Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Trách nhiệm của cả cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Trách nhiệm của cả cộng đồng
2 giờ trướcBài gốc
Lớp tập huấn giúp trang bị kiến thức chuyên môn về lão khoa, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho đội ngũ viên chức dân số, y tế của các Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: M.N
Buổi tập huấn thực hiện theo Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 19/4/2019 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện "Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025" với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và đã giúp trang bị kiến thức chuyên môn quan trọng cho đội ngũ viên chức y tế cơ sở.
Người cao tuổi (NCT) luôn giữ vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc chăm sóc sức khỏe NCT không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người dân.
Tại huyện Chương Mỹ, tính đến tháng 9/2024, tổng số người cao tuổi là 56.838 người. Trong đó, có 48.583 người được tư vấn khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, đạt tỷ lệ 85,48%. Hưởng ứng ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10/2024 với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội", Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và tổ chức các đoàn khám bệnh miễn phí tại các trạm y tế. Phòng Dân số Truyền thông & GDSK phối hợp với Ban đại diện người cao tuổi huyện và Ban Dân số các xã, thị trấn tổ chức 16 cuộc truyền thông cho 960 người và 35 cuộc truyền thông mô hình cho 1.530 người. Các nội dung truyền thông tập trung vào việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người cao tuổi đối với sức khỏe, đồng thời huy động sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về chăm sóc sức khỏe NCT.
Việc tăng cường công tác truyền thông không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn tạo môi trường đồng thuận, củng cố và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT". Thông qua các hoạt động này, người cao tuổi được nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, xương khớp, tiêu hóa... Họ cũng được hướng dẫn thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe.
Bước vào tuổi già, sức khỏe suy yếu là điều không thể tránh khỏi. Người cao tuổi dễ dàng nhận thấy các hệ cơ quan trong cơ thể xuất hiện những dấu hiệu không tốt khi lão hóa, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Do đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh định kỳ, và chăm sóc sức khỏe dài hạn tại gia đình, cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta, "kính lão đắc thọ" luôn được coi trọng. Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách, giữ vai trò quan trọng trong gia đình và có nhiều đóng góp cho xã hội. Vì vậy, việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tiếp tục phát huy vai trò của NCT không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là của Nhà nước và toàn xã hội.
Minh Nhật
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-trach-nhiem-cua-ca-cong-dong-397403.html