Ông Jensen Huang, CEO của Nvidia. Ảnh: Reuters.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc), một nhà báo đã hỏi ông Jensen Huang: “Nếu ông là Jensen 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học năm 2025 nhưng vẫn với tham vọng cũ, ông sẽ tập trung vào điều gì?”.
Huang tiết lộ thực ra ông đã tốt nghiệp đại học ở tuổi 20 và nếu là “Jensen trẻ”, hiện tại, ông sẽ nghiêng về các ngành khoa học vật lý thay vì công nghệ phần mềm.
Khoa học vật lý, trái ngược với khoa học đời sống, là một nhánh rộng tập trung vào nghiên cứu các hệ thống không sống, bao gồm vật lý, hóa học, thiên văn học và khoa học trái đất.
Theo hồ sơ, ông Jensen Huang tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện tại Đại học Bang Oregon (Mỹ) năm 1984 và lấy bằng thạc sĩ từ Đại học Stanford (Mỹ) năm 1992.
Chỉ một năm sau đó, vào tháng 4/1993, ông đã đồng sáng lập Nvidia và biến nó trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới hiện nay.
Nvidia hiện là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, nhờ vào các bộ xử lý đồ họa (GPU) đang dẫn đầu thị trường phục vụ các mô hình AI mạnh nhất hiện nay. Trong năm tài chính 2025, doanh thu của hãng tăng 114%, đạt mức kỷ lục 130,5 tỷ USD.
Dù không giải thích cụ thể lý do chọn khoa học vật lý, ông Huang đã nhiều lần thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào trí tuệ nhân tạo vật lý (Physical AI) - một khái niệm mà ông gọi là "làn sóng tiếp theo" của trí tuệ nhân tạo.
CEO Nvidia đã phân tích quá trình phát triển của AI qua các giai đoạn:
AI nhận thức (Perception AI): Bắt đầu khoảng 12-14 năm trước với AlexNet (mô hình nhận diện hình ảnh). Đây là giai đoạn máy móc học cách nhận biết môi trường xung quanh.
AI sáng tạo (Generative AI): Làn sóng thứ hai, nơi AI không chỉ hiểu ý nghĩa thông tin mà còn có thể chuyển đổi, tạo ra nội dung mới như ngôn ngữ, hình ảnh, mã lập trình.
AI lý luận (Reasoning AI): Giai đoạn hiện tại, nơi AI có khả năng hiểu, tạo ra và giải quyết vấn đề, thậm chí nhận diện những điều kiện chưa từng thấy trước đây. AI lý luận cho phép tạo ra các robot kỹ thuật số, hay còn gọi là AI tác nhân (agentic AI) - những robot thay con người đảm nhận nhiều công việc, có khả năng suy luận. Microsoft và Salesforce là hai trong số nhiều công ty công nghệ đang tập trung vào AI tác nhận.
Ông Huang nhận định làn sóng tiếp theo sẽ là "AI vật lý". CEO Nvidia giải thích rằng để AI vật lý phát triển, chúng ta cần AI hiểu được các quy luật của vật lý như ma sát, quán tính, nguyên nhân và kết quả.
Khả năng lý luận vật lý sẽ giúp AI dự đoán được kết quả (ví dụ, quả bóng sẽ lăn đi đâu), hiểu được lực cần thiết để cầm nắm một vật mà không làm hỏng nó, hoặc suy luận sự hiện diện của người đi bộ phía sau xe hơi.
“Và khi tích hợp AI vật lý này vào một vật thể vật lý - gọi là robot - bạn sẽ có robot học", vị CEO nói.
Đây là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt khi Nvidia và nhiều công ty khác đang xây dựng các nhà máy và xí nghiệp mới. Ông hy vọng trong 10 năm tới, thế hệ nhà máy và xí nghiệp mới sẽ được tự động hóa cao, với sự hỗ trợ của robot để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trên toàn cầu.
Ngọc Bích
Theo CNBC