Cây nêu - 'chìa khóa' kết nối giữa âm thế và dương gian

Cây nêu - 'chìa khóa' kết nối giữa âm thế và dương gian
một ngày trướcBài gốc
Theo tập tục của đồng bào Tày, Nùng từ những ngày trước đó, các gia đình đã sắm sửa, chuẩn bị đồ lễ cho ngày Thanh Minh, như: bánh kẹo, hoa quả, xôi ngũ sắc, gà thiến, cá, rượu... gia đình nào có điều kiện còn làm cả lợn quay. Bên cạnh những vật phẩm đó, con cháu còn chuẩn bị đồ vàng mã như: hương hoa, tiền vàng, quần áo... để dâng lên ông bà, tổ tiên. Một trong những đồ lễ không thể thiếu đó chính là cây nêu.
Trong tâm thức dân gian, cây nêu được coi là “cây Vũ trụ” hoặc “cây Mặt trời”, biểu tượng cho sự giao thoa giữa các thế giới. Chính vì vậy, cây nêu không chỉ mang yếu tố văn hóa dân tộc mà còn mang ý nghĩa tâm linh, kết nối giữa đất và trời; giữa con người với thần linh. Còn trong quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, cây nêu được ví như một “chiếc chìa khóa” kết nối giữa âm thế và dương gian. Với sự sáng tạo của các thế hệ con cháu, cây nêu ngày càng được trang trí từ nhiều loại giấy với nhiều màu sắc phong phú, đa dạng. Có cây được làm từ giấy dó trắng muốt; cây được làm từ giấy màu có độ bóng nhẹ, màu sắc tươi sáng, sặc sỡ sắc đủ màu: xanh, đỏ, tím, vàng... có cây nêu được kết lại thành những bông hoa sen; hình quả cầu hay những chùm tua rua được kỳ công cắt tỉa, mang tính thẩm mĩ cao.
Vào ngày 3/3, ngay từ sáng sớm, các thế hệ con cháu trong gia tộc, dòng họ đã nô nức cùng nhau đi tảo mộ; cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng khu mộ của gia đình, dòng tộc mình sao cho thật đẹp. Sau khi dọn dẹp xong, các con, cháu cùng nhau bày biện các lễ vật dâng lên ông bà, tổ tiên với tấm lòng thơm thảo, thành kính nhất để mời ông bà, tổ tiên từ bên kia Mường Trời cùng về thưởng thức những món ngon đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, chứng tâm, chứng lễ và phù hộ độ trì cho các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng tộc được mạnh khỏe, an yên. Muốn vậy, ông bà, tổ tiên phải từ từ mở cửa mả để trở về dương gian. Do đó, trong khi dọn dẹp mộ phần bao giờ con cháu cũng nhổ hết những cây nêu còn sót lại từ năm trước. Hay nói cách khác là con cháu dùng “chìa khóa” để mở rộng cánh cửa đón ông bà, tổ tiên từ âm thế trở về dương gian.
Hình ảnh cây nêu tại khu mộ của một dòng họ người Tày, Nùng Cao Bằng.
Sau khi ông bà, tổ tiên đã chứng lễ, thưởng thức những vật phẩm (khoảng một đến ba tuần hương) con cháu sẽ dâng biếu tiền, vàng, quần áo để ông bà mang theo sang thế giới bên kia dùng dần. Khi tiễn ông bà, tổ tiên đi rồi, con cháu phải “khóa cửa” phần mộ lại. Do vậy, các con cháu sẽ cắm những cây nêu đẹp đẽ đã được chuẩn bị chu đáo từ trước lên các phần mộ. Với hàm nghĩa đó, cây nêu trong lễ Thanh Minh chính là biểu tượng của một chiếc “chìa khóa” kết nối giữa âm thế và dương gian.
Vào dịp lễ Thanh Minh, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đều bắt gặp hình ảnh cây nêu đầy màu sắc, bay phấp phới theo gió trên các sườn đồi, rặng núi. Nhìn ngắm từ xa những cây nêu giống như những cây hoa đang nở rộ giữa tiết xuân, báo hiệu một khởi đầu mới tràn đầy sinh khí và mang đến những điều tốt lành, may mắn cho cả một năm.
Cây nêu không chỉ là một chiếc “chìa khóa” làm bằng chính cái Tâm của các thế hệ con cháu trong mỗi gia đình, dòng tộc, mà còn như một biểu tượng qua đó các thế hệ con cháu bày tỏ tấm lòng thơm thảo, thành kính, cũng như sự tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên. Đây cũng chính là dịp để các con, các cháu bày tỏ lòng tri ân, báo hiếu, đền đáp phần nào ơn sinh thành, tạo dựng của ông bà, tổ tiên. Đồng thời, nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta luôn nhớ về quê hương, nhớ về nguồn cội!
Triệu Thị Kiều Dung
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/cay-neu-chia-khoa-ket-noi-giua-am-the-va-duong-gian-3176310.html