Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục

Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục
4 giờ trướcBài gốc
Đầu tư cơ sở vật chất
Một trong những đơn vị tiêu biểu của giáo dục Quảng Ngãi là Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà (xã Tư Nghĩa). Với nguồn vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng, trường được xây dựng mới hoàn toàn với hệ thống 60 phòng học hiện đại, trang bị ti vi, máy tính có kết nối mạng Internet, khu nhà thi đấu đa năng, sân cỏ nhân tạo và hồ bơi đạt chuẩn. Hệ thống phòng bộ môn, phòng chức năng và khu nội trú phục vụ hơn 300 học sinh (HS) bán trú cũng góp phần nâng cao chất lượng quản lý và dạy học.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn La Hà Võ Thành Nho, nhờ phát huy tốt thế mạnh về cơ sở vật chất, kết hợp với sự đoàn kết và phân công rõ ràng trong nội bộ, nhà trường từng bước đưa mọi hoạt động vào nền nếp. Kết quả năm học 2024 - 2025 là minh chứng rõ ràng với tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,2%, chất lượng học tập khối THCS và tiểu học đều tăng, tỷ lệ HS đỗ vào các trường công lập đạt 97,5%, trong đó có 22 em đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Khiết.
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng, ở phường Cẩm Thành trong giờ học. Ảnh: TR.PHƯƠNG
“Không chỉ chú trọng chất lượng học tập, nhà trường còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa. Học sinh giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi HS giỏi, khoa học kỹ thuật, an toàn giao thông, văn nghệ cấp huyện và tỉnh. Công tác tư tưởng, dân chủ nội bộ, sự phối hợp với phụ huynh, địa phương và các tổ chức đoàn thể được đẩy mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Nho chia sẻ.
Không chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non cũng đang được quan tâm đầu tư bài bản. Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Cẩm Thành) là một điển hình. Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng Nguyễn Thị Thu Diễm, với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, luôn nỗ lực đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và gắn bó mật thiết với phụ huynh, nhà trường đã xây dựng được môi trường học tập thân thiện, giàu tính trải nghiệm cho trẻ.
Với 14 năm kinh nghiệm trong chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh, chủ nhiệm lớp Lá 4, Trường Mầm non Hoa Hồng, cho rằng, để trẻ mầm non phát triển toàn diện, giáo viên cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương pháp dạy học, tạo sự hứng thú. Khi đó, trẻ sẽ được phát huy sự sáng tạo để phát triển tốt hơn. Giáo viên cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật, đổi mới trong cách giảng dạy để thu hút trẻ.
Phát triển giáo dục vùng cao
Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh đã có nhiều chính sách mang tính chiến lược nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục. Các chính sách hỗ trợ HS như học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, hỗ trợ thực phẩm, sách vở, xe đạp... đã góp phần quan trọng trong việc giữ chân HS đến trường.
Mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT được quy hoạch phù hợp với địa bàn cư trú. Đặc biệt, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú được đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi cho HS DTTS học tập, sinh hoạt ổn định. Tỷ lệ huy động trẻ đến lớp ngày càng cao, chất lượng dạy học không ngừng được cải thiện. Đáng ghi nhận, nhiều HS DTTS đã đạt thành tích tốt trong các kỳ thi HS giỏi, kỳ thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Không chỉ dừng lại ở đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục còn đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại vùng khó khăn, đặc biệt là nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giảng dạy phân hóa và ngôn ngữ dân tộc tại chỗ. Việc nâng cao chất lượng giáo viên chính là yếu tố quyết định để giáo dục vùng cao phát triển bền vững.
TRỊNH PHƯƠNG - ĐẮC VINH
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/cham-lo-cho-su-nghiep-giao-duc-54148.htm