Những cơn mưa lớn, giông lốc bất chợt không chỉ gây ngập lụt, mà còn kéo theo nhiều sự cố như cây xanh bật gốc, gãy đổ, làm hư hỏng phương tiện, đặc biệt là ô tô...
Trong những trường hợp như vậy, câu hỏi được đặt ra là: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường? Chủ sở hữu cây, đơn vị quản lý công trình cây xanh, bãi giữ xe, hay chính chủ xe phải tự gánh lấy thiệt hại? Ngoài ra, bảo hiểm xe máy, ô tô có chi trả hay không?...
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM đã giải đáp các thắc mắc như sau:
Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý tài sản có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu cây cối do mình quản lý gây ra thiệt hại.
Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ: Nếu tài sản gây thiệt hại, người sở hữu hoặc chiếm hữu phải bồi thường, trừ trường hợp thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Từ đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cây đổ lên xe được xác lập khi có đủ 3 yếu tố: (1) Thiệt hại thực tế xảy ra; (2) nguyên nhân từ tài sản (cây cối) của người khác; và (3) không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi của người bị thiệt hại.
Ví dụ, nếu ô tô đang đỗ đúng nơi quy định và bị cây xanh gãy đổ đè lên, trong điều kiện thời tiết bình thường, thì đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Thiệt hại trong trường hợp này bao gồm: Chi phí sửa chữa, khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút, cùng các chi phí phát sinh hợp lý trong quá trình khắc phục hậu quả.
Ngược lại, nếu xe đỗ sai nơi quy định hoặc sự cố xảy ra trong bối cảnh thiên tai (bão lớn, giông lốc), thì trách nhiệm bồi thường có thể được miễn trừ.
Trường hợp ô tô có hợp đồng gửi giữ tại bãi đỗ xe (có vé xe hợp lệ), thì đơn vị trông giữ xe có trách nhiệm bảo quản tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản phải bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
Như vậy, khi xảy ra thiệt hại do cây xanh đổ vào xe, đơn vị trông giữ phải bồi thường cho chủ xe. Sau khi bồi thường, nếu có căn cứ cho thấy lỗi thuộc về đơn vị quản lý cây xanh (không cắt tỉa, kiểm tra định kỳ…), thì đơn vị trông giữ có quyền yêu cầu bồi hoàn lại khoản tiền đã chi trả cho chủ xe.
Trong các tình huống được coi là sự kiện bất khả kháng, chẳng hạn như mưa bão, giông lốc bất thường khiến cây xanh bật gốc, đơn vị quản lý cây xanh vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thể chứng minh rằng họ đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, kiểm tra, cắt tỉa cây theo quy định chuyên ngành.
Ngược lại, nếu chứng minh được cây đã được kiểm tra, bảo dưỡng đúng quy trình kỹ thuật mà vẫn bị đổ do thiên tai vượt ngoài khả năng kiểm soát, thì đơn vị quản lý có thể được miễn trừ trách nhiệm bồi thường.
Cây xanh bật gốc đè ô tô ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: TT
Khi nào sẽ được bảo hiểm?
Người bị thiệt hại cũng có thể được hỗ trợ từ bảo hiểm vật chất ô tô, nếu đã mua loại hình bảo hiểm này. Hiện nay, các loại hình bảo hiểm ô tô phổ biến bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện; Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe; Bảo hiểm vật chất xe ô tô.
Trong số đó, bảo hiểm vật chất xe ô tô là loại hình bảo hiểm tự nguyện, có phạm vi chi trả thiệt hại về thân vỏ, máy móc, linh kiện khi xe gặp tai nạn bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của chủ xe, bao gồm cả thiệt hại do cây đổ, ngập nước, cháy nổ, mưa đá… Tuy nhiên, điều khoản hợp đồng bảo hiểm phải có quy định rõ ràng rằng rủi ro do thiên tai được bảo hiểm và không nằm trong danh mục loại trừ.
Theo khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Chủ xe cần lưu ý, nếu ô tô bị cây đè trong lúc đang đỗ sai quy định hoặc tại nơi cấm đỗ, thì ngay cả khi đã mua bảo hiểm vật chất xe, công ty bảo hiểm vẫn có thể từ chối chi trả do lỗi thuộc về người được bảo hiểm.
Trong khi đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chỉ bồi thường cho thiệt hại đối với bên thứ ba, không chi trả thiệt hại cho chính tài sản của chủ xe.
Vì vậy, để được bảo vệ toàn diện trước những rủi ro như cây đổ gây hư hỏng xe, người sử dụng ô tô nên chủ động tham gia bảo hiểm vật chất và đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là phạm vi và điều kiện bồi thường.
Khi xảy ra sự cố, chủ xe cần nhanh chóng ghi lại hiện trường bằng hình ảnh hoặc video, báo cơ quan chức năng để lập biên bản xác nhận, đồng thời thông báo kịp thời cho công ty bảo hiểm để được giám định và giải quyết bồi thường theo đúng quy trình.
THẢO HIỀN