Còn nhớ, hơn một tháng trước, tôi trở lại tỉnh Điện Biên vào một sớm. Trời vừa tạnh mưa, những con đường đất còn đọng nước và mùi cỏ dại ngai ngái len vào mũi. Mây vắt ngang lưng núi, trắng muốt. Bầu không khí mát lạnh như thể đất trời đang hạ nhiệt, dịu đi một nhịp để chuẩn bị cho những ngày tháng bảy tri ân, khi cả dân tộc cúi đầu tưởng nhớ những người đã ngã xuống.
Tôi không vội vã, bước chầm chậm bước giữa vùng đất từng thấm máu bao anh hùng liệt sĩ. Chậm để lắng nghe. Chậm để cảm nhận rõ hơn nhịp đập của lịch sử còn vọng lại từ trong gió, trong đá, trong mỗi nấm mộ vô danh.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Thủy
Hơi thở lịch sử giữa từng viên đá ở đồi A1
Ở Nghĩa trang liệt sĩ A1, gió thổi đều đều, cờ đỏ bay nhẹ trên nền trời loang sương. Những hàng bia đá im lìm, thẳng tắp. Có những tấm bia chỉ khắc dòng chữ: “Liệt sĩ vô danh”. Tôi lặng đi thật lâu trước những tấm bia ấy. Không tên, không tuổi, không quê hương, không người thân thăm viếng nhưng họ là những người đã chọn ở lại, để chúng ta có ngày hôm nay.
Một cụ bà gùi hoa dại đến thắp hương, lặng lẽ đặt trước một ngôi mộ. Bà thì thầm gì đó, tiếng nhỏ đến mức chỉ có gió mới có thể mang đi. Tôi hỏi thăm, biết bà đi từ một bản rất xa, năm nào cũng đến đây, trước những ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Bà nói: “Ở bản, người ta không nhớ rõ hết những khuôn mặt còn mười tám đôi mươi đã ra đi, nhưng luôn luôn nhớ ơn. Còn nhớ là còn sống.”
Những hàng bia mộ thẳng tắp làm lòng tôi nghẹn lại. Tôi dừng trước những tấm bia khắc tên liệt sĩ ở khắp miền quê trên đất nước ta. Nước mắt rơi trên từng dòng tên, những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi đã nằm lại giữa chiến trường xưa để Tổ quốc trường tồn.
Giữa hành trình nhớ về một thời bi tráng, tôi gặp cả những du khách Pháp, họ cúi đầu lặng lẽ, thắp nén hương trên phần mộ các liệt sĩ vô danh. Những lời chào bằng tiếng Việt và ánh mắt trĩu nặng của họ là phần minh chứng cho sự cảm phục, cho hòa bình và lòng nhân hậu của người Việt đã hóa thành ngọn lửa vĩnh cửu trong trái tim mỗi du khách.
Tôi bất chợt nhớ đoạn văn của tác giả Hữu Nghị trong bài “Các anh đã bất tử trong lòng Điện Biên” viết ngày 4/5/2014: “Nằm lại bên trận địa ác liệt, các anh đã chiến đấu hy sinh, những người con ưu tú của đất nước vẫn luôn nhận được hơi ấm từ nhân dân và đồng đội. Hàng nghìn chiến sĩ quên mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nay đã an nghỉ tại những nghĩa trang của thành phố Điện Biên Phủ.
Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ phần lớn là những ngôi mộ “chưa biết tên”. Nhưng lòng yêu nước của người Điện Biên năm xưa vẫn còn đó, để thế hệ tiếp sau không bao giờ quên những chiến công phải đổi bằng xương máu và tuổi thanh xuân. Các anh hy sinh để đất nước còn mãi, còn gì cao quý hơn sự hy sinh ấy!”.
Hàng nghìn chiến sĩ quên mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nay đã an nghỉ tại những nghĩa trang của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Thủy
Tôi đến đồi A1 khi trời chuyển hoàng hôn, len qua những hàng cây, chiếu lên mặt đất nơi còn in dấu hố bom, hầm ngầm. Trước mặt tôi là một chiếc xe tăng Pháp bị đánh phá, nằm lại như minh chứng của cuộc chiến khốc liệt hơn 70 năm trước. Dưới chân tôi là nơi chỉ cách chiến thắng một bước chân, nhưng đã có biết bao người nằm lại. Chỉ riêng trong trận đánh vào đồi A1, có hơn 2.000 chiến sĩ của ta hy sinh, trong đó có những người mãi mãi không tìm thấy tên tuổi.
Tôi chạm tay lên thành xe tăng đã hoen gỉ, mắt nhòe đi. Có một thứ gì đó rất gần như thể những tiếng súng năm xưa vẫn còn vang vọng. Ở đây, tôi không cần tưởng tượng. Lịch sử hiện lên trong từng tấc đất, trong từng phiến đá. Và người nằm xuống vẫn sống trong ký ức, trong sự im lặng hùng tráng của đồi núi Điện Biên.
Ngọn nến trong hang đá và chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Tôi tiếp tục hành trình tới Mường Phăng, trái tim của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Men theo những triền núi uốn lượn, chúng tôi bước vào khu rừng nguyên sinh, nơi từng là Sở Chỉ huy chiến dịch. Nắng xuyên qua vòm lá, lấp lánh trên vai, gió khe khẽ như thì thầm chuyện cũ. Giữa rừng sâu ấy, nơi cao hơn 1.000m so với mặt biển, một hang đá nhỏ, giản dị như chính tinh thần của người lính Cụ Hồ, đã từng thắp sáng một ngọn nến. Ngọn nến ấy, trong căn hầm âm thầm không đơn thuần chỉ là nguồn sáng, mà là biểu tượng của ý chí, của sự bền gan quyết thắng từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tác giả tại khu di tích lịch sử Mường Phăng, tỉnh Điện Biên
Hình ảnh Đại tướng, giữa đêm mưa rừng lạnh buốt, bên ngọn nến lập lòe, lặng lẽ đưa ra những quyết định làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Không điện, không thông tin hiện đại, chỉ có ánh lửa nhỏ và một niềm tin lớn. Từ nơi ấy, những mệnh lệnh tấn công được ban ra, dẫn đến chiến thắng mà thế giới phải ngưỡng vọng: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Và để đến được đỉnh cao đó, máu và nước mắt đã đổ. Trên các cung đường kéo pháo, những chiến sĩ dùng đôi tay trần vượt núi cao, vực sâu. Họ đã hóa thân thành tượng đài sống động: 28 người lính kéo pháo bằng tay, khối đá 1.200 tấn khắc ghi một tinh thần không thể khuất phục.
Lịch sử Việt Nam được viết bằng máu, bằng mồ hôi và cả ánh sáng của những ngọn nến tinh thần của quân và dân ta. Đứng giữa Mường Phăng trầm mặc, tôi như nghe vọng về lời của Bác, của Đại tướng và bao sự quyết tâm, quyết tử cho tổ quốc hôm nay của biết bao người con anh dũng đã nằm lại đất Mẹ anh hùng.
Ở hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không gian yên tĩnh đến kỳ lạ. Bên ngoài, dòng người lặng lẽ vào ra, không ai nói lớn tiếng. Nhưng tôi biết trong mỗi đôi mắt rưng rưng kia là những trái tim ánh lên niềm tự hào, lòng biết ơn vô hạn. Biết ơn vì có những con người đã chọn sống một đời giản dị, tận hiến và thanh cao. Biết ơn vì trong cuộc chiến sống còn ấy, họ vẫn giữ vững niềm tin: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Du khách khắp nơi đổ về Khu di tích lịch sử Mường Phăng để tri ân bao thế hệ anh hùng. Ảnh: Thu Thủy
Tôi trở về sau hành trình Điện Biên dài hơn dự định. Không chỉ vì cảnh đẹp níu chân mà vì cảm xúc quá đỗi sâu dày. Tôi biết, tôi và biết bao thế hệ đã từng đến đây sẽ mang về một ba lô gói ghém ít lá rừng, ít đất... và cả một sự thức tỉnh lặng lẽ để tiếp tục khát khao cống hiến, xây dựng Tổ quốc xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh.
Ở Điện Biên, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của những người đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, nghĩa trang Tông Khao, hầm Đại tướng... không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là chứng nhân cho một thời hoa lửa. Họ, những người lính trẻ không để lại tên nhưng mãi mãi là anh hùng trong lòng dân tộc. Trở về từ Điện Biên, mỗi bước chân trở nên lặng lẽ hơn, mỗi lời nói thêm phần sâu sắc, bởi ta hiểu rằng mình đang sống tiếp giấc mơ dang dở của biết bao người đã nằm lại. Tri ân không chỉ là một ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tri ân là sự biết ơn để nhắc ta sống tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn, sống sao cho xứng đáng với máu xương của người đã nằm lại.
Ghi chép của Thu Thủy