Tranh ghép gốm tại Bia tưởng niệm “Cây vú sữa là biểu tượng tấm lòng sắt son của người dân miền Nam dành cho Bác Hồ”, thuộc Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Tranh: LÝ CAO TẤN
Vừa chào đón hòa bình, vui mừng chiến thắng Ðiện Biên Phủ, lại âu lo đất nước bị kẻ thù chia cắt lâu dài, Nam Bộ với 13 triệu người ra sức chiến đấu, mong ngày thắng lợi rước Bác vào Nam. Nhưng vĩ tuyến 17 và dòng Bến Hải là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước, miền Nam chưa thể gặp mặt Bác Hồ, cây vú sữa xuất hiện là một chi tiết sinh động làm cho sự cách biệt ấy gần gũi lại, mang ý nghĩa thiêng liêng. Cây vú sữa đã cùng các anh bộ đội, cán bộ, xuống tàu vượt trùng dương sóng gió, lên bến Sầm Sơn đúng ngày mùng Một tết Ðinh Mùi (24/1/1955). Ðồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, lên xe lửa ra Hà Nội, ngày mùng Hai Tết, thay mặt cho đồng bào, đồng chí miền Nam dâng tặng Bác Hồ cây vú sữa. Bác xúc động vô cùng, vì biết rằng đây là cây vú sữa nơi cuối trời Tổ quốc, Bác hằng mong ước vào thăm.
Trong vườn Phủ Chủ tịch, chính Bác Hồ trồng và chăm sóc cây vú sữa miền Nam. Phim ảnh mô tả Bác tưới cây vú sữa mỗi ban mai, chiều hôm, đã được gởi vào tận Cà Mau - Tây Nam Bộ. Bác từng nói: “Thấy cây như thấy đồng bào miền Nam..." làm các má, các chị trong Nam xúc động rơi nước mắt, nhờ bộ phận nhiếp ảnh Tây Nam Bộ nhân bản ra nhiều ảnh Bác Hồ bên cây vú sữa, mang về khắp nơi. Khi cây bị đẹt, không phát triển, Bác bứng lên, trồng lại chỗ khác, tạo môi sinh cho cây khỏe mạnh. Mùa đông, thương cây vú sữa lạnh lẽo, Bác lấy giẻ và giấy xốp bọc ấm thân cây. Bác vui mừng khi cây có trái và băn khoăn sao trái không to bằng vú sữa miền Nam. Cây vú sữa miền Nam được 15 tuổi thì Bác qua đời. Sau ngày thống nhất đất nước, các anh bảo vệ Phủ Chủ tịch thể theo ý Bác lúc sanh tiền, chiết một nhánh từ cây vú sữa miền Nam, gởi về xã Trí Phải, huyện Thới Bình - Cà Mau - nơi xuất xứ cây vú sữa mẹ ở vườn Bác - Hà Nội.
Tại Ðền thờ Bác ở xã Trí Phải (nay là xã Trí Lực), cây vú sữa quà tặng đã vươn lên cao lớn, cành nhánh sum suê, che mát sân đền, chim thường đến hót. Các cháu thiếu nhi khăn quàng đỏ thích đến ca múa dưới gốc cây xanh tươi, vì tưởng như có Bác bên mình.
Về sự kiện này, văn thơ, nhạc, phim đã tập trung thể hiện khá nhiều hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều ý kiến khác nhau chung quanh cây vú sữa huyền thoại. Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Thới Bình cùng các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã khảo sát, đối chiếu tư liệu, gặp nhiều nhân chứng lịch sử, tìm cội nguồn cây vú sữa, do má Lê Thị Sảnh (xã Trí Phải) bứng cây con để trong cái bình tích nhỏ, nhờ các đồng chí bộ đội tập kết ra Bắc, mang tận Hà Nội kính tặng Cụ Hồ.
Qua đường nét cơ bản này, nhiều loại hình văn nghệ, đặc biệt là sách, báo, phim tài liệu nghệ thuật đã dựng lên nhiều tác phẩm có giá trị, tôn vinh cây vú sữa miền Nam thành kỷ vật thiêng liêng mang dấu ấn tập kết và tình yêu lãnh tụ, với chu kỳ Nam ra Bắc - Bắc về Nam hoàn mỹ như bài ca nhiều điệp khúc. Bên mộ má Sảnh, một tấm bia được dựng lên, hàm xúc nội dung sâu thẳm về một cây vú sữa, rợp bóng cả hai miền.
Cây vú sữa được ai mang xuống tàu Kilinxky, hoặc tàu Arkhangen, hoặc tàu Strasvobol? Ai là người dùng nước uống, tưới cho vú sữa con được sống để cùng vượt đại dương ra Bắc...? Và cây vú sữa được cưu mang trong chiếc bình tích con sứt vòi hay được đặt trong chiếc thùng cây? Ôi, hành trình của cây vú sữa miền Nam quá nhiều chi tiết và hầu như từ ngày vú sữa thành danh tới nay, câu chuyện cây vú sữa trở nên phong phú, như thân cây trổ bao nhiêu là cành nhánh. Nhưng chung quy cây vú sữa là một biểu hiện tấm lòng Cà Mau với Bác Hồ và tấm lòng Bác Hồ với miền Nam./.
Nguyễn Bá