Ảnh minh họa: Reuters
Bất chấp những nỗ lực kích thích tăng trưởng của Chính phủ Trung Quốc thời gian qua, niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp nước vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không khởi sắc mà còn có chiều hướng suy giảm.
Theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board có trụ sở tại Mỹ, thước đo CEO Confidence for China - chỉ số đo niềm tin các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và châu Âu tại Trung Quốc - đã giảm xuống 49 điểm trong nửa cuối năm 2024, từ mức 56 điểm của 6 tháng trước.
Đây cũng là mức điểm thấp nhất kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Zero Covid vào cuối năm 2022. Số điểm trên 50 được xem là tâm lý lạc quan, còn dưới 50 điểm được xem là bi quan.
Sự sụt giảm niềm tin ghi nhận ở cả 3 tiêu chí đánh giá gồm điều kiện kinh doanh hiện tại, điều kiện kinh doanh tương lai và điều kiện của ngành trong tương lai. Tương lai ở đây cụ thể là 6 tháng đầu năm 2025.
Đáng chú ý, các CEO có tâm lý bi quan nặng nề về điều kiện kinh doanh hiện tại, khi điểm số của tiêu chí này giảm xuống còn 43 từ mức 53 điểm của nửa đầu năm. 41% CEO nói rằng điều kiện kinh doanh hiện tại tệ hơn so với 6 tháng trước. Con số này tăng đánh kể so với tỷ lệ 23% của nửa đầu năm.
Khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ 30/9 đến 28/10, thời điểm sau khi Bắc Kinh công bố gói chính sách tiền tệ bao gồm hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và trước khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ với đe dọa tăng thuế quan với hàng Trung Quốc.
Kết quả khảo sát cho thấy tâm lý lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục dai dẳng. Ngày 16/12, số liệu kinh tế mới cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ - một thước đo tiêu dùng nội địa - trong tháng 11 của nước này yếu hơn dự báo.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gần đây nhấn mạnh thúc đẩy tiêu dùng là một ưu tiên hàng đầu trong các chương trình kinh tế của năm 2025. Đây là lần thứ hai trong ít nhất một thập kỷ qua Bắc Kinh có tuyên bố như vậy.
Theo khảo sát, 76% CEO cho biết tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là mối rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp của họ. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả và luôn tìm kiếm các ưu đải giảm giá sâu hoặc thắt chặt chi tiêu.
Hơn 50% CEO được hỏi nói rằng các đối thủ Trung Quốc của họ linh hoạt hơn trong việc ứng phó với những thay đổi của thị trường khi thường xuyên đưa ra sản phẩm tương đương hoặc vượt trội hơn nhưng có giá thấp hơn nhiều.
“Dù trong dài hạn, các CEO tỏ ra lạc quan hơn, nhưng rõ ràng các công ty đa quốc gia đang phải đưa ra quyết định khó khăn để cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại”, ông Alfredo Montufar-Helu, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Conference Board, nhận xét.
Ngọc Trang