Chậm sang tên sổ đỏ bị phạt bao nhiêu?
Sang tên sổ đỏ là cách gọi của người dân để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (có đất và nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất).
Theo khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ký công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, người sử dụng đất phải thực hiện việc sang tên sổ đỏ.
Khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định, mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất lên tới 06 triệu đồng và buộc thực hiện việc đăng ký biến động đối với thửa đất đó.
Mức phạt được quy định như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Có thể thấy, trường hợp chậm sang tên nhà đất mà đối tượng vi phạm là:
- Cá nhân: Phạt hành chính từ 02 - 03 triệu đồng
- Tổ chức: Phạt hành chính từ 04 - 06 triệu đồng (hành vi vi phạm là do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt mức tiền gấp 02 lần mức phạt với cá nhân theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
* Biện pháp khắc phục hậu quả chung: Buộc đăng ký biến động bù theo quy định.
Theo quy định nêu trên, trong 30 ngày kể từ ngày thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, người dân buộc phải thực hiện sang tên sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai để không bị phạt.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ký công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, người sử dụng đất phải thực hiện việc sang tên sổ đỏ. Ảnh minh họa: TL
Trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử lý thế nào?
Theo khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 và khoản 5 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, trong 30 ngày kể từ khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng, người dân buộc phải thực hiện thủ tục sang tên và nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Việc đăng ký biến động và nộp thuế là bắt buộc bởi người sử dụng đất buộc phải hoàn thành xong 2 việc trên thì mới được Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả giấy chứng nhận.
Đối với trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế, người sử dụng đất sẽ bị phạt hành chính lên đến 25 triệu đồng. Tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất, người dân bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên và nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đối tượng bị phạt khi chậm sang tên sổ đỏ?
Theo điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, bên mua/tặng cho sẽ bị xử phạt khi thực hiện việc chuyển nhượng, tặng cho mà không hoặc chậm thực hiện đăng ký biến động.
Người dân sang tên sổ đỏ ở đâu?
Từ ngày 1/7/2025, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai sẽ được tự do lựa chọn nơi nộp hồ sơ đất tại bất kỳ đơn vị tiếp nhận nào trong phạm vi tỉnh, thay vì bị ràng buộc theo địa giới hành chính như trước đây.
Nghị định 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai sẽ được tự do lựa chọn nơi nộp hồ sơ đất được nêu về phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp và phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Khoản 1 Điều 18 của nghị định nêu rõ: "Người yêu cầu đăng ký được lựa chọn một trong các nơi nộp hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh" đối với các thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Theo đó, với các thủ tục như đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký tài sản gắn liền với đất, cấp mới hoặc cập nhật sổ đỏ… người dân có thể nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa ở bất kỳ cấp nào (tỉnh, xã), Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh của văn phòng này, miễn là trong cùng một tỉnh, thành phố.
L.Vũ (th)