Điều đó không chỉ bởi chuyến thăm đã đánh dấu việc Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện mà còn đánh thức những tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc.
Tình bạn, sự tin cậy là chất xúc tác
Giữa những ngày mùa mưa trên đất nước trăm đảo, trong khán phòng ấm áp ở Phủ Thủ tướng tại thủ đô Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Anwar Ibrahim cùng chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước. Những cái bắt tay siết chặt, những ánh mắt, nụ cười lạc quan, tin tưởng đang hé mở thời cơ, vận hội mới cho hai dân tộc.
Chuyến thăm diễn ra khi mà không khí của mùa Lễ hội ánh sáng Deepavali còn dư âm trên khắp phố phường Kuala Lumpur bởi hàng nghìn ngọn đèn dầu thắp sáng trong đêm, tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo. Người Hindu ở Malaysia quan niệm Lễ hội Deepavali là dịp để tôn vinh chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, tôn vinh những điều thiện lành, là thời gian để sum họp và đón nhận lời chúc phúc của nữ thần thịnh vượng Lakshmi. Và câu chuyện nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia cũng tựa như một khởi đầu tốt lành, “cánh chim báo tin vui” với người dân hai nước.
Cuộc hội đàm ngày 21-11 giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Anwar Ibrahim kéo dài hơn so với dự kiến, đồng hồ theo giờ Malaysia đã chuyển sang chiều song vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Và rồi tin vui như vỡ òa, thỏa lòng mong đợi. Trước hàng chục cơ quan báo chí trong buổi họp báo ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo hai nước vui mừng thông báo quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở những kết quả đạt được và nhận thấy quan hệ hai nước đang ở giai đoạn chín muồi với nhiều cơ hội, tiềm năng phù hợp. Ngay chiều hôm đó, dù chuyến thăm chưa kết thúc nhưng truyền thông hai nước đã đăng tải Tuyên bố chung về nâng tầm quan hệ hợp tác, điều hiếm có trong ngoại giao. Điều ấy minh chứng một tinh thần hợp tác khẩn trương, quyết liệt, tin cậy, quý trọng lẫn nhau của hai nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chứng kiến trao văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ tin tưởng, một kỷ nguyên phát triển mới trong quan hệ hai nước sẽ được mở ra. Ươm mầm “cây hữu nghị” ấy là sự kiện cách đây hơn 50 năm, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30-3-1973. Và rồi, khi Việt Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh thì Malaysia là quốc gia đầu tiên trong ASEAN công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1998, Việt Nam được kết nạp làm thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngay tại chính thủ đô Kuala Lumpur và Malaysia cũng là một trong những đối tác đầu tiên trên thế giới đầu tư vào Việt Nam trong thời kỳ mở cửa của Việt Nam. Trong đó, biểu tượng cho sự đồng hành và thành công là các lĩnh vực dầu khí (Petronas) và ngân hàng (Public Bank Berhad). Đặc biệt, năm 2015, quan hệ đối tác chiến lược chính thức được thiết lập. Kể từ đó, quan hệ Việt Nam và Malaysia đã phát triển mạnh mẽ, thiết thực và đạt được những thành tựu quan trọng.
Chiều muộn 21-11, thủ đô Kuala Lumpur mưa nặng hạt, trong khán phòng lấp lánh đèn vàng, sực nức tinh dầu hương quế, ngài Tan Sri Dato’ Johari Bin Abdul, Chủ tịch Hạ viện Malaysia ôm chặt Tổng Bí thư Tô Lâm như chào đón một người thân. Cũng mới đây, ngày 24-10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp ngài Tan Sri Dato’ Johari Bin Abdul. Tin cậy, hợp tác, phát triển là những ngôn từ được hai nhà lãnh đạo nhắc đến nhiều lần khi nói về quan hệ song phương. Điều ấy cho thấy sự gần gũi, trách nhiệm với công việc chung của lãnh đạo hai nước.
