Chậm hoàn tiền, quấy rối người tiêu dùng sẽ bị phạt 70 triệu đồng

Chậm hoàn tiền, quấy rối người tiêu dùng sẽ bị phạt 70 triệu đồng
5 giờ trướcBài gốc
Nghị định số 24/2025 vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 21-2-2025 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chuyển thông tin khách hàng trái phép bị phạt đến 40 triệu đồng
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Điều 46 Nghị định số 24/2025 quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý theo quy định; sử dụng thông tin của người tiêu dùng không chính xác, không phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo.
Từ 21-2, các hành vi không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng. Ảnh: Minh Trúc
Mức phạt tiền sẽ từ 30-40 triệu đồng nếu không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng hoặc không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định.
Nếu chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định cũng sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Nghị định 24/2025 cũng nêu rõ: Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên trong trường hợp thông tin có liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng. Phạt tiền gấp bốn lần trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện.
Theo Nghị định 98/2020, các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng chỉ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Chậm hoàn tiền cho khách hàng sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng
Nghị định 24/2025 cũng quy định về các hành vi vi phạm trong giao dịch từ xa. Theo đó, Điều 53 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thông tin ngay từ đầu về tên, địa chỉ và mục đích của cuộc đàm thoại khi giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác.
Đối với các hành vi cung cấp không chính xác hoặc cung cấp không đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin theo quy định khi thực hiện giao dịch từ xa theo quy định; không hoàn trả cho người tiêu dùng khoản tiền đã thanh toán tương ứng với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa sử dụng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết hoặc không trả lãi đối với khoản tiền chậm trả cho người tiêu dùng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.
Đối với các hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng cũng bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.
Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; hoặc do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.
AN HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/cham-hoan-tien-quay-roi-nguoi-tieu-dung-se-bi-phat-70-trieu-dong-post836055.html