Cây 'xóa đói giảm nghèo' ở bản Mông

Cây 'xóa đói giảm nghèo' ở bản Mông
7 giờ trướcBài gốc
Anh Sung Gia Pó, bản Lốc Há, xã Nhi Sơn chăm sóc vườn đào.
Hiệu quả kinh tế từ cây đào, cây mận
Từ Quốc lộ 15C, theo con đường mòn gập ghềnh, anh Gia Pó Nại, Bí thư kiêm trưởng bản Lốc Há, xã Nhi Sơn dẫn chúng tôi đến thăm vườn trồng đào, mận của gia đình anh Sung Gia Pó – là hộ trồng nhiều đào, mận ở bản Lốc Há nói riêng, xã Nhi Sơn nói chung. Trên sườn đồi, anh Sung Gia Pó đang tỉa, vun xới gốc đào, gốc mận cho kịp xuân mới. Anh Pó đã có hơn 12 năm gắn bó với cây mận, cây đào. Trước đây, cây đào, cây mận mọc tự nhiên trong rừng. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ hai loại cây này nên không chỉ gia đình anh Pó mà một số hộ dân ở bản Lốc Há cũng trồng cây đào, cây mận tập trung. Hiện nay, gia đình anh Sung Gia Pó có hơn 250 gốc đào, mận, trong đó có gần 100 gốc đào đã cho thu hoạch hơn 4 năm.
Theo kinh nghiệm của anh Sung Gia Pó thì cây đào rừng hợp với khí hậu nơi vùng biên nhưng ra hoa, quả muộn và sản lượng quả ít. Vì vậy, anh đã ghép giống đào rừng với cây đào phai cho ra quả sớm hơn và năng suất cao hơn.
Bản Lốc Há có 120 hộ. Bà con chủ yếu trồng cây đào, cây mận và cây sắn, riêng cây đào, cây mận có diện tích khoảng 20ha. Các hộ trồng nhiều đào, mận như ông Gia Văn Khua (5ha), Gia Văn Dế (5ha), Sung Gia Pó (3ha), Va Văn Cô (3ha)...Anh Gia Pó Nại, Bí thư kiêm trưởng bản Lốc Há chỉ cho chúng tôi thấy những vị trí, địa hình dọc Quốc lộ 15C xuống các triền dốc núi khoảng 300m là nơi trồng cây đào, mận. Anh cho biết: "Bà con đoàn kết, học hỏi lẫn nhau trong cách trồng và chăm sóc cây đào, cây mận. Khi vào vụ, giá quả đào tại vườn bán khoảng 40.000 đồng/kg, giá mận khoảng 35.000 đồng/kg. Bản Lốc Há đã thành lập tổ sản xuất mận tam hoa theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 6 hộ. Ngoài bán quả thì vào dịp tết, người dân còn bán đào cảnh hoặc một số hộ mở dịch vụ cho du khách vào thăm vườn đào, chụp ảnh xuân. Cây đào, cây mận đã góp phần xóa đói giảm nghèo. Đầu năm 2024, bản có 68 hộ nghèo thì nay chỉ còn 13 hộ".
Những cây đào đá ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi đã thay lá, bắt đầu cho nụ.
Xã Nhi Sơn có 6 bản với hơn 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Toàn xã có khoảng 33ha cây đào, 6ha cây mận. Cùng với bản Lốc Há thì cây đào, cây mận còn được trồng nhiều ở bản Pá Hộc và bản Cặt. Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn Lê Hữu Nghị, chia sẻ: "Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, khuyến khích, định hướng cho bà con phát triển kinh tế, trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trong đó cây đào, cây mận là 2 cây trồng chủ lực. Ở bản Lốc Há, xã tuyên truyền cho bà con thành lập tổ sản xuất mận tam hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng dẫn bà con mua máy móc, đầu tư công nghệ sấy mận...Năm 2025, xã Nhi Sơn đăng ký tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp là 15ha".
Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả chủ lực
Ngược ngàn lên xã Pù Nhi, chúng tôi về bản Pù Toong, đến thăm gia đình ông Lâu Văn Ly, là một trong những hộ trồng cây đào rừng (hay còn gọi cây đào đá, đào mốc) nhiều nhất bản. Những gốc đào rừng xù xì, mốc thếch đã thay lá, đang bắt đầu đâm chồi nảy lộc. So với các giống đào khác, đào rừng thường nở muộn hơn, cánh hoa to dày và có màu hồng nhạt. Mỗi độ tết đến, xuân về, vườn đào của gia đình ông Lâu Văn Ly luôn tấp nập thương lái, người dân đến mua.
Nhi Sơn là xã có diện tích trồng cây đào, mận nhiều trên địa bàn huyện Mường Lát.
Hiện nay, xã Pù Nhi có hơn 70ha trồng cây đào, mận, trong đó có khoảng 50ha cây đào được trồng tập trung ở bản Cơm, Pha Đén, Pù Ngùa, Pù Toong... Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xã Pù Nhi phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi xã nghèo. Ông Lâu Văn Dính, Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết: "Để đạt được mục tiêu, xã Pù Nhi định hướng phát triển kinh tế ở 3 khu vực. Khu vực 1 (các bản Cá Tớp, Na Tao, Đông Ban, Hạ Sơn, Pù Toong) tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng thành trung tâm giao thương hàng hóa, đầu mối của các hoạt động dịch vụ, thương mại của xã với các địa phương trong huyện; đưa các loại giống cây trồng ăn quả như mận, cam, đào vào sản xuất gắn với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ và phát triển rừng. Khu vực 2 (bản Cơm, Pù Ngùa) tập trung bảo vệ và phát triển diện tích rừng đầu nguồn kết hợp với trồng các loại nông sản bản địa có giá trị cao như củ khoai mán, khoai sọ; các loại cây ăn quả như cây đào, mận, táo mèo; các loại cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê bản địa...".
Xã Pù Nhi và xã Nhi Sơn cũng là 2 địa phương trồng nhiều đào, mận tại huyện Mường Lát. Theo báo cáo, đến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Mường Lát là 441,21ha, trong đó cây mận có 36,09ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 98,8 tấn; cây đào hơn 72ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 65,3 tấn.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Mường Lát xác định việc tích tụ, tập trung ruộng đất là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao cả trước mắt và lâu dài, nhằm phát triển hàng hóa theo quy mô tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Năm 2025, huyện Mường Lát phấn đấu tổng diện tích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp là 50ha; tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả chủ lực trên địa bàn.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/cay-xoa-doi-giam-ngheo-o-ban-mong-35075.htm