỉ cây; trước chỉ tiếng Việt, nay có thêm tiếng Anh. Ngoài ra, không có bất cứ thông tin nào về cây, kể cả tên khoa học. Nhiều du khách thắc mắc “Cây di sản” để làm gì?
Cho đến thời điểm bài viết này được đăng tải, việc tổ chức lễ khai bia cây di sản vẫn diễn ra dù trước đó (từ năm 2017) đã có những tranh cãi xoay quanh tính hợp pháp của việc cấp giấy chứng nhận cây di sản theo luật định hiện hành cũng như về ý nghĩa của việc lập bia cây di sản, thành lập ban quản lý di sản tại địa phương nơi có cây di sản...
Bảo vệ cây trong tự nhiên, trong đó có bảo tồn cây cổ thụ, đặc biệt là những cụ cây có gắn với các di tích lịch sử là điều hiển nhiên, cần làm. Tuy nhiên, với việc đặt bia nhưng thiếu thông tin về chính cái cây đứng sau tấm bia thật sự rất đáng trách và đáng tiếc. Ít nhất là ở khía cạnh phát triển du lịch vì không mang lại giá trị thông tin nào cho du khách.
Nhìn sang các nước láng giềng làm du lịch tốt mới thấy cách chúng ta đang làm quá lạc hậu. Chợ phiên Temerloh (bang Pahang, Malaysia) họp vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy và sáng Chủ nhật cạnh bờ sông Pahang, xuôi theo đường Wagga có hai hàng cổ thụ saman, trồng từ năm 1913. Người Việt gọi saman là me tây, còng, muồng tím… có vân gỗ đẹp nhưng giá trị kinh tế không cao. Cạnh mỗi thân cây là bảng thông tin khổ 0,5x0,5 mét trang nhã, ghi rõ thông tin về cây gồm tên khoa học, tuổi, chiều cao thân, đường kính gốc, giá trị kinh tế của cây, năm lập bảng. Có cả app để du khách truy cập, tìm hiểu thêm những thông tin thú vị khác.
Cây cao nhất ở đây là 16,4 mét; đường kính gốc 124,5 cen ti mét; giá trị tính bằng tiền là 802.195 ringgit (khoảng 4,6 tỉ đồng). Du khách đi chợ sáng Chủ nhật luôn check in hàng cây, đọc thông tin và vào app tìm hiểu thêm để bức ảnh kỷ niệm có thêm chú thích kỳ thú. Cách làm của họ đơn giản mà mang lại giá trị cao về du lịch, văn hóa.
Nhìn đoàn du khách check in, rồi ồ à với nhau ra chiều thích thú tôi lại nghĩ đến những “cụ” dầu, sao cao ngất ngưởng, đường kính mấy người ôm, vài ba trăm tuổi ở Sài Gòn giá dễ đến hàng chục tỉ đồng, cao hơn nhiều so với hàng cây còng ở Temerloh… “Cây di sản Việt Nam”… để làm gì?
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/cay-di-san-de-lam-gi/