Qua hơn 4 năm triển khai Dự án 7, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dự án góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho Nhân dân, cải thiện chất lượng dân số, mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho đồng bào DTTS.
Tỉnh ta có 87,7% dân số là người DTTS, cuộc sống còn nhiều khó khăn, điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế. Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo luồng sinh khí mới cho sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Dự án tập trung vào nội dung: CSSK sinh sản, bà mẹ và trẻ em; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về CSSK, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường; phát hiện sớm và can thiệp các bệnh phổ biến. Thực hiện chương trình, hàng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch và phân bổ vốn cho các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Y tế xây dựng kế hoạch chỉ đạo cho các phòng và đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, giám sát để dