Chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị nghiêm cấm

Chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị nghiêm cấm
4 giờ trướcBài gốc
Theo quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2024), có 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh, trong đó có hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh.
Người bệnh cấp cứu, trẻ dưới 6 tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh
Người hành nghề chỉ được từ chối khám, chữa bệnh trong một số trường hợp như: tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình; việc khám, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp; người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ; người bệnh yêu cầu phương pháp khám, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật...
Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh cũng nêu rõ: "Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám chữa bệnh".
Việc xác định tình trạng cấp cứu khi nhập viện của người bệnh thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị và cơ sở y tế nơi tiếp nhận người bệnh.
Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh. Ảnh minh họa: AI
Người bệnh không có thân nhân vẫn được tiếp nhận
Điều 72 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định về việc tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân.
Theo đó, khi tiếp nhận, thực hiện khám, chữa bệnh cho người bệnh không có thân nhân, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
Trong thời gian 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi cơ sở khám chữa bệnh đặt trụ sở để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ sở khám chữa bệnh lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh.
Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định về bảo trợ xã hội.
Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh cho người bệnh trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi hoàn thành thủ tục chuyển người bệnh đến cơ sở trợ giúp xã hội hoặc đến khi người bệnh tử vong.
Chính phủ quy định việc chi trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh cho các đối tượng trên và việc xử lý đối với người bệnh không có thân nhân là người nước ngoài.
Như vậy, theo các quy định trên, kể cả khi người bệnh cấp cứu không có thân nhân, cơ sở y tế đều phải tiếp nhận cấp cứu theo quy trình chuyên môn, không được từ chối người bệnh.
Liên quan đến vấn đề nộp tiền tạm ứng, trong một văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Nam gửi đến sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 29-3-2016 về tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện "không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh".
Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng, các bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với bệnh nhân BHYT đến khám và điều trị ngoại trú, đặc biệt là bệnh nhân cấp cứu.
Đối với bệnh nhân nội trú, bệnh viện chỉ thu tạm ứng khi có chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao, nhưng cũng chỉ thu tiền tạm ứng ngoài phần thanh toán của BHYT.
Việc xác định tình trạng cấp cứu khi nhập viện của người bệnh thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị và cơ sở y tế nơi tiếp nhận người bệnh.
Như PLO đã đưa tin, đêm 3-5, trên mạng xã hội lan truyền clip phản ánh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định không kịp thời cấp cứu cháu MTA, 4 tuổi, bị xe công nông cán qua người. Nhân viên bệnh viện yêu cầu nộp đủ viện phí tạm ứng mới cho nhập viện.
Về phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, đơn vị này cho biết bệnh nhi MTA nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, quấy khóc, mạch 140 lần/phút, nhịp thở 20 lần/phút, da niêm mạc hồng, không có vết thương chảy máu, xây xát vùng hạ vị lệch trái, xước xát khuỷu tay phải.
Bệnh nhi được khám ở phòng khám Cấp cứu Chấn thương chỉnh hình và phòng khám Cấp cứu Ngoại tổng hợp, được chẩn đoán ban đầu: đa chấn thương (chấn thương ngực, bụng kín do tai nạn giao thông). Bệnh nhi được chỉ định các xét nghiệm: CT-Scanner ổ bụng, CT-Scanner lồng ngực, chụp X-quang ngực thẳng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.
Sau đó, bệnh nhi được tiếp tục xử trí cấp cứu, hồi sức, truyền dịch, giảm đau, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đến sáng nay 5-5, tình trạng bệnh nhi MTA có nhiều tiến triển, đã cai máy thở, qua giai đoạn nguy kịch.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã đình chỉ một số nhân viên y tế liên quan đến phản ánh không kịp thời cấp cứu cháu MTA để xác minh làm rõ vụ việc, tiếp tục rà soát quy trình tiếp nhận xử lý cấp cứu bệnh nhi MTA nói riêng và quy trình cấp cứu, khám chữa bệnh nói chung.
Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng đã mời cơ quan Công an tỉnh cùng vào cuộc rà soát lại mọi quy trình tiếp nhận, xử trí liên quan đến trường hợp của cháu MTA.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/cham-cap-cuu-nguoi-benh-la-hanh-vi-bi-nghiem-cam-post848061.html