Chủ một tài khoản ở Cẩm Giàng thừa nhận đưa tin vỡ đê trong cơn bão số 3 là thiếu kiểm chứng (ảnh tư liệu)
Từ ngày 25/12/2024, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam buộc phải định danh tài khoản thông qua số điện thoại di động nếu muốn đăng bài, bình luận hoặc livestream. Nếu không thực hiện yêu cầu trên, tài khoản sẽ bị hạn chế các tính năng sau ngày 25/3/2025.
Khi chưa phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại, nhiều người cho rằng "mạng ảo" nên đã đưa lên không gian mạng nhiều thông tin, hình ảnh không chính xác, vô trách nhiệm, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, nhiều người dùng chưa có thói quen sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, tiếp nhận thông tin thiếu chọn lọc, không chỉ hiểu sai mà còn chia sẻ, lan truyền khiến những thông tin thiếu kiểm chứng, sai trái được phổ biến rộng rãi hơn.
Trong cơn bão số 3 xảy ra tại Hải Dương, Công an huyện Thanh Hà đã phải "mời" chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Quỳnh (Quỳnh)” là Nguyễn Thị Quỳnh, sinh năm 1996, trú tại thôn Tiền Vỹ, xã Thanh Hải đến làm việc do đăng tải thông tin vào Fanpage “Hóng biến Hải Dương” với nội dung “Phượng hoàng vỡ đê rồi”. Thông tin được chủ tài khoản thừa nhận chỉ "nghe nói" nhưng thiếu kiểm chứng và vội vã đưa lên khiến nhiều người dùng mạng xã hội lan truyền, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
Cũng trong cơn bão số 3 này, nhiều chủ tài khoản Facebook khác tại Hải Dương đã bị cơ quan công an nhắc nhở, phạt tiền vì hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội".
Mạng xã hội là "ảo" nhưng hậu quả là thật, đòi hỏi mỗi người dùng mạng xã hội phải biết lựa chọn thông tin và đưa lên mạng những thông tin phù hợp.
Khi định danh sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng tài khoản dùng biệt danh không phải tên thật trên tất cả các nền tảng như Facebook, YouTube, Instagram hay TikTok.
Tài khoản không định danh còn là công cụ hữu ích cho các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo trên không gian mạng, và chính những người dùng ít kinh nghiệm lại thường trở thành nạn nhân. Cách đây chưa lâu, một phụ nữ ở huyện Cẩm Giàng đã bị đối tượng xấu hack tài khoản Facebook của con đang làm việc ở nước ngoài gọi qua ứng dụng Messenger yêu cầu chuyển tiền. Cuộc gọi hiển thị hình ảnh của con, dù không rõ ràng, nhưng người này đã nhiều lần chuyển tiền cho kẻ lừa đảo khoảng 100 triệu đồng.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cả nước có khoảng 72,7 triệu người dùng Facebook, 63 triệu người dùng YouTube, khoảng 11 triệu người dùng Instagram, trên 67,7 triệu người dùng TickTok từ 18 tuổi trở lên, 54,5 triệu người dùng ứng dụng Messenger...
Tuy vậy, theo một nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky, cứ 10 người dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì có đến 3 người thừa nhận đang sở hữu tài khoản mạng xã hội không phải tên và ảnh thật, không đủ thông tin nhận dạng cá nhân. Trong đó, mạng xã hội có số người dùng giấu danh tính nhiều nhất là Facebook (70%).
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã chỉ ra 5 phương thức lừa đảo phổ biến, trong đó lừa đảo qua nền tảng OTT (cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua internet) xếp thứ ba, chủ yếu do tội phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng, dẫn dụ họ nhập vào đường link giả mạo và cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Khi người dùng mạng xã hội chưa phải xác thực tài khoản, năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022, trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính. 73% số người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại là yêu cầu bắt buộc, giúp tăng cường kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Xác thực tài khoản là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng internet.
TIẾN HUY