Video: Tan hoang rừng cây ngập mặn ven biển bị chết hàng loạt ở Hà Tĩnh
Khu vực rừng cây ngập mặn phòng hộ dọc ven cửa biển xã Kỳ Hà từng được xem là “bức tường xanh” vững chãi chắn sóng, ngăn triều cường, bảo vệ tuyến đê xung yếu Hải - Hà - Thưa, đất đai sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, hàng chục ha tại khu vực rừng này đã bị xóa sổ, xác cây chết khô la liệt khiến người dân và địa phương lo lắng, nhất là khi mùa bão lũ đang đến gần sẽ đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng thiệt hại tài sản.
Rừng cây ngập mặn ở ven biển xã Kỳ Hà chết la liệt
Đứng trên tuyến đê biển xung yếu Hải - Hà - Thư (xã Kỳ Hà) nhìn xuống, chúng tôi ghi nhận hàng chục ha rừng cây ngập mặn phía ngoài đê ven cửa biển trước đây từng phát triển xanh tốt, sum suê, ngút ngàn nhưng nay đã chết sạch. Cả một khu vực rộng lớn nay chỉ còn thấy những bãi bồi bùn đất lầy lội, hoang tàn với bạt ngàn xác cây mắm biển đủ các kích thước khác nhau bị chết khô, gãy đổ ngổn ngang.
Đặc biệt, do để quá lâu ngày không được thu gom, xử lý nên xác cây chết khô phân hủy, mục nát, khiến cảnh quan, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực này càng trở nên nhếch nhác.
Rừng cây ngập mặn chết khô không thể phục hồi
Gặp chúng tôi, một số người dân địa phương đang đi cào ốc ở ven cửa biển xã Kỳ Hà cho biết, khu vực rừng cây ngập mặn này bị chết khô hàng loạt từ khoảng năm 2022. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai trồng rừng cây thay thế.
Lo lắng nhất là tại khu vực này có tuyến đê biển xung yếu Hải - Hà - Thư bảo vệ đất đai sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản của người dân địa phương. Nay không có khu rừng cây ngập mặn bảo vệ phía ngoài thì mùa bão lũ, triều cường dâng, sóng đánh mạnh, nguy cơ gây xói lở tuyến đê, đe dọa sự an toàn.
Cây rừng ngập mặn chết nhiều năm nay vẫn chưa rõ nguyên nhân
Ngoài ra, khu rừng cây ngập mặn bị chết cũng khiến các tàu thuyền của bà con ngư dân không thể ra vào neo đậu, các nguồn lợi thủy hải sản sinh sống dưới tán rừng cũng không có nơi trú ngụ… Do vậy, rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có phương án để triển khai trồng mới thay thế số diện tích cây rừng ngập mặn đã chết.
Hàng loạt cây rừng ngập mặn cao từ 2,5m đến hơn 3m chết khô
Ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, cho biết, liên quan đến rừng cây ngập mặn ven biển chết từ nhiều năm nay, thời gian qua địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục và hiện đang chờ sự chỉ đạo của cấp trên. Về phía địa phương cũng đã có đề xuất, kiến nghị lên các cấp xem xét đầu tư phát triển, tái tạo lại phần diện tích rừng cây ngập mặn đã chết, trong đó có phương án bổ sung, trồng mới, trồng xen dặm thêm một số cây rừng ngập mặn để vừa đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, môi trường nước, các loại ký sinh có lợi cho thủy sản phát triển, bảo vệ tuyến đê biển xung yếu Hải - Hà - Thư.
Cây rừng ngập mặn chết la liệt để lại khung cảnh hoang tàn ở ven cửa biển
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh, cho biết, qua kiểm đếm tại khu vực ven cửa biển xã Kỳ Hà có khoảng hơn 25ha cây rừng ngập mặn đã chết, trong đó chủ yếu là loại cây mắm biển. Đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể.
Hai năm qua, đơn vị cũng đã phối hợp triển khai một số dự án trồng cây ngập mặn (cây trang) tại vùng ven cửa biển xã Kỳ Hà và phường Kỳ Ninh (khu vực lân cận rừng cây mắm đã chết trước đó) nhưng đều không thành công, cây trang trồng mới dù rất bền vững nhưng vẫn chết nhiều nên dự án đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, cùng thời điểm và cùng dự án triển khai trồng thử nghiệm cây ngập mặn tại khu vực cầu Cửa Sót (tỉnh Hà Tĩnh, cách xã Kỳ Hà khoảng 70km) thì cây vẫn sống rất đẹp, phát triển tốt, thành công.
Hàng chục ha cây rừng ngập mặn ven biển xã Kỳ Hà chết la liệt
Do đó, đơn vị và địa phương kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền mời các chuyên gia có năng lực chuyên môn tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân khiến cây rừng ngập mặn chết ở xã Kỳ Hà. Từ đó, sẽ lên phương án, kêu gọi các dự án khác vào triển khai tái đầu tư trồng mới cây rừng ngập mặn có hiệu quả, bền vững, đảm bảo được hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi thủy sản của địa phương mà không lãng phí, thiệt hại...
Rừng cây ngập mặn chết đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân
Theo ông Đào Đức Giang, về nguyên nhân khiến rừng cây ngập mặn ở ven cửa biển xã Kỳ Hà bị chết, bước đầu đơn vị đang nhận định có khả năng là do ảnh hưởng thổ nhưỡng, khí hậu, bởi tại khu vực này nước biển dâng ngập thời gian dài, độ mặn cao và vượt quá ngưỡng...
Tuy nhiên, để kết luận nguyên nhân chính xác là gì cần phải có các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp, rừng ngập mặn tiến hành khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá, thí nghiệm, chứng minh bằng cơ sở khoa học.