Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho bệnh nhi mắc sởi. (Ảnh: HẢI NGÔ)
Phần lớn trẻ mắc sởi nằm viện chưa tiêm vaccine
Ba tuần trước, bệnh nhi T.M.Q (5 tháng tuổi, Thanh Hóa) được xếp lịch để chuẩn bị phẫu thuật tim bẩm sinh tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong thời gian này, bé có biểu hiện sốt, phát ban, kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi. Ngày 20/3, bé được chuyển xuống Trung tâm Nhiệt đới và nằm cách ly tại khoa điều trị tích cực.
Chị N.T.V. (Hà Tĩnh) buồn rầu chia sẻ, mấy lần ở trạm y tế xã nhắn tin mời gia đình đưa trẻ đi tiêm phòng sởi, nhưng chị tin mấy người trên mạng xúi không nên tiêm và không đưa con đi. Nào ngờ, cháu mắc sởi và chuyển nặng chỉ trong vài ngày, gia đình vội đưa cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Thời điểm này, con chị đã qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe cháu rất yếu, gầy gò.
Bé trai 9 tháng sốt li bì do mắc sởi, chưa được tiêm vaccine.
Chị H.M.T. (Thái Nguyên) cũng lần lữa khi xã mời cho trẻ đi tiêm phòng sởi, vì nghĩ con mắc thì tắm lá cây là khỏi. Nhưng khỏi đâu không thấy, tình trạng cháu nặng lên rất nhanh. "Chậm đến Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ vài tiếng chắc đã khó qua", chị T. nói.
Nằm giường bên cạnh, bé trai N.T.T (9 tháng tuổi, quê Hà Tĩnh) nằm sốt li bì trong vòng tay mẹ. Bé được cởi trần, chỉ mặc bỉm, người nổi ban toàn thân. Mẹ bệnh nhi cho biết, ban đầu khi con sốt, nổi ban nhưng chưa nghĩ tới sởi. Tình trạng sốt không thuyên giảm, ban nhiều hơn, gia đình cho con đi khám tại bệnh viện tỉnh được kết luận mắc sởi. Do có tiền sử dị ứng kháng sinh, bé được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. “Con em nằm đây ngày thứ 3 rồi, bé vẫn sốt cao”, mẹ bệnh nhi cho hay.
Nhiều trẻ mắc sởi do chưa tiêm vaccine.
Khám cho bệnh nhi vào ngày thứ 3 nằm viện, khi được Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương hỏi có biết con cần đi tiêm phòng sớm từ 6 tháng tuổi không, mẹ bệnh nhi cho hay, trước nay chỉ biết thông tin là cần cho con tiêm vaccine sởi từ khi 9 tháng tuổi. "Mặc dù tôi đi tiêm chủng ở đơn vị tư nhân, nhưng cũng không được tư vấn phải tiêm sớm cho con từ 6 tháng", mẹ bệnh nhi nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, sau Tết, số bệnh nhi sởi nhập viện gia tăng. Nếu như năm 2024, bệnh viện tiếp nhận khoảng 800 ca mắc sởi thì trong 3 tháng đầu năm, con số này đã lên tới 1.500 trường hợp.
Ghi nhận tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện đang có 97 bé mắc sởi nằm điều trị nội trú, trong đó, 5 cháu phải thở máy, 30 cháu phải thở oxy, còn lại cũng đều có biến chứng.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải khám cho bệnh nhi mắc sởi.
Nhiều biến chứng nguy hiểm, đừng chủ quan khi nghĩ sởi là bệnh nhẹ
Là bệnh viện tuyến cuối nên các bệnh nhân nhập viện đều là các bé đã bị biến chứng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng nặng như viêm tai mũi họng, tăng đáp ứng viêm quá mức gây suy giảm chức năng các cơ quan như tim mạch, rối loạn đông máu, suy hô hấp.
Đáng lưu ý khi các bé mắc sởi nặng đợt này ở hầu hết dưới 3 tuổi và chưa tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đầy đủ. Chính điều này làm các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương rất trăn trở và đã lên tiếng cảnh báo từ trước Tết, nhưng tình hình vẫn diễn ra và nhiều trẻ vẫn phải nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương khám, điều trị cho khoảng 1.500 trường hợp mắc sởi.
Ông cảnh báo, dịch sởi năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ, nhưng dường như các phụ huynh đã quên mất nỗi đau ấy, nên vẫn có nhiều bé không được tiêm phòng và đó là nguyên nhân để dịch bùng phát.
"Mỗi năm, có khoảng 1 triệu cháu bé chào đời, chỉ cần 10% số trẻ ấy không được tiêm phòng, cùng với khoảng 5-10% bé tiêm nhưng không đáp ứng, thì tích lũy qua 5 năm, đã có 1 triệu cháu không có miễn dịch và dịch sởi bùng theo chu kỳ 5 năm/lần vẫn diễn ra", Tiến sĩ Hải cho hay.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai khám sàng lọc, phân luồng đối tượng nguy cơ để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các bác sĩ đã dựa trên thực tế bệnh học của từng bệnh nhi để có chẩn đoán ca bệnh sớm hơn trong điều kiện thực tế của dịch sởi, không chờ đợi phát ban mới xác định sởi và cách ly, điều trị sớm. Bệnh viện cũng ứng dụng một số kỹ thuật mới trong điều trị để nâng cao hiệu quả.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là nơi thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi.
Tiến sĩ Hải cũng lưu ý một thông tin quan trọng, trẻ bị phơi nhiễm sởi trong vòng 3 ngày vẫn cho tiêm vaccine vì vẫn hiệu quả.
Ngoài số trẻ bị nặng phải nhập viện, số lượng lớn các trẻ mắc sởi được chỉ định điều trị ngoại trú, để giảm tải bệnh viện.
Bác sĩ Hải cho hay, những đối tượng như trẻ dưới 1 tuổi; có bệnh nền đặc biệt bệnh nền tiến triển; có biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, khò khè và có tình trạng viêm tăng cao phải cho nằm viện theo dõi xử lý.
Trường hợp mắc sởi nhẹ (em bé sốt dùng thuốc hạ sốt và khi đỡ sốt lại chơi bình thường) thì gia đình có thể chăm sóc con tại nhà. Nếu em bé nôn nhiều, mệt, không chơi, tiêu chảy hoặc đỡ sốt vẫn li bì không chơi thì phải cho nằm viện.
“Cha mẹ có con mắc sởi phải thông báo cho nhà trường để các bố mẹ kiểm tra xem con mình có nguy cơ lây bệnh hay không và kiểm tra lịch sử tiêm chủng để cho con đi tiêm kịp thời”, bác sĩ Hải đặc biệt lưu ý các cha mẹ.
THIÊN LAM