Tim Cook nằm trong số 80 giám đốc điều hành công ty đa quốc gia tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, sự kiện thường niên do chính phủ nước này tổ chức nhằm tạo điều kiện đối thoại với các nhà đầu tư toàn cầu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn hôm 23.3.
Ông Lý Cường cam kết sẽ mở cửa nhiều lĩnh vực kinh tế hơn và kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu tận dụng cơ hội từ sự đổi mới sáng tạo của nước này. Động lực đó đã được thúc đẩy bởi thành công của DeepSeek (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu) trong năm nay.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, Tim Cook nói rằng các mô hình AI của DeepSeek là "xuất sắc", song không đi vào chi tiết. Vào tháng 1, Giám đốc điều hành Apple từng khen ngợi DeepSeek tại một cuộc họp báo cáo kết quả tài chính, khẳng định rằng "đổi mới giúp tăng hiệu suất là điều tốt".
DeepSeek đã gây chấn động giới công nghệ khi ra mắt các mô hình AI nguồn mở V3 và R1 có hiệu suất tương đương những đối thủ Mỹ nhưng được phát triển với chi phí và tài nguyên tính toán thấp hơn đáng kể.
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, Tim Cook và giám đốc điều hành Pfizer, Brookfield, Medtronic, Mastercard, Eli Lilly đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chiều 23.3.
Phó thủ tướng Hà Lập Phong gặp Tim Cook tại Bắc Kinh vào ngày 23.3 - Ảnh: Xinhua
Giám đốc điều hành Apple tiếp tục chuyến công du Trung Quốc hôm 26.3, ghé thăm khuôn viên trường Đại học Chiết Giang ở tỉnh Hàng Châu vào buổi sáng, tuyên bố sẽ quyên góp 30 triệu nhân dân tệ (4,13 triệu USD) cho trường để phát triển ứng dụng, theo Hàng Châu Nhật báo.
Hôm 23.3, Tim Cook đã gặp Nhậm Hồng Bân, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, và cho biết Apple có thể đóng góp vào mối quan hệ "ổn định, lành mạnh và bền vững" giữa Mỹ với Trung Quốc, theo một tuyên bố từ cơ quan này.
Doanh nhân 64 tuổi người Mỹ có một cuộc họp riêng với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hôm 24.3. Ông Vương Văn Đào đã đề nghị Apple tăng đầu tư vào Trung Quốc, theo một tuyên bố bằng tiếng Trung của Bộ Thương mại.
Tim Cook cho biết tại cuộc họp rằng sự hiện diện của Apple tại Trung Quốc là ví dụ về "sự hợp tác đôi bên cùng có lợi". Ông nói công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào chuỗi cung ứng và nghiên cứu của nước này để đóng vai trò tích cực cho sự phát triển của quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung.
Apple không cung cấp bất kỳ hành trình hoặc tuyên bố chi tiết nào về chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tim Cook trong năm 2025. Năm ngoái, ông đã thực hiện ba chuyến đi đến nước này.
Các chuyến đi của Tim Cook tới Trung Quốc được nhiều người coi là thước đo về cách Apple đang vượt qua vùng biển đầy sóng gió trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Nhà sản xuất iPhone đang bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại giữa hai nước, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Trump áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các tuyên bố từ phía Trung Quốc không đề cập đến bất kỳ vấn đề cụ thể nào như thuế quan hoặc Apple Intelligence.
Trước đó, trang SCMP đưa tin Apple hợp tác với Alibaba để sử dụng các mô hình AI Qwen của gã khổng lồ thương mại điện tử này trong Intelligence tại Trung Quốc, nhưng các cơ quan quản lý nước này vẫn chưa cấp phép chính thức. Chưa rõ khi nào Apple có thể đưa các tính năng AI lên iPhone được bán tại Trung Quốc đại lục.
Năm ngoái, doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm 17% xuống còn 42,9 triệu chiếc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương, gồm cả Vivo, Xiaomi và Huawei (chiếm nhiều thị phần từ công ty Mỹ ở phân khúc cao cấp).
