Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cung cấp thông tin về hoạt động của Công đoàn Việt Nam với Đại biểu Quốc hội Đức. Ảnh: Hải Nguyễn
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam có ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; đại diện Ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam. Làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam có ông Esra - Leon Limbacher, Đại biểu Quốc hội Đức, Phó Phát ngôn chính sách kinh tế của đảng Dân chủ Xã hội Đức; đại diện Viện FES tại Hà Nội…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh tin tưởng rằng, chuyến thăm và làm việc của Đại biểu Quốc hội Đức tại Việt Nam sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và quan hệ giữa hai chính phủ và nhân dân hai nước.
Trao đổi với đại biểu Quốc hội Đức, ông Phan Văn Anh cho biết, thời gian qua, Công đoàn Việt Nam cũng đã tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ đoàn viên, người lao động; tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, người lao động; chăm lo cho đoàn viên, người lao động cả về vật chất và tinh thần; phát động các phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động qua đó tạo được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp… Trong thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã dành gần 80% nguồn tài chính Công đoàn để chăm lo đoàn viên, người lao động.
Ông Esra - Leon Limbacher, Đại biểu Quốc hội Đức tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn.
Đại diện Công đoàn Việt Nam thực hiện hiệu quả vai trò thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đàm phán thành công việc tăng lương tối thiểu vùng trong 5 năm qua với mức tăng 23% và tiếp tục tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. Các cấp Công đoàn đã tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, nâng cao số lượng, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Công đoàn Việt Nam đã phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Chính phủ, Quốc hội và đại biểu Quốc hội với cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động… qua trao đổi, nhiều vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm, nêu ý kiến đã được tiếp thu, tháo gỡ, có giải pháp xử lý kịp thời.
“Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam đang tập trung xây dựng các đề án, chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, nhiệm kỳ 2023-2028, tập trung vào 3 khâu đột phá: Thứ nhất là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ là ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Hiện nay, tổng số đoàn viên là trên 11,5 triệu người tại trên 123 nghìn công đoàn cơ sở; chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ cả nước có 15 triệu đoàn viên và thành lập tổ chức cơ sở ở 100% các doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.
Thứ ba là xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Chỉ tiêu là 100% chủ tịch Công đoàn cơ sở bầu mới được tập huấn, bồi dưỡng với hình thức phù hợp” ông Phan Văn Anh cho biết…
Tuệ Phương