Đồng chí TRẦN THỊ DIỆU THÚY - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM - tự tin khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM - bà Trần Thị Diệu Thúy, ngày 30-4-1975 là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc và cũng là mốc son mở ra hành trình 50 năm phát triển không ngừng của TP HCM - thành phố đầu tàu cả nước, năng động, sáng tạo, tiên phong, đột phá, nghĩa tình và luôn mang trong mình khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Trong bối cảnh mới, sắp tới, khi sáp nhập thêm 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM sẽ là một cực tăng trưởng lớn, mang tính dẫn dắt của quốc gia và khu vực.
TỰ HÀO
* Phóng viên: Nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, TP HCM đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Là một trong những lãnh đạo chính quyền thành phố đương nhiệm, đồng chí cảm nhận sâu sắc nhất điều gì?
- Đồng chí TRẦN THỊ DIỆU THÚY: TP HCM mang trong mình một bản lĩnh rất riêng - đó là sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn vì lợi ích chung. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là tinh thần tiên phong, không cam chịu đứng yên, không ngừng sáng tạo để tìm ra con đường riêng vì sự phát triển chung.
Tinh thần đó đã giúp TP HCM vượt qua nhiều biến cố - từ khủng hoảng kinh tế đến đại dịch COVID-19. Mỗi thử thách lại khẳng định tinh thần "vượt lên chính mình".
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (thứ 2 từ trái qua) - tại Đường sách Bình Tân (quận Bình Tân, TP HCM), trong khuôn khổ lễ khánh thành và đưa vào vận hành công trình này hôm 25-4-2025 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Đó cũng là lý do vì sao TP HCM luôn là nơi khởi đầu cho nhiều cải cách lớn. Từ thời kỳ "xé rào" vượt "ngăn sông cấm chợ" thu mua lương thực theo giá thỏa thuận, tạo nên "hạt gạo cô Ba Thi" để cứu đói và vực dậy sản xuất sau 1975, đến những mô hình kinh tế - xã hội đầu tiên: Khu Chế xuất Tân Thuận, Trung tâm Chứng khoán thành phố (nay là Sở Giao dịch chứng khoán thành phố), Khu Công nghệ cao, Công ty CP Cơ điện lạnh REE - cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đầu tiên, ngân hàng thương mại đầu tiên của cả nước được thí điểm (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Saigonbank, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM - HDBank), khởi xướng phong trào xóa đói giảm nghèo, nhất là phong trào xây dựng nhà tình nghĩa...
Hay gần đây là mô hình chính quyền đô thị, Nghị quyết 54/2017 đến Nghị quyết 98/2023 với những cơ chế đặc thù chỉ dành riêng cho thành phố, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR), hiện là trung tâm duy nhất tại Việt Nam, sắp tới là Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM.
Thực tiễn của Thành phố đã cung cấp nhiều kinh nghiệm về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Trung ương.
Trong 50 năm qua, TP HCM đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Về kinh tế, thành phố luôn giữ vai trò đầu tàu, đóng góp hơn 20% GDP và gần 30% ngân sách các nước. Về văn hóa - xã hội, đây là nơi giao thoa, hội tụ, là trung tâm giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học hàng đầu. Về chính trị - hành chính, thành phố luôn là nơi thử nghiệm các mô hình mới, thể hiện truyền thống năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Nhìn lại, chúng ta có quyền tự hào về những gì TP HCM đã làm được. Thành phố đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
* Trong hành trình 50 năm ấy, đâu là những bài học lớn nhất?
- Tôi nghĩ là ở những góc độ tiếp cận khác nhau có thể có những bài học khác nhau. Nhưng chung nhất, có thể rút ra ba bài học lớn. Thứ nhất, phải luôn đặt người dân là trung tâm - mọi chính sách, mọi mô hình đều phải hướng tới phục vụ, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Có như vậy thì mọi phong trào cách mạng mới phát huy được sức mạnh của nhân dân.
Thứ hai, tư duy cải cách và đổi mới là động lực phát triển - nếu TP HCM không dám nghĩ, dám làm, không tiên phong, không sáng tạo sẽ không thể giữ được vai trò đầu tàu và cũng không còn là mình nữa. Thành phố đã và đang tạo điều kiện cho những hạt giống tốt nảy mầm, chăm chút cho từng nhân tố mới, từng kết quả nhỏ trong mọi lĩnh vực để tạo ra, vun đắp, phát triển các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả…
Thứ ba, phải luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để làm hạt nhân đoàn kết trong xã hội, tạo ra hiệu ứng cộng hưởng về sự đồng thuận, nhất trí, chung lòng, chung sức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong toàn xã hội.
TẦM VÓC SIÊU ĐÔ THỊ QUỐC TẾ
* Thành phố đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mở rộng địa giới khi hợp nhất TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tầm nhìn này đặt TP HCM vào vị thế nào trong tương lai, thưa đồng chí?
- Đây là một chủ trương rất lớn, mang tầm nhìn chiến lược quốc gia. TP HCM không chỉ trong vai trò trung tâm kinh tế phía Nam mà còn là một đầu tàu phát triển của cả nước, một trung tâm liên kết vùng và kết nối quốc tế trọng yếu.