Người dân Malaysia có ngạn ngữ “Sedikit-sedikit, lama-lama jadi bukit”, nghĩa là: “Từng chút một, lâu dần sẽ thành núi”, hàm ý khuyến khích sự kiên nhẫn và nỗ lực để đạt được thành tựu lớn lao, cũng như Việt Nam có câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Quả thật, có được quả ngọt trong ngoại giao hôm nay là sự nỗ lực cố gắng vun đắp của rất nhiều thế hệ tiền bối đã dày công gây dựng thông qua các chuyến thăm Malaysia như: Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1992), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2011)... Hay những lần nguyên thủ Malaysia sang thăm Việt Nam cùng bàn phương kế phát triển hợp tác. Con thuyền ngoại giao gặp không ít khó khăn, thử thách, thậm chí có lúc phải vượt ra ngoài các thông lệ để đến với nhau, thế nhưng tựu trung, hai nước đã làm được bởi sự chân thành, tin cậy về chính trị; năng động, linh hoạt, bền vững trong hợp tác kinh tế. Hiện nay, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 10 của Việt Nam trên thế giới; Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN. Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), với 754 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 12,9 tỷ USD...
‘‘Luôn có nhau, luôn ở trong trái tim của nhau’’ là khẩu hiệu trên nhiều trang nhóm truyền thông hữu nghị Việt Nam-Malaysia. Người dân hai nước ngày càng gần gũi thông qua các sự kiện hợp tác quảng bá hình ảnh ở mỗi nước. Tình hữu nghị ngày càng thực chất, sâu sắc tựa như lời Tổng lãnh sự Malaysia tại TP Hồ Chí Minh Wong Chia Chiann chia sẻ khi hoàn thành nhiệm kỳ về nước: “Khi nhìn lại, tôi thấy Việt Nam đã trao cho tôi một trong những hành trình thú vị nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình!”.
Cơ hội vàng đến từ Halal
Chuyến thăm Malaysia là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị mới của Tổng Bí thư Tô Lâm tới một nước Đông Nam Á. Tiếp nối dòng chảy hữu nghị hợp tác, song lần này diễn ra mạnh mẽ, sôi động hơn. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ đánh dấu ý nghĩa lịch sử nâng tầm quan hệ mà còn đem đến “sức sống mới” cho quan hệ Việt Nam-Malaysia, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng khai phá. Và một trong những sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm này là tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nhiều năm trước, khi nhắc đến ngành công nghiệp Halal, nhiều nước, trong đó có Việt Nam cảm thấy rất xa lạ. Bởi Halal là một ngành công nghiệp “khó tính”, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo, như: Thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo... Trên thế giới, chứng nhận Halal của Malaysia là một trong những chứng nhận được tìm kiếm nhiều nhất và cũng khó đạt nhất, vì đây là chứng nhận của chính phủ chứ không phải của các tổ chức độc lập.
Thử thách của Halal cũng chính là động lực để Việt Nam tham gia hợp tác, đi sâu phát triển. Chúng tôi nhớ lại trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 7-2024, lúc ấy, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz cho rằng, hợp tác công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Malaysia có thể giúp hàng Việt tiếp cận được gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn cầu, chiếm hơn 24% dân số thế giới. Không phải ngẫu nhiên lại có sự đánh giá lạc quan như vậy. Thực tế thì thời gian qua, Việt Nam luôn coi trọng phát triển ngành Halal; xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất; coi Halal là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường, chuỗi giá trị Halal toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để phát triển dựa trên những tiềm năng, lợi thế của mình. Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng và phát triển với nhiều loại cây trồng, vật nuôi; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản có giá trị. Bên cạnh đó, với yếu tố địa lý khá gần Malaysia, việc vận chuyển đường biển và đường không rất thuận lợi.
Trong cuộc nói chuyện với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr.Ahmad Zahid Hamidi và với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm đến ngành Halal. Thực tế thì Việt Nam và Malaysia đều nhìn thấy những điểm tương đồng để phát triển. Hai nước đều có chiến lược để bảo đảm an ninh lương thực. Một số công ty Malaysia đang rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Malaysia tạo điều kiện, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal, khuyến khích doanh nghiệp Malaysia đầu tư tại Việt Nam bởi sự hợp tác giữa hai nước trong ngành công nghiệp Halal không chỉ là tận dụng thế mạnh của nhau mà còn tạo ra mối quan hệ cộng sinh xuyên biên giới.
Chuyến thăm tới đất nước Malaysia sôi động, thân thiện của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã khép lại với những tình cảm tốt đẹp, sự tin cậy chính trị song phương thêm củng cố, phát triển, bền chặt hơn. Tình cảm ấy làm “cây hữu nghị” Việt Nam-Malaysia ngày càng thêm tươi tốt, đơm hoa, kết trái.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN (Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)