Lượng iPhone xuất xưởng tại Trung Quốc đã giảm 25% trong quý 4/2024. Tuy nhiên, sự ra mắt của dòng iPhone 16 đã giúp Apple giành lại vị trí số 1 toàn cầu trong quý này. Sự phổ biến của dòng iPhone 16 đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm doanh số ở Trung Quốc.
Ngoài các cuộc gặp với quan chức chính phủ Trung Quốc, Tim Cook thực hiện chiến dịch thu hút người tiêu dùng, nhân viên và các KOL (những người có tầm ảnh hưởng) tại nước này. Trong ba ngày qua, ông đã đăng 9 bài viết trên mạng xã hội Weibo, gồm cả thông báo về một quỹ năng lượng sạch mới.
Sáng 26.3, Tim Cook đăng bài về chuyến thăm Đại học Chiết Giang, viết rằng ông "rất vui khi được gặp thế hệ nhà phát triển tiếp theo", khẳng định cam kết hỗ trợ các lập trình viên trẻ và doanh nhân thông qua Quỹ Ươm tạo ứng dụng Apple.
Chiều 25.3, Tim Cook đăng bài viết nêu bật cuộc gặp gỡ của ông tại thủ đô Bắc Kinh với các nhà phát triển từ Kuro Games. Ông cảm ơn hãng phát triển game này "vì chia sẻ cách bạn sử dụng công nghệ của Apple để mang đến những trải nghiệm nhập vai vô cùng hấp dẫn cho các game thủ ở khắp mọi nơi!".
Riêng Jeff Williams (Giám đốc vận hành Apple) đã đến thăm các nhà cung cấp chính của công ty tại Trung Quốc trong tuần này, gồm Goertek ở tỉnh Sơn Đông, Luxshare Precision Industry và Justech Precision Industry tại tỉnh Giang Tô.
Tim Cook đã đến Trung Quốc ít nhất ba lần vào năm 2024 để thể hiện sự ủng hộ của Apple với thị trường smartphone lớn nhất thế giới, đồng thời tìm cách củng cố niềm tin từ người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu suy giảm. Ở chuyến đi vào tháng 11.2024, ông tham dự một hội nghị về chuỗi cung ứng ở Bắc Kinh và nhấn mạnh rằng Apple "không thể làm được những gì đang làm" nếu không có các đối tác Trung Quốc.
Apple dự định ra mắt Intelligence bằng nhiều ngôn ngữ, gồm cả tiếng Trung giản thể, vào tháng 4 cùng với bản cập nhật iOS mới nhất.
Công ty đang nỗ lực đưa các tính năng AI của mình đến Trung Quốc vào giữa năm 2025, đẩy nhanh dự án phức tạp đòi hỏi phải thay đổi phần mềm và phụ thuộc nhiều vào đối tác địa phương như Alibaba.
Apple có nhiều nhóm đang làm việc để điều chỉnh nền tảng Intelligence cho thị trường Trung Quốc với mục tiêu ra mắt sớm nhất vào tháng 5, theo những người có hiểu biết về vấn đề này. Ngoài công việc kỹ thuật, Apple còn phải đối mặt các rào cản pháp lý tại Trung Quốc.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã hợp tác với Alibaba để tạo ra một hệ thống trên thiết bị, giúp phân tích và điều chỉnh các mô hình AI của Apple dành cho người dùng iPhone, iPad và Mac tại Trung Quốc. Hệ thống này sẽ kiểm duyệt và lọc kết quả AI để tuân thủ các yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sẽ có thể yêu cầu Alibaba đề nghị Apple điều chỉnh các mô hình AI khi có vấn đề với thông tin được cung cấp cho khách hàng. Trong trường hợp thiết bị của khách hàng vẫn đang chạy mô hình lỗi thời, Apple sẽ tạm thời vô hiệu hóa các tính năng AI cho đến khi dữ liệu được cập nhật để loại bỏ nội dung bị cấm.
Trong khi đó, Baidu sẽ đóng vai trò là đối tác thứ cấp của Apple, xử lý các tính năng khác, theo trang Bloomberg. Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm được gọi là “Google của Trung Quốc”, sẽ xử lý các tính năng như Visual Intelligence, cho phép dòng iPhone 16 quét vật thể và truy xuất thông tin từ web.
Sơn Vân