Thiệt hại trên diện rộng, chính quyền khẩn trương ứng phó
Trong những ngày qua, hoàn lưu bão Wipha (cơn bão số 3) đã gây ra nhiều hậu quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thống kê ban đầu ghi nhận 2 người bị thương, 3 căn nhà bị hư hại nặng và 73 căn khác bị tốc mái, hư hỏng một phần.
Ngay từ chiều ngày 20/7, hoàn lưu bão số 3 đã gây ra mưa lớn kèm dông, lốc và gió giật mạnh tại nhiều khu vực. Hàng loạt cây xanh đô thị ngã đổ, gây ách tắc giao thông cục bộ và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng. Hệ thống lưới điện chịu tổn thất lớn với 18 cột điện bị gãy đổ, dẫn đến mất điện trên diện rộng.
Mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh ngã đổ gây ách tắc giao thông.
Nhiều công trình công cộng như cổng chào, bảng hiệu cũng bị gió quật ngã, cùng với 3 xe ô tô bị hư hỏng do cây đè. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã ghi nhận 2 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc rà soát và di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công điện khẩn, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Lực lượng chức năng đã được huy động tối đa để xử lý cây xanh ngã đổ, đảm bảo giao thông thông suốt và phối hợp với ngành điện lực khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục nguồn điện cho người dân. Công tác thống kê thiệt hại và hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng đang được tiến hành khẩn trương.
Một nhà dân bị tốc mái do bão. Ảnh Kiều Hằng.
Nông dân khóc ròng bên vườn sầu riêng
Bên cạnh thiệt hại về nhà cửa và hạ tầng, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh phải gánh chịu một đòn giáng mạnh, đặc biệt đối với các hộ trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê, cơn bão đã làm hư hại 5 ha cây lâu năm, 1,17 ha rau màu, cùng với đó là 2,58 ha nhà kính và 17,2 ha nhà lưới bị gió lốc xé toạc.
Tuy nhiên, tổn thất nặng nề và rõ rệt nhất thuộc về các nhà vườn trồng sầu riêng, khi bão đến đúng vào thời điểm cây đang cho trái và chuẩn bị thu hoạch. Tại xã Quảng Khê, ước tính có khoảng 17,5 tấn sầu riêng đã bị rụng. Tại huyện Bảo Lâm, một trong những nơi nhiều sầu riêng của tỉnh, nhiều nông dân đang đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Sầu riêng của người dân ngã đổ hàng loạt gây thiệt hại nặng nề về kinh tế
Trao đổi với phóng viên, anh K’West ở xã Bảo Lâm 3 không giấu được nỗi buồn: "Vườn sầu riêng Thái của gia đình tôi đang kỳ quả đẹp, chỉ đợi ngày cắt bán. Cơn gió lốc quét qua một buổi chiều đã làm rụng hơn 3 tạ, ước tính thiệt hại khoảng 18 triệu đồng. Bao nhiêu công sức chăm bón giờ đổ sông đổ biển."
Hoàn cảnh của bà KA Nền, một nông hộ khác, còn bi đát hơn. Gia đình bà có thể mất đi nguồn thu nhập chính của cả năm. "Vườn nhà tôi có khoảng 5 tấn sầu riêng, giờ bão làm rụng hết 4,5 tấn rồi. Cả trái non lẫn trái sắp thu hoạch đều không còn. Thiệt hại ước tính phải hơn 200 triệu đồng, coi như mất trắng cả vụ," bà Nền xót xa.
Sầu riêng rụng chất thành từng đống do bão, người nông dân xót xa.
Lâm Đồng tiếp tục đối mặt với rủi ro từ mưa lớn
Dù những tác động trực tiếp của gió lốc đã giảm, nhưng thách thức với Lâm Đồng vẫn còn ở phía trước. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cảnh báo, từ ngày 22 đến 23/7, toàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-110mm, có nơi trên 150mm.
Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp và sạt lở đất ở các khu vực đồi núi, đặc biệt là những nơi nền đất đã yếu đi sau nhiều ngày mưa. Người dân được khuyến cáo cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, sét và gió giật mạnh có thể tiếp tục xảy ra.
Hiện các địa phương đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa. Lực lượng xung kích tại các xã, phường đã được kích hoạt chế độ ứng trực 24/24. Với diễn biến thời tiết còn phức tạp, tỉnh Lâm Đồng xác định việc chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời là giải pháp then chốt nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Hoàng Việt - Cao Hiếu