Cây trồng xóa đói giảm nghèo
Nói đến trồng trúc ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), không thể không nhắc đến “vua trúc” Lý Phương Sinh, người dân tộc Mông ở xóm Xà Pèng. Sau khi nghỉ dạy học năm 2000, ông Sinh, nhờ sự vận động của cấp ủy và chính quyền, đã tiên phong trồng cây trúc sào trên đất trống, đồi núi trọc. Ông nhận 4 ha đất hoang để trồng trúc và không ngừng mở rộng diện tích qua từng năm. Đến năm 2012, gia đình ông đã có hơn 10 ha trúc sào.
Ông Sinh phấn khởi nói: “Những năm 2010 - 2012, gia đình tôi thu khoảng 120 - 130 triệu đồng/năm từ vườn trúc, nhưng do không có đường vận chuyển, việc thuê người chặt, vác trúc xuống núi rất tốn kém, chỉ còn lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng. Tôi nghĩ, muốn cây trúc phát triển bền vững, cần có đường vào rừng trúc.”
Dù người dân địa phương phần lớn là hộ nghèo, khó đóng góp để làm đường, ông Sinh quyết định đầu tư toàn bộ số tiền bán trúc để mở đường. Năm 2012, ông khai thác hơn 50 xe trúc, thu được hơn 300 triệu đồng để làm 1 km đường vào rừng. Đến năm 2021, ông tiếp tục đầu tư 150 triệu đồng mở rộng thêm đường, giúp xe tải vào tận vườn thu hoạch. Nhờ đó, những năm trúc được giá, gia đình ông thu từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Ca Thành chia sẻ: Xã có 9/9 xóm trồng trúc, tập trung ở các xóm Khuổi Mỵ, Nặm Dân, Nộc Soa, Xà Pèng, với tổng diện tích gần 700 ha, trong đó hơn 600 ha đang cho thu hoạch. Gần 100% hộ dân trồng trúc, diện tích trung bình từ vài nghìn m² đến 2 ha; một số hộ lớn trồng từ 3 - 7 ha.
Năm 2024, cả xã bán hơn 1.500 xe trúc, thu về gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, 90% hộ dân trong xã vẫn thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, do diện tích đất nông nghiệp ít và địa hình đồi dốc khó canh tác cây trồng khác.
Tập kết trúc sào tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình để chờ xuất bán.
Cây chủ lực của người dân Cao Bằng
Tại huyện Nguyên Bình, cây trúc sào được trồng ở tất cả các xã, thị trấn, tập trung nhiều ở các xã Ca Thành, Thành Công và Triệu Nguyên… Diện tích trồng trúc sào tăng theo từng năm. Minh chứng là năm 2011, toàn huyện có 1.647 ha, đến năm 2020 đã đạt khoảng 2.400 ha. Huyện Nguyên Bình phấn đấu đến năm 2025 nâng tổng diện tích trúc sào lên trên 2.500 ha, duy trì diện tích khai thác trên 1.500 ha.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Nguyên Bình xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cây trúc đảm bảo theo quy hoạch vùng sản xuất. Ngoài ra, ngành chuyên môn và các xã, thị trấn thực hiện rà soát những diện tích đất rừng sản xuất phù hợp với điều kiện trồng cây trúc sào.
Hàng năm, sản lượng trúc sào bán ra thị trường bình quân đạt 22,5 tỷ đồng. Nhờ thu nhập từ trồng trúc, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ dân thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/năm.
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyên Bình, trước đây bà con trồng trúc theo lối truyền thống, hiệu quả không cao. Từ năm 1993, huyện Nguyên Bình đã bắt đầu tuyên truyền, hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, giúp bà con trồng trúc sào trên các vùng đất hoang.
Nhờ các chương trình như 327 và 5 triệu ha rừng, cùng các dự án trồng trúc sào... huyện Nguyên Bình đã phủ xanh nhiều khu đồi trọc. Ngoài ra, trúc sào mang lại thu nhập ổn định cho người dân huyện Nguyên Bình, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Sản xuất đồ mỹ nghệ từ cây trúc sào ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Huyện Bảo Lạc cũng là vùng đất lý tưởng để trúc sào phát triển. Với đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, trúc sào ở đây rất được ưa chuộng. Chính vì vậy, trúc sào cũng chính là loại cây trồng chủ lực của huyện biên giới này, với tổng diện tích khoảng 2.200 ha, trong đó hơn 1.300 ha đã được khai thác. Cây trúc được phát triển theo vùng sản xuất hàng hóa, từ đó đem lại thu nhập cho người dân.
Anh Đặng Quý Tấn, hộ dân ở xóm Lũng Pán, xã Huy Giáp, cho biết: “Nhận thấy trồng trúc đem lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh diện tích có sẵn, gia đình tôi đã mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng trúc sào. Đến nay, tôi có gần 13 ha trúc sào, trong đó hơn 6 ha đã cho khai thác, đem lại thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm.”
Diện tích trúc sào của xã Huy Giáp tăng đều trong những năm qua, đến nay tổng diện tích đạt khoảng 1.000 ha, với hơn 700 ha đã cho khai thác. Từ trồng trúc sào, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Lương Văn Chiến, xã định hướng phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt cây trúc sào là cây trồng thế mạnh, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Thời gian qua, xã đã lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ người dân mua giống mở rộng diện tích trúc sào.
Các xã trong huyện Bảo Lạc cũng phối hợp với phòng chức năng của huyện mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất đồi núi bỏ hoang và chuyển đổi diện tích trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng trúc sào.
Rừng trúc Lũng Pán tại xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc.
Chia sẻ với phóng viên về tiềm năng của cây trúc sào, ông Nông Quốc Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, nhận định: Trúc sào không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn giúp phủ xanh đồi trọc và phát triển du lịch. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần chính sách phát triển bền vững, hỗ trợ mở rộng diện tích và tạo đầu ra ổn định.
Trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục khảo sát mở rộng diện tích trúc, hỗ trợ kinh phí, liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cũng định hướng sản xuất gắn với xây dựng điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn trúc sào, phục vụ cho phát triển du lịch.
Toán Nguyễn - Tiểu Thủy Sơn