Cha, mẹ cần tôn trọng việc chọn ngành, chọn trường của con

Cha, mẹ cần tôn trọng việc chọn ngành, chọn trường của con
một ngày trướcBài gốc
Đi qua nhà chị Lan hàng xóm, thấy hai mẹ con đang tranh luận to tiếng, tới độ căng thẳng, tôi vào hỏi han xem sao? Lúc này chị Lan mới tạm ngừng “đấu khẩu” với con, bảo:
- Có gì to tát đâu hả bác! Sắp tới đây thằng Tuấn nhà em nó thi tốt nghiệp cấp 3 và cũng là xét tuyển vào đại học. Em và nhà em thì hướng cháu nó vào học ngành Y, bởi nghề này dễ kiếm việc, lương bổng lại cao, hơn nữa ông anh ruột của chồng em làm giám đốc một bệnh viện lớn nên nó học xong ra trường cũng gần như chắc chắn có chân trong bệnh viện ấy! Thế nhưng, nó có nghe vợ chồng em đâu, cứ khăng khăng đòi học ngành xây dựng, vất vả, thu nhập lại bấp bênh.
Hướng con đến chỗ sung sướng nhưng nó đâu có biết mà cứ cãi như chém chả, lại còn phát khùng lên nữa mới bực...
Nghe chị Lan giãi bày, sau vài phút suy nghĩ, tôi góp ý:
- Tưởng chuyện gì, chứ chuyện này thì theo tôi, vợ chồng em nên tôn trọng quyết định chọn nghề, chọn trường học của con. Bởi con chọn nghề cho mình nên nay mai sướng khổ, thất nghiệp hay không…, phải tự chịu trách nhiệm, chứ vợ chồng em áp đặt bắt con phải đi theo nghề mình định hướng, nhỡ không may khi ra đời không thuận lợi suôn sẻ, lúc đó nó oán trách cha mẹ đấy...
Hình minh họa được tạo bởi AI.
Ngồi im nghe tôi và mẹ chuyện trò, lúc này cu Tuấn mới lên tiếng:
- Đấy bác thấy mẹ cháu có vô lý không chứ, sức học của cháu chỉ bình thường, lao vào nghề y - điểm cao chót vót, làm sao vào được. Với lại, cháu chỉ thích và đam mê với các công việc xây dựng kiến trúc, nên kiểu gì cháu cũng nộp đơn xét tuyển vào mấy ngành đó...
- Ừ, con suy nghĩ thế cũng đúng, nhưng bố mẹ cũng chỉ vì muốn con ra trường có việc làm ổn định, thu nhập cao..., nên có ý hướng con vào ngành Y. Nếu con không thích và thực sự không đủ sức để vào ngành đó thì con cũng nói nhỏ nhẹ, thưa gửi từ tốn, giải thích để bố mẹ hiểu dần, chứ làm gì mà hai mẹ con cứ phải to tiếng như cãi nhau ra thế, thiên hạ người ta cười cho. Tôi khuyên nhủ cu Tuấn!
Sau khi nghe tôi góp ý, phân tích đúng-sai, hơn-thiệt, chị Lan bảo:
- Thôi em nghe bác, kệ nó, nó muốn chọn ngành nào, nộp hồ sơ xét tuyển vào trường nào kệ nó, nay mai có khổ đừng trách bố mẹ...
Từ tranh luận chọn ngành nghề, chọn trường trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2025 của hai mẹ con chị Lan, tôi thấy thực tế thì không riêng gì mẹ con chị Lan, mà có rất nhiều bậc phụ huynh ở nhiều các gia đình khác cũng đều mắc sai lầm, khi áp đặt bắt con phải theo học ngành mà bố mẹ chọn và định hướng.
Nếu bố mẹ chọn đúng ngành học và công việc đầy tương lai sán lạn ở phía trước thì không sao, nhưng điều đó mà ngược lại thì khó lòng tránh khỏi những oán trách cả đời của con cái. Vì thế trong việc trọng đại này, bố mẹ chỉ nên đóng vai những “người bạn” đồng hành để giúp con định hướng trường, ngành nghề hợp lý, còn quyết định và lựa chọn thì nên để con trẻ toàn quyền có lẽ tốt hơn...
Từ góc nhìn Phật giáo, mỗi người đều mang theo nghiệp riêng và con đường học hành, sự nghiệp cũng là một phần trong hành trình phát triển nhân duyên và trí tuệ của mỗi người. Đức Phật dạy rằng: “Mỗi người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, sinh ra từ nghiệp, sống nhờ nghiệp và sẽ đi theo nghiệp” (Kinh Tăng Chi Bộ).
Vì vậy, cha mẹ dù có tình thương và kinh nghiệm, cũng không thể sống thay con hay gánh thay hậu quả của những lựa chọn ấy. Khi ta áp đặt con cái theo ý mình, vô tình ta khiến con xa rời khả năng nhận biết bản thân và phát triển sở trường thật sự. Một trong tám con đường của Bát Chính Đạo - Chính mạng -chính là lựa chọn nghề nghiệp chân chính, phù hợp, nuôi sống thân và phát triển tâm bằng phương tiện thiện lành. Nếu một người chọn nghề vì đam mê, vì muốn tạo dựng giá trị, thì dẫu có gian nan, đó vẫn là con đường đáng quý.
Cha mẹ có thể trở thành người bạn đồng hành hiểu và thương, như tinh thần từ bi mà đức Phật từng chỉ dạy, chứ không nên trở thành người quyết định thay cả cuộc đời con cái. Hãy gieo cho con hạt giống của niềm tin, của tự lập, để một ngày nào đó khi gió lớn thổi về, cây có thể vững gốc mà đứng giữa đời…
Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường CĐSP Trung ương
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cha-me-can-ton-trong-viec-chon-nganh-chon-truong-cua-con.html