Việc mở rộng địa giới hành chính - cũng là mở rộng không gian phát triển - là bước đi tất yếu nếu chúng ta muốn TP HCM phát triển đột phá trong giai đoạn tới. Việc hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là để hình thành một "siêu vùng đô thị - công nghiệp - cảng biển - dịch vụ" hiện đại, tích hợp đa trung tâm, có sức cạnh tranh với các siêu đô thị trong khu vực như Bangkok, Singapore, Thượng Hải…
TP HCM mới sau hợp nhất có diện tích 6.772,65 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt hơn 979% so với tiêu chuẩn), 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Đây sẽ là một cực tăng trưởng mới của cả nước trong thời gian sắp tới.
Tầm vóc của TP HCM mới sẽ có đủ năng lực quy hoạch tích hợp, đầu tư hạ tầng quy mô lớn, phát triển các cực tăng trưởng mới và đặc biệt là đảm nhận những chức năng chiến lược như trung tâm tài chính - logistics - công nghệ cao - đổi mới sáng tạo toàn vùng và cả nước.
TP Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại, văn minh, phát triển toàn diện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đây sẽ là không gian phát triển mới, rộng mở hơn, giàu tiềm năng hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải đổi mới về thể chế, mô hình quản lý, hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nâng tầm toàn diện về chất lượng phát triển, thể hiện khát vọng đưa TP HCM trở thành một trung tâm phát triển mang tính dẫn dắt tầm quốc gia và khu vực.
Trọng tâm của thành phố mới là hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và tạo bước đột phá mang tính lan tỏa trong liên kết kinh tế vùng và liên vùng, đúng với tinh thần mà Bộ Chính trị đã định hướng tại Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG
* Thưa đồng chí, đâu là yếu tố đột phá để hiện thực hóa khát vọng đó - thể chế, hạ tầng hay con người?
- Tất cả đều quan trọng, nhưng thể chế là chìa khóa then chốt. Không có thể chế phù hợp, mọi nguồn lực đều sẽ bị trói buộc. TP HCM cần có nhiều cơ chế đặc thù mạnh mẽ hơn - trong phân cấp, tài chính, đầu tư, quy hoạch, thu hút nhân tài... để đủ sức giải bài toán phát triển đô thị lớn và siêu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố sẽ phải đầu tư rất lớn vào hạ tầng chiến lược: hạ tầng giao thông, logistics, số hóa và xanh hóa đô thị.
Nhưng con người vẫn là trung tâm. Phát triển phải gắn với sự đồng bộ, toàn diện và không ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta đang có nhiều điều kiện để hiện thực hóa điều đó: vị trí chiến lược, quy mô kinh tế lớn, dân số trẻ và quan trọng là truyền thống năng động, sáng tạo vốn có của TP HCM.
Như chúng ta đã biết, song song với tiến trình hợp nhất 3 địa phương TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp phường, xã đến cấp thành phố cũng đang được triển khai thận trọng, bài bản. Đây là một trong những nhiệm vụ mang tính quyết định đến khả năng hiện thực hóa các mục tiêu lớn mà đô thị mới đặt ra.
Như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo, việc chuẩn bị nhân sự cho bộ máy mới phải được thực hiện một cách chặt chẽ, trách nhiệm, hướng tới hình thành một "đội hình" vừa bảo đảm hợp lý về cơ cấu, đúng chất về năng lực, công bằng trong phân công và sắp xếp vị trí.
Đội ngũ cán bộ trong bộ máy mới không chỉ cần tinh thần vì nhân dân phục vụ, vững chuyên môn, thạo quản trị, nắm chắc công nghệ, mà còn phải có tầm nhìn chiến lược và tinh thần cải cách mạnh mẽ, sẵn sàng đồng hành với quá trình chuyển mình của vùng đô thị lớn nhất cả nước. Đây cũng là điều kiện mới để hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TP HCM trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
* Ở thời điểm đặc biệt này, đồng chí Phó Chủ tịch muốn gửi gắm điều gì đến người dân TP HCM?
- Tôi mong muốn mỗi người dân TP HCM, đặc biệt là thế hệ trẻ, hãy tiếp nối và phát huy tinh thần "vượt lên chính mình" của các thế hệ đi trước. Không ai khác, chính người dân thành phố chúng ta - với sự sáng tạo, năng động, nghĩa tình và trách nhiệm - sẽ là lực đẩy mạnh mẽ nhất cho hành trình sắp tới.
Chúng ta có niềm tin, có khát vọng và cùng nhau hành động, TP HCM chắc chắn sẽ không chỉ rực rỡ trong quá khứ, mà còn rực rỡ hơn nữa trong tương lai.
Xin cảm ơn đồng chí!
Trong niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm của thành phố được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã đi qua để vững bước vươn tới, đúc kết thực tiễn, làm rõ hơn cơ sở của mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố bằng tinh thần khoa học, cách mạng, để tiếp tục tiến lên trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP HCM)
PHAN ANH thực hiện