Cha, con và nghề báo

Cha, con và nghề báo
7 giờ trướcBài gốc
1. Cha, dù chưa từng một ngày cầm bút viết báo nhưng đã dạy tôi - một phóng viên đang từng bước vào nghề cách làm người, làm nghề bằng cả trái tim và sự chân thành. Những bài học quý báu và vô giá ấy, bây giờ và mãi mãi, sẽ luôn là “kim chỉ nam” cho cuộc đời, cho sự nghiệp và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn tôi trong những ngày tháng chênh vênh giữa đời, giữa nghề “phu chữ”.
Cha tôi nay đã 68 tuổi, trên mặt đầy những nếp nhăn của thời gian.(Ảnh minh họa - Nguồn: ST)
Cha tôi, nay đã tròn 68 tuổi, là một người lao động bình thường, gắn bó cả đời với ruộng đồng, bao năm bán những giọt mồ hôi cho từng mảnh ruộng, thanh xuân cũng gửi gắm cho đất mẹ quê hương. Đôi tay ông chai sần, gương mặt ông đầy vết nhăn khắc khổ như dấu tích của thời gian để lại. Thế nhưng, ánh mắt cha luôn ngời sáng sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống.
Cha, xưa vì gia đình nghèo, để phụ ông bà nội tôi nuôi các em ăn học mà đành gác lại sách vở, đành dở dang cuộc đời sinh viên năm 4 tại Đại học Bách khoa trở thành "con buôn" tại khu cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ông, chưa một lần viết báo, chưa một ngày làm nghề báo, cũng không biết được khái niệm vẹn toàn của nghề nhưng cha, với trái tim đầy vết xước của đời với sự nhân văn của mình hòa quyện với một tâm hồn nhạy cảm, một cách nhìn sâu sắc về con người và cuộc đời, đã dạy tôi thật nhiều để làm người, làm nghề.
Tôi còn nhớ những buổi tối ngồi bên hiên nhà với cha, được ông kể, nghe về những câu chuyện đời thường, có thể là một ông lão bán hàng rong cả ngày chẳng đắt khách nhưng vẫn luôn tươi cười, về những người lính thời chiến tranh dù mới cưới vợ được một ngày đã ra chiến trường vì Tổ quốc, về người chị gái nuôi em ăn học vì không may bố mẹ mất sớm hay về chính mẹ tôi, người phụ nữ luôn tần tảo thức khuya dậy sớm để phụ chồng công việc, chăm lo, nuôi nấng 4 chị em chúng tôi ăn học thành người… Những câu chuyện của cha, dù về ai, cũng luôn là những người tử tế giữa cuộc đời khắc nghiệt này.
Bao năm bon chen giữa Thủ đô đắt đỏ, một ngày tôi nhận ra: Những câu chuyện ấy, chính là những bài học đầu tiên về cách lắng nghe, quan sát và thấu hiểu - đó là cách làm người, sau là làm báo.
Cha nói: “Làm gì cũng phải có cái tâm. Không có tâm, làm tốt đến đâu cũng chỉ là cái vỏ rỗng”. Câu nói ấy, giản dị nhưng sâu sắc, đã khắc sâu vào tâm trí tôi, trở thành “kim chỉ nam” khi tôi bước vào nghề báo.
Cha tôi cũng từng nói, muốn hiểu người khác, trước tiên phải biết đặt mình vào vị trí của họ. “Mỗi mảnh đời đều có một câu chuyện riêng, con đừng bao giờ vội vàng mà phán xét họ khi chưa thấu hiểu…”. Lời dạy ấy, những năm qua, đã theo tôi trong từng con chữ, từng bài viết, từng buổi phỏng vấn khi vào nghề. Cũng nhờ lời dạy đó, tôi học được cách lắng nghe không chỉ bằng tai, mà còn bằng trái tim, để cảm nhận được những nỗi đau, niềm vui và mong muốn của từng người, từng hoàn cảnh mà tôi gặp hay tiếp xúc. Để rồi, giờ đây tôi mới hiểu: Nghề báo không chỉ đòi hỏi tài năng, giỏi chuyên môn mà còn cần cả đạo đức và tính nhân văn.
