Cha mẹ nên đồng hành thay vì trách móc khi con điểm thấp

Cha mẹ nên đồng hành thay vì trách móc khi con điểm thấp
9 giờ trướcBài gốc
Các thí sinh đã hoàn tất Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Đình Tuệ.
Thạc sĩ Tâm lý học Phạm Thị Phương - Trưởng Bộ môn Tâm lý học và kỹ năng mềm, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội có một số chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về cách ứng xử, động viên tâm lý cho thí sinh sau khi biết kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tránh "sốc" tâm lý cho thí sinh
PV: Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh rơi vào trạng thái thất vọng, mất phương hướng, thậm chí khủng hoảng. Cô nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
Đây là một thời điểm rất dễ chạm vào những tổn thương bên trong của học sinh. Với nhiều em, kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là bài kiểm tra học lực – mà là cuộc va chạm đầu đời giữa nỗ lực cá nhân và kỳ vọng từ bên ngoài.
Không ít em đến với tôi sau khi biết điểm thi với những biểu hiện lo âu, bối rối, tự trách bản thân, thậm chí mất ngủ, từ chối ăn uống, né tránh tương lai. Khi tôi hỏi: “Điều gì làm em buồn nhất?”, nhiều em không nói về điểm số – mà về cảm giác “em không đủ giỏi để làm bố mẹ vui lòng”, hoặc “em thấy mình thua kém bạn bè”.
Vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta vẫn đặt quá nhiều kỳ vọng vào một kỳ thi, một kết quả, một lần cố gắng, mà quên rằng con người là một hành trình phát triển, chứ không phải một lần “chấm điểm”.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Phương. Ảnh: NVCC.
PV: Những dấu hiệu nào cho thấy một học sinh đang thực sự cần được hỗ trợ tâm lý sau kỳ thi?
Có một số nhóm dấu hiệu phụ huynh và giáo viên cần đặc biệt chú ý: Đó là khi học sinh trở nên lặng lẽ, rút lui khỏi các hoạt động thường ngày, tránh nhắc đến kỳ thi hoặc tương lai.
Thí sinh có thể hay khóc, dễ nổi cáu, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn. Lời nói tiêu cực về bản thân: “Con thấy mình vô dụng”, “Con làm gì cũng sai”, “Ước gì con biến mất”. Từ chối lên kế hoạch tương lai: không muốn chọn trường, không trả lời khi được hỏi về nguyện vọng, hoặc tuyên bố từ bỏ việc học.
Nếu những biểu hiện này kéo dài hơn 2–3 ngày, gia đình tìm cách kết nối cảm xúc, lắng nghe và nếu cần, hãy chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý học đường để hỗ trợ kịp thời. Những lời phán xét, thúc ép, so sánh, than phiền… đều gây tổn thương nặng nề và làm các em thực sự mất niềm tin vào chính mình.
PV: Với học sinh, nếu điểm thi không như mong đợi, các em nên làm gì để vượt qua và định hướng lại con đường đi tiếp như thế nào?
Điều đầu tiên tôi luôn nói với học sinh là: Em có quyền buồn – nhưng em cũng có quyền đứng dậy và bước tiếp. Buồn vì không đạt kỳ vọng là cảm xúc rất bình thường. Nhưng một kỳ thi không thể định nghĩa toàn bộ giá trị của em, cũng không chặn hết những con đường phía trước.
Sau khi đã bình tĩnh lại, tôi thường khuyến khích các em nhìn vào 3 điều để định hướng lại: Em thật sự muốn gì? – Ngành học em đang định chọn là điều em yêu thích, hay là điều người khác kỳ vọng ở em?
Thế mạnh của em là gì? – Em giỏi gì, hứng thú với điều gì? Em thích làm việc với con người, dữ liệu, máy móc hay nghệ thuật? Với điều kiện hiện tại (điểm số, tài chính, hoàn cảnh...), lựa chọn nào là phù hợp nhất và em có thể theo được?
Học sinh vui vẻ rời khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THPT C Hải Hậu, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đình Tuệ.
PV: Trên cơ sở đó theo cô, thí sinh cần làm gì để có những sự lựa chọn khôn ngoan tiếp theo?
