Cha mẹ cần biết biến chứng của bệnh sởi để đưa con tới viện

Cha mẹ cần biết biến chứng của bệnh sởi để đưa con tới viện
3 ngày trướcBài gốc
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám, sàng lọc cho khoảng 70-90 ca mắc sởi, ngày cao điểm lên tới hơn 100 bệnh nhân. Trong 3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện tiếp nhận 1.894 ca mắc sởi (tăng hơn gấp 2 lần so với cả năm 2024). Có đến 60% ca mắc sởi vào bệnh viện chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tháng tuổi được khuyến cáo tiêm chủng.
Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú, phòng cách ly tiêu chuẩn còn hạn chế, những bệnh nhân nội trú thường nặng và có nhiều bệnh lý nền, thời gian nằm viện kéo dài, nguy cơ mắc sởi cao...
Trước tình trạng bệnh nhân sởi đến khám và nhập viện tăng nhanh, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức phân luồng ca nghi sởi từ khu vực khám bệnh, dành riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để thu dung điều trị bệnh nhân sởi.
Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc sởi.
Là nơi đầu ngành về điều trị bệnh truyền nhiễm, các bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã dựa trên thực tế bệnh học của từng bệnh nhi để có chẩn đoán ca bệnh sớm hơn trong điều kiện thực tế của dịch sởi, không chờ đợi phát ban mới xác định sởi và cách ly, điều trị sớm.
Để phòng, tránh lây nhiễm, Trung tâm bệnh Nhiệt đới đã tổ chức phân luồng, có phòng khám cho bệnh nhân sởi riêng để sớm xác định và đưa vào điều trị các bệnh nhân nặng. Ngoài số trẻ diễn biến nặng phải nhập viện, số lượng lớn các trẻ mắc sởi được chỉ định điều trị ngoại trú, để giảm tải bệnh viện.
TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với trường hợp mắc sởi nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà, gia đình cần được bác sĩ tư vấn kỹ cách chăm sóc về hạ sốt, chăm sóc mắt-mũi-miệng, dinh dưỡng… Bệnh nhân mắc sởi cần phải vệ sinh cá nhân bằng tắm hàng ngày với nước ấm, tránh gió lùa để chống nhiễm khuẩn.
Khi điều trị ngoại trú ở nhà, để trẻ tránh bị biến chứng nặng, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Các cháu ở nhà thường được chăm sóc tốt hơn về dinh dưỡng, vệ sinh, tránh bị lây chéo các bệnh mà bệnh nhân sởi khác đồng nhiễm. Nhưng các phụ huynh cần chú ý, với những cháu dưới 1 - 2 tuổi, nhất là có bệnh nền, luôn có nguy cơ diễn biến nặng. Các biến chứng dễ nhận là sốt cao liên tục, bỏ ăn, mệt mỏi, li bì, khó thở, cần lập tức đưa con đến bệnh viện.
Ngoài biến chứng về mắt, viêm phổi, trẻ mắc sởi có thể gặp những biến chứng khác như viêm não, viêm tim, tiêu chảy, tiêu hóa.
TS Hải cũng cho biết thông tin khá quan trọng, đó là, khi trẻ bị phơi nhiễm sởi trong vòng 3 ngày vẫn cho tiêm vaccine vì vẫn hiệu quả.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, từ cuối năm 2024, Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tiêm vaccine sởi từ khi 6 tháng tuổi và sau đó tiêm 2 mũi sau như khuyến cáo cho trẻ trong vùng dịch.
Vì vậy, phụ huynh cần cho con tiêm vaccine sởi đúng lịch để trẻ có miễn dịch chủ động. Trong thời tiết này, trẻ em cũng cần lưu ý trước nhiều bệnh truyền nhiễm khác như cúm, virus hợp bào hô hấp, sốt xuất huyết.
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/y-te/cha-me-can-biet-bien-chung-cua-benh-soi-de-dua-con-toi-vien-i763396/