Lạc quan về bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2025
Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 28 khu vực Châu Á Thái Bình Dương vừa PwC Việt Nam công bố cho thấy, niềm tin của lãnh đạo (CEO) các doanh nghiệp trong khu vực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới là khá lạc quan. Đồng thời, kế hoạch mở rộng đầu tư và cải tiến, phát triển doanh nghiệp cũng được nhiều CEO đề cập với một số quan điểm thận trọng.
1.520 CEO trong khu vực tham gia khảo sát đã ít nhiều phác họa nên sự lạc quan về bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2025. Theo đó, có 55% CEO kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm tới, tăng từ 40% vào năm 2024. 34% rất tự tin và cực kỳ tự tin về tăng trưởng doanh thu ngắn hạn của công ty họ (+ 3% so với năm 2024), tăng lên 54% cho triển vọng ba năm (+ 17% so với năm 2024). Và Chỉ 45% tin rằng công ty của họ sẽ tồn tại dưới một thập kỷ nếu họ tiếp tục theo định hướng kinh doanh hiện tại, đây là một sự cải thiện so với 63% vào năm 2024
Liên quan tới mở rộng hoạt động và chiến lược đầu tư của doanh nghiệp, khá nhiều CEO tỏ ý thận trọng. Báo cáo chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang có sự thận trọng đáng kể trong việc đầu tư ra nước ngoài. Khảo sát cho thấy, 44% CEO không có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong năm tới, trong khi 17% còn lại chỉ dành một phần nhỏ ngân sách cho hoạt động này. Sự thận trọng này trở nên gia tăng các công ty nhỏ hơn (với doanh thu dưới 1 tỷ USD và ít hơn 500 nhân viên), phản ánh mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị. Nhiều công ty có thể lựa chọn tập trung vào củng cố hoạt động kinh doanh nội địa, sản xuất tại địa phương và sau đó xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường nước ngoài.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6/13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các CEO: Ảnh: Hoài Nam
Việt Nam nằm trong lựa chọn được ưu tiên
Tuy nhiên, điều đáng nói, trả lời cho câu hỏi nếu lựa chọn đầu tư ra nước ngoài trong năm nay thì quốc gia/lãnh thổ sẽ được phần vốn đầu tư lớn nhất của công ty trong năm 2025 thì Việt Nam đã đứng ở vị trí thứ 6/13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Theo khảo sát, Hoa Kỳ, Anh và Singapore là những điểm đến đầu tư hàng đầu của các CEO; Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam cũng nằm trong những lựa chọn được ưu tiên.
Kết quả khảo sát của PwC cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang ngày càng đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, hướng tới các thị trường mới nổi ở Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Âu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới và linh hoạt hơn để đối phó với những biến động của thị trường toàn cầu.
Theo ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2025, Việt Nam được dự báo sẽ có những bước tăng tốc đột phá, được thúc đẩy bởi sự phát triển của tầng lớp trung lưu, các chính sách ưu đãi của chính phủ và vị thế là điểm đến hàng đầu cho đầu tư quốc tế tại Đông Nam Á. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, chuyển đổi và tạo ra những giá trị mới nhằm dẫn đầu trong bối cảnh nhiều biến động.
Một kết quả thú vị từ cuộc khảo sát năm nay là 35% CEO trong Khu vực đang có xu hướng mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực và ngành nghề mới như công nghệ, bán lẻ và dịch vụ y tế. PwC cho biết, các công ty dịch vụ tài chính đang mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và dịch vụ kinh doanh; Các công ty công nghệ, truyền thông và viễn thông đang chuyển sang các dịch vụ y tế, dịch vụ kinh doanh, ngân hàng, thị trường vốn và bán lẻ. Và nhóm công ty công nghiệp và dịch vụ đang mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ, năng lượng, kỹ thuật và xây dựng.
Từ thực tế xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu cũng như nhận định, quan điểm đầu tư của kết quả khảo sát, ông Mai Viết Hùng Trân cho rằng, các CEO tại Việt Nam cần tập trung cân bằng chiến lược bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm khám phá hợp tác liên ngành, tích hợp công nghệ và ưu tiên chiến lược bền vững. Từ đó mở ra những cơ hội mới và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp lẫn nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư trong khu vực khi trong tháng 1/2025 đã có hơn 4,33 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm, trong đó vốn đăng ký mới đạt gần 1,29 tỷ USD.
Năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, là giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến ngày 31/12, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thùy Linh