Các em có thể xét tuyển bổ sung: Nhiều trường đại học vẫn còn chỉ tiêu sau đợt đầu tiên. Học sinh vẫn có thể điều chỉnh nguyện vọng để xét tuyển vào những trường phù hợp hơn với điểm thi của mình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thứ hai, có thể xét tuyển theo phương thức khác: Nếu điểm thi không cao, các em vẫn có thể xét tuyển bằng học bạ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT hiện đã được rất nhiều trường đại học công nhận.
Thứ ba, học nghề rồi liên thông lên đại học cũng là một giải pháp. Nếu các em thiên về thực hành hoặc muốn đi làm sớm thì hoàn toàn có thể chọn học nghề. Sau đó, nếu muốn, các em vẫn có thể học tiếp lên cao đẳng, đại học – theo đúng lộ trình được công nhận.
Thứ tư, dành một năm “tạm nghỉ có mục tiêu”. Nếu chưa sẵn sàng đi học ngay, các em có thể dành một năm để học kỹ năng, làm việc, ôn thi lại hoặc tìm hiểu rõ hơn về ngành nghề phù hợp. Đây không phải là trễ nhịp – mà là tạm dừng để chọn hướng đi tốt hơn.
Quan trọng không phải là bắt đầu từ đâu, mà là em có hiểu mình, tin mình và dám đi tiếp trên con đường đã chọn. Nếu em hiểu mình và kiên trì thì thành công vẫn đang đợi ở phía trước.
Cha mẹ hãy kiểm soát cảm xúc của mình
Nam sinh Đào Quang Hướng tại điểm thi Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Ninh Bình) chia sẻ niềm vui với mẹ sau giờ thi Ngữ văn sáng 26/6. Ảnh: Đình Tuệ.
PV: Các bậc phụ huynh nên làm gì để đồng hành với con trong thời điểm này?
Sau kỳ thi, điều quan trọng nhất phụ huynh có thể làm không phải là định hướng thay con, mà là tạo cho con cảm giác an toàn – được thấu hiểu, tin tưởng và không bị đơn độc trong những ngày nhiều cảm xúc này. Tôi mong phụ huynh kiểm soát những phản ứng bộc phát, dù có xuất phát từ lo lắng chính đáng.
Hạn chế tối đa những câu nói dễ gây tổn thương như: “Bố mẹ đã hy sinh nhiều như vậy, mà con lại…” “Giờ thì con định làm gì với điểm số này?” “Bạn A thi được kia kìa, con nhìn lại mình đi!”… Những lời ấy, dù chỉ là thoáng qua, rất dễ gieo vào con cảm giác tội lỗi và kém giá trị – trong khi các em đang rất cần hồi phục tâm lý sau giai đoạn thi cử căng thẳng.
Thay vào đó, phụ huynh nên lắng nghe và đồng hành bằng những lời mở lòng và chia sẻ: “Con thấy thế nào khi biết điểm thi hôm nay?”, “Dù điểm ra sao, bố mẹ biết con đã rất nỗ lực”, “Mình cùng nhau tính tiếp các lựa chọn phù hợp nhé – đừng lo, mọi việc rồi sẽ có cách".
Khi phụ huynh giữ được sự bình tĩnh, mềm mỏng và tin tưởng vào nội lực của con, các em sẽ dễ mở lòng hơn, giảm lo âu, và chủ động hơn trong việc chọn con đường tiếp theo. Bởi vì sau cùng, điều một đứa trẻ cần nhất không phải là một lộ trình vạch sẵn, mà là một người đủ bình tĩnh – đủ yêu thương – đủ kiên nhẫn để đi cùng con, dù con chọn lối rẽ nào.
PV: Thông điệp cô muốn gửi đến học sinh và phụ huynh sau kỳ thi này là gì?
Với học sinh, tôi muốn nhắn nhủ: Một kỳ thi không quyết định con là ai. Nhưng cách con đứng dậy sau kỳ thi ấy có thể quyết định con sẽ trở thành người như thế nào. Điểm số chỉ là một phần của hành trình, đừng để nó thu hẹp tầm nhìn về tương lai.
Với phụ huynh, xin hãy nhớ rằng: Đôi khi, thành công lớn nhất của cha mẹ không phải là nuôi con học giỏi, mà là nuôi con có bản lĩnh sống, biết tự chọn đường đi, và không sợ thất bại. Hãy là người bạn đồng hành tin tưởng con – không phải người cầm lái hộ con cả cuộc đời.
PV: Xin cảm ơn về cuộc trao đổi!
Đình Tuệ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/cha-me-nen-dong-hanh-thay-vi-trach-moc-khi-con-diem-thap-post740011.html