Cây lạc giờ thêm vui

Cây lạc giờ thêm vui
6 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Hoàng Văn Thụ kiểm tra chất lượng lạc trước khi thu hoạch
Hồng Thái là xã có diện tích trồng lạc lớn nhất trên địa bàn huyện Văn Lãng cũ (nay là xã Hoàng Văn Thụ). Tuy nhiên trước đây, bà con chủ yếu trồng giống lạc bản địa, chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.
Từ thực tế đó, tháng 7/2023, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện (cũ) đã phối hợp với UBND xã Hồng Thái (cũ); Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện (cũ); Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi – Trường Đại học Thái Nguyên và HTX Bách Vy (thị trấn Na Sầm cũ nay là xã Na Sầm) thực hiện mô hình liên kết sản xuất lạc đỏ với 106 hộ tham gia, diện tích 9,25 ha.
Là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia mô hình, ông Triệu Văn Lợi, thôn Lùng Đúc, xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Năm 2023, gia đình tôi trồng lạc đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 4 sào. Tháng 12/2023, gia đình tôi đã thu được trên 5 tạ lạc tươi (cao hơn 5% so với trước đây), giá bán ổn định 20.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả, năm 2024 gia đình tôi tiếp tục duy trì, tăng lên 2 vụ trồng với tổng diện tích khoảng 8 sào, sản lượng đạt khoảng 1,5 tấn lạc tươi, thu nhập đem lại gần 30 triệu đồng. Vụ lạc năm nay, gia đình tôi tiếp tục tăng diện tích lên 1 mẫu và hiện tại đang chuẩn bị cho thu hoạch. Mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng dự kiến sản lượng vẫn đạt trên 1 tấn lạc tươi.
Tương tự gia đình ông Lợi, gia đình ông Hoàng Văn Phương, thôn Bản Nhùng, xã Hoàng Văn Thụ cũng tham gia mô hình và mang lại hiệu quả tích cực. Ông Phương cho biết: Năm 2023, được chính quyền xã tuyên truyền, gia đình tôi đã tham gia mô hình trồng lạc đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình được hỗ trợ giống, phân bón, quy trình, kỹ thuật chăm sóc và được kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo đó, gia đình tôi đã chuyển đổi 2 sào ruộng canh tác kém hiệu quả sang trồng lạc. Cuối năm 2023, gia đình thu được trên 3 tạ lạc tươi, mang lại thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, từ năm 2024 đến nay, gia đình tôi tiếp tục duy trì, tăng lên 2 vụ trồng với tổng diện tích khoảng 4 sào.
Để mô hình được thực hiện hiệu quả, các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai mô hình đã hỗ trợ người dân giống lạc đỏ L14, phân bón; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho người; đồng thời phối hợp với cán bộ khuyến nông xã theo dõi, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giống lạc đỏ L14 phù hợp với điều kiện thổ những của địa phương, cho năng suất cao, chất lượng tốt cho ra hoa tập trung, tỷ lệ hạt chắc, chống chịu sâu bệnh tốt. Phương pháp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, năng suất đạt 52,4 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha (tương đương tăng khoảng 5%) so với canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, với chất lượng, mẫu mã sản phẩm to, đẹp, lạc đỏ cũng được bán ra thị trường với mức giá ổn định 20.000 đồng/kg lạc tươi, cao hơn từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg.
Sau khi mô hình được triển khai thành công, từ năm 2024 đến nay, người dân trồng lạc trên địa bàn xã tăng vụ trồng lạc lên 2 vụ để gia tăng hiệu quả sản xuất. Bình quân, diện tích trồng lạc của xã duy trì từ 9 – 10 ha/vụ, có vụ lên đến 12 – 13 ha (tùy thời tiết tại thời điểm gieo trồng và nhu cầu của người dân)
Bà Cao Thị Minh Hồng, Trưởng Phòng Kinh tế xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Hiện nay, sản phẩm lạc đỏ của xã đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân duy trì, mở rộng diện tích trồng lạc, đồng thời tuân thủ quy trình chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề để hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản địa phương trên thị trường.
Từ mô hình trồng lạc đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân có thu nhập tăng thêm từ 2 đến 5 triệu đồng/vụ lạc. Thành công của mô hình còn góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ của bà con nông dân, từ đó, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân theo hướng bền vững.
HIỂU LAM - KIM CHI
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/trien-vong-tu-mo-hinh-trong-lac-theo-tieu-chuan-vietgap-5052124.html