Có lần, khi tôi đang hoàn thành bài viết về đề tài Nhà nước thu hồi đất và tái định cư cho người dân ở một địa phương, sau khi đọc bản dự thảo, cha chia sẻ: “Con đừng chỉ viết về trình tự, thủ tục thu hồi đất và quyền lợi của người dân, mà hãy viết cả về ước mơ, nguyện vọng chính đáng và cách để “hiện thực hóa” ước mơ của họ, đó nên là đích đến, là giá trị cốt lõi của bài viết cũng như của nghề báo con à”.
Bài học đó như tia nắng chiếu sáng trái tim làm nghề của tôi, để rồi tôi nhận ra rằng: Nghề báo không chỉ là kể lại những gì nhìn thấy, viết lại những thứ mình biết được mà còn có sứ mệnh tìm ra ánh sáng trong bóng tối, là mang hy vọng, giải pháp cho mọi người.
Cha, chưa từng làm báo nhưng lại có tư duy nhạy bén về cách truyền đạt và kể chuyện. Theo ông, một câu chuyện hay không cần hoa mỹ, cũng không cần dài dòng, nhưng nhất định phải chạm được vào trái tim mỗi đọc giả. Đây cũng là lí do mà, mỗi khi ngồi trước máy tính để hoàn thành bài viết, tôi luôn tự hỏi: Mình viết cho ai, muốn gửi gắm nội dung, thông điệp gì đến cho người đọc.
2. Điều khiến tôi xúc động nhất khi nghĩ về cha không chỉ là những bài học, mà còn là tình yêu thương vô điều kiện mà ông dành cho tôi. Cha chưa bao giờ ép tôi phải trở thành ai, phải làm gì, nhưng luôn ủng hộ tôi theo cách của riêng mình. Khi tôi quyết định theo đuổi nghề báo - một nghề ông không am hiểu lắm nhưng ông biết sẽ không dễ dàng và đầy thử thách. Cha chỉ nói, con chọn con đường nào, cha cũng tin con sẽ làm tốt, miễn là mỗi khi tự nhìn vào tận đáy lòng mình, không thấy hổ thẹn, không thấy áy náy vì những gì mình đã làm.
Đó là lý do mà trong nhiều năm làm nghề báo, những bài viết của tôi không đơn giản chỉ là những con chữ, mà còn là cách để tôi lan tỏa sự tử tế, tính nhân văn, yêu thương mọi người như cái cách cha đã sống cả đời và dạy bảo các con.
Có lần, tôi viết một bài về sự hi sinh thầm lặng cho gia đình, cho chồng con của mẹ tôi. Khi bài viết được đăng tải và đưa cho cha đọc, ông không nói gì, mỉm cười chỉ nói “bài viết này hay” rồi lặng lẽ châm điếu thuốc, uống hớp nước chè. Khi ấy, tôi thấy mắt ông hơi đỏ nhưng tôi biết, cha vui.
Nghề báo là một hành trình dài, đầy thử thách và cũng đầy cảm xúc. Nó không chỉ là viết lách, mà nghề báo còn có sứ mệnh mang đến sự thật, truyền cảm hứng và kết nối con người. Và trong hành trình ấy, cha luôn là ngọn đèn soi sáng, là điểm tựa để tôi bước tiếp. Có những ngày tôi mệt mỏi, hoang mang, tự hỏi mình có thực sự phù hợp với con đường này hay không. Mỗi lần như vậy, tôi lại về quê, về ngôi nhà có cha, để được trò chuyện với cha, được nghe cha nói, nghe cha kể chuyện, những câu chuyện tưởng chừng như hài hước, ngẫu nhiên nhưng đâu đó, thật sâu sắc, nhân văn. Để rồi, những hoài nghi, những mệt mỏi hay thử thách chẳng còn khó khăn với tôi.
Giờ đây, với tất cả lòng biết ơn và tình yêu thương, tôi chỉ muốn cảm ơn cha, người thầy vĩ đại của cuộc đời và nghề “phu chữ” của bản thân mình. Bây giờ và sau này, mỗi bài viết, mỗi tác phẩm báo chí của mình sẽ là một lời tri ân đến cha - người thầy của đứa con trai út mà ông sinh thành. Cảm ơn cha nhiều lắm lắm…
Gia Hải
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/cha-con-va-nghe-bao-post548685.html