Cha - con 'chung câu quân hành'…

Cha - con 'chung câu quân hành'…
8 giờ trướcBài gốc
Nhạc sĩ An Thuyên - nhạc sĩ An Hiếu
Là con người tài hoa xứ Nghệ, Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên đến với âm nhạc đúng như sự sắp đặt của số phận. Ông để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ, trong đó nhiều ca khúc được công chúng yêu mến ngọt ngào âm điệu dân ca như "Ca dao em và tôi", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Mẹ Việt Nam anh hùng", "Thơ tình của núi", "Em chọn lối này", "Chín bậc tình yêu", "Huế thương"…
Cha con nhạc sĩ An Thuyên (trái) - nhạc sĩ An Hiếu.
Không chỉ có đóng góp lớn về mặt sáng tác, với vai trò Hiệu trưởng, nhạc sĩ An Thuyên có công đầu trong việc đưa ngôi trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội, khi ấy chỉ có 7 giáo viên và 11 học viên, đang đứng trên bờ vực giải thể trở thành Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, là cái nôi đào tạo nhiều nghệ sĩ tên tuổi danh tiếng. Với tài năng, tâm huyết và đức độ, nhạc sĩ An Thuyên góp phần thổi bùng ngọn lửa yêu nghề cho bao thế hệ học trò. Ông lặn lội đi từng cuộc thi hát, tìm những giọng hát trẻ có triển vọng đặc cách tuyển vào trường, đào tạo họ trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài Quân đội. Với cống hiến lớn cho nền âm nhạc, nhạc sĩ An Thuyên được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007) và là nghệ sĩ đầu tiên được phong Thiếu tướng QĐND Việt Nam.
Có lẽ bởi sinh ra và lớn lên trong một gia đình "đầy ắp lời ca, giai điệu, nhìn đâu cũng thấy vẻ đẹp của nghệ thuật" nên nhạc sĩ An Hiếu, con trai nhạc sĩ An Thuyên học tập và công tác trong môi trường Quân đội như một lẽ tự nhiên. Giờ đây, ngoài vai trò Phó chủ nhiệm Khoa Quản lý văn hóa Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội), Thượng tá An Hiếu được biết tới là người năng động và nhiệt huyết ở nhiều vai trò: nhạc sĩ sáng tác, phối khí, đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất…
"Tôi là người hạnh phúc khi được học tập, công tác trong môi trường Quân đội, trong chính ngôi trường ghi dấu ấn cha mình. Nếu như về chuyên môn, tôi được học tập từ những người thầy giỏi như giáo sư - nhạc sĩ Chu Minh, nhạc sĩ Nguyễn Cường… thì tôi còn có thêm một người thầy nữa là cha mình. Nhiều bài học tôi nhận được đôi khi chỉ qua một buổi nói chuyện của hai cha con về âm nhạc, về một sáng tác mới của ông hay của tôi. Cha luôn căn dặn chúng tôi phải có lòng trắc ẩn, biết cảm thông trước nỗi đau của con người và làm gì cũng phải đến nơi đến chốn, không được hời hợt, bỏ dở giữa chừng" - nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.
Là người ghi dấu ấn sáng tác ở nhiều mảng đề tài khác nhau nhưng hình ảnh người lính Cụ Hồ vẫn luôn mang lại cho nhạc sĩ An Hiếu nhiều cảm xúc: "Tôi có lợi thế hơn các nhạc sĩ khác khi viết về môi trường quân ngũ tôi hiểu, yêu và mang đến cho mình nhiều thứ. Cảm xúc trước cuộc sống rèn luyện, chiến đấu và cống hiến của người lính đã giúp tôi có được chùm ca khúc nhiều màu vẻ. Trong đó, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một góc nhìn riêng, không lặp lại".
Nhạc sĩ Trọng Loan - nhạc sĩ Trọng Lưu
Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan (1923 - 2010) là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn của đội ngũ các nhạc sĩ Quân đội. Cả một đời đi theo cách mạng và sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Trọng Loan đã ghi dấu ấn bằng một gia tài âm nhạc đồ sộ, phong phú trải dài từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và thời kỳ đổi mới, nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi. Chất lính, chất chiến đấu hòa quyện cùng âm hưởng dân gian tạo nên phong cách âm nhạc Trọng Loan rất độc đáo.
Nhạc sĩ Trọng Lưu (thời trẻ) và cha, nhạc sĩ Trọng Loan.
Nhắc tới sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan phải kể tới những ''bài ca đi cùng năm tháng'' như "Lời ca dâng Bác", "Người Châu Yên em bắn máy bay", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Nếu em tới thăm đảo"… Đặc biệt là chùm ca khúc "độc nhất vô nhị" trong lịch sử QĐND Việt Nam là "Bài ca viễn chinh". Nhạc sĩ Trọng Loan được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2001)…
Đại tá, PGS.TS, bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Lưu (nguyên Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã tiếp bước con đường binh nghiệp của cha mình thật tự nhiên: "Ngay từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm cha mình trong bộ quân phục. Lúc đó, trông ông vừa giản dị, lại vừa có gì đó rất nghiêm trang. Hàng xóm của gia đình tôi tại Khu tập thể 3B Ông Ích Khiêm ngày ấy cũng đều là các văn nghệ sĩ quân đội như nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn… Tôi đã sớm mang trong mình mơ ước được khoác bộ quân phục màu xanh với ngôi sao vàng trên mũ để được hòa nhịp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Và tôi đã chọn theo con đường để trở thành một bác sĩ Quân y…".
Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc (ngoài cha, ông còn có chú ruột là GS.NSND Trọng Bằng) nên dù là bác sĩ, tình yêu âm nhạc vẫn luôn chảy trong huyết quản “Bất kể thì nào có thời gian, có cảm xúc là tôi lại nghĩ đến âm nhạc. Khi tôi vào quân ngũ và bắt đầu sáng tác, cha tôi rất vui. Ông thường xuyên uốn nắn, chỉ bảo cho tôi về kỹ thuật và cách để viết được một tác phẩm tốt”. Nhạc sĩ Trọng Lưu viết khá thành công về quê hương, mẹ và người lính. Nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi như "Lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông", "Mẹ gọi tên anh", "Qua đò nhớ mẹ", "Cây ngàn hát khúc ru anh"...
Năm 2015, các sáng tác của 3 nhạc sĩ, bác sĩ Quân đội là Đại tá Trọng Lưu, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (Bệnh viện Quân y 175) và Thiếu tướng Hoàng Mạnh An (Bệnh viện Quân y 103) cùng xuất hiện trong đêm nhạc "Tình ca người chiến sĩ áo trắng". Nhạc sĩ Trọng Lưu tâm sự: "Cha tôi là một người cha mẫu mực, nghiêm khắc và sống có lý tưởng. Ông luôn căn dặn chúng tôi: Điều căn bản là phải trở thành một người có ích và cống hiến tốt cho xã hội".
Nhạc sĩ Ngọc Khuê - nhạc sĩ Mai Kiên
Nhắc tới nhạc sĩ Ngọc Khuê, khán giả yêu nhạc nhớ ngay tới tuyệt phẩm "Mùa xuân làng lúa làng hoa", từng được bình chọn là một trong số ca khúc hay nhất về Hà Nội. Đây cũng là ca khúc nằm trong chùm tác phẩm mang về cho ông giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Cha con nhạc sĩ Ngọc Khuê - nhạc sĩ Mai Kiên.
Sinh ra tại Hoài Đức (Hà Tây cũ), 18 tuổi Ngọc Khuê bắt đầu cuộc đời quân ngũ, là lính cao xạ pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ca khúc đầu tiên "Tiếng hát bên dòng sông Mã" ra đời trên chính trận địa khốc liệt ấy và được thu, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1968 đã là sự mở đầu lạc quan để người lính chiến đấu "bén duyên" cùng âm nhạc. Năm 1974, Ngọc Khuê chuyển về Đoàn văn công Phòng không - Không quân (PK - KQ) cùng tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật. Trước khi về hưu, ông là Thượng tá, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân chủng PK - PQ, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng và đạt giải cao trong các kỳ liên hoan cũng như chỉ đạo phong trào VHNT trong quân chủng.
Với ngọn lửa nhiệt tình và trái tim ấm nóng của người lính, nhạc sĩ Ngọc Khuê miệt mài sáng tác làm nên gia tài âm nhạc với hơn 300 ca khúc. Ngoài "Mùa xuân làng lúa làng hoa", nhiều ca khúc của ông được khán giả yêu mến như "Hạt nắng hạt mưa", "Biên cương âm vang lời Bác", "Gặp gỡ đồng đội"… Trong các sáng tác của mình, ông luôn dành tình cảm trân trọng, thân thương tặng đồng đội. Những tác phẩm đầy ắp chất trữ tình, dạt dào cảm xúc và khoáng đạt như tâm hồn "nhạc sĩ của bầu trời". Giờ đây, ở tuổi 77, người nhạc sĩ ấy vẫn nhanh nhẹn, dí dỏm, tràn đầy cảm xúc sáng tác, đặc biệt rất "có duyên" với các giải thưởng.
Năm 2015, cùng với các sáng tác của nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc sĩ Minh Quang, các tác phẩm của nhạc sĩ Ngọc Khuê được vang lên trong chương trình "Tình yêu Hà Nội" với chủ đề "Hà Nội trong trái tim người chiến sĩ" do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức. Năm 2020, ông tổ chức đêm nhạc cá nhân với tên gọi "Tình yêu tự hát", trong đó, ngoài các ca khúc là sự ra mắt của cuốn sách "Ngọc Khuê: Tác giả & Tác phẩm".
Nhưng có lẽ đêm nhạc khiến ông ngập tràn hạnh phúc hơn cả là "Tiếng hát Làng Dừa" bao gồm những tác phẩm chọn lọc của 2 cha con nhạc sĩ Ngọc Khuê và nhạc sĩ Mai Kiên, tổ chức tại quê hương Hoài Đức. Chương trình không chỉ là tình cảm tri ân nơi chôn nhau cắt rốn mà còn minh chứng cho sự trưởng thành của người con cả khi theo con đường nghệ thuật như cha mình.
Thừa hưởng gien nghệ thuật của cha, nhạc sĩ Mai Kiên vào học tại Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội khi mới 12 tuổi và gắn bó tại trường làm công tác quản lý, giảng dạy tới nay. Mới đây, một niềm vui của gia đình nhạc sĩ Ngọc Khuê khi Đại tá, nhạc sĩ Mai Kiên vừa được bổ nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng. Dù bận rộn với công tác quản lý nhưng nhạc sĩ Mai Kiên vẫn luôn dành thời gian cho âm nhạc như sáng tác, hòa âm... Giống như cha, những ca khúc của nhạc sĩ Mai Kiên thắm đượm tình yêu lớn dành cho người lính như "Non sông người chiến sĩ", "Việt Nam ngàn năm gấm hoa"…
Thảo Duyên
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/cha-con-chung-cau-quan-hanh-i752771/