Chậm chuyển đổi xanh, doanh nghiệp logistics Việt nguy cơ bị loại khỏi sân chơi

Chậm chuyển đổi xanh, doanh nghiệp logistics Việt nguy cơ bị loại khỏi sân chơi
14 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Công thương, mặc dù Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng thực tế cho thấy số lượng doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh vẫn còn quá ít, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Liên đoàn giao nhận và vận tải Asean (AFFA) kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, phần lớn doanh nghiệp vẫn khá thụ động trong việc thực hiện các cam kết về môi trường. Nguyên nhân chính xuất phát từ những rào cản như hạn chế về công nghệ, chi phí đầu tư cao, nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp và hạ tầng logistics chưa đồng bộ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong ngành logistics Việt Nam còn thiếu hiểu biết về yêu cầu xanh hóa. Việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng đòi hỏi kỹ năng cao và công nghệ tiên tiến nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đầu tư.
“Doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc công nghệ tiết kiệm năng lượng để giảm lượng khí thải carbon. Hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để chuẩn hóa báo cáo phát thải cũng là một hướng đi bền vững”, ông Khoa nhấn mạnh.
Áp lực từ thị trường quốc tế và yêu cầu bền vững
Ông Vũ Ninh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Gemadept chỉ ra rằng, logistics xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu thực tế từ các thị trường lớn. “Các hãng tàu quốc tế, các nhà xuất nhập khẩu nước ngoài đòi hỏi sản phẩm từ Việt Nam phải sạch và xanh ở mọi khâu, từ vận tải đến cảng biển", ông Ninh chia sẻ.
Theo ông Ninh, tại các doanh nghiệp lớn, việc triển khai logistics xanh đã được thực hiện từ vài năm nay, với những thay đổi cụ thể như chuyển từ nhiên liệu diesel sang điện cho các thiết bị cẩu, sử dụng xe tự động hóa, thậm chí trồng cây xanh quanh cảng để bù đắp tác động môi trường.
Tổng cục hàng hải (Bộ Giao thông vận tải cũ) đã ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện xanh hóa. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn châu Âu và mời các đơn vị độc lập đánh giá quá trình xanh hóa.
“Tôi tin rằng trong tương lai không xa, các cảng, công ty vận tải và doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế", ông Ninh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Ninh cũng cảnh báo nếu không bắt kịp xu hướng này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế.
Dám làm và khả năng thực thi
Ông Desmond Gay, Chủ tịch Tập đoàn Logistics JGL Singapore tại Việt Nam nhìn nhận, logistics xanh như một “hành trình” đòi hỏi sự quyết tâm và năng lực thực thi. “Chiến lược tốt là dám bắt tay vào triển khai nhưng vận hành hiệu quả mới mang lại kết quả,” ông Gay nhấn mạnh.
Theo ông Gay, JGL đang nỗ lực tạo sự khác biệt bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và thực hiện chiến lược logistics xanh. Điều này không chỉ giúp đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà còn góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, để triển khai logistics xanh một cách hiệu quả, ông Phạm Thiên Ân từ Tập đoàn Vinacontrol cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cắt giảm khí nhà kính cụ thể và rõ ràng. Ông Ân đánh giá cao các cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là thị trường trao đổi tín chỉ carbon sắp ra mắt, coi đây là công cụ tài chính quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh.
“Doanh nghiệp cần tận dụng những chính sách này để đạt được mục tiêu giảm thải carbon nhanh chóng và hiệu quả nhất”, ông Ân khuyến nghị.
Đầu tư, chính sách và nâng cao nhận thức
Để logistics Việt Nam chuyển đổi thành công theo hướng xanh hóa, các chuyên gia đều cho rằng cần giải quyết đồng bộ ba bài toán: đầu tư, chính sách và nhận thức.
Về đầu tư, cần có các chính sách ưu đãi thuế và tài chính để khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án xanh, như sử dụng điện áp mái, xe tải điện hay xây dựng khu công nghiệp xanh. Ông Khoa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào logistics xanh để tạo ra hiệu ứng lan tỏa.
Chính sách vĩ mô từ Nhà nước đóng vai trò then chốt. Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045 do Bộ Công thương đang xây dựng đã xác định logistics xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng cần được cụ thể hóa bằng các biện pháp thực thi mạnh mẽ.
“Doanh nghiệp phải tự nhận thức được tầm quan trọng của logistics xanh để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Điều này đòi hỏi đào tạo chuyên sâu và thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến nhân viên”, ông Ninh nhấn mạnh.
Yến Thư
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/cham-chuyen-doi-xanh-doanh-nghiep-logistics-co-nguy-co-bi-loai-khoi-san-choi-d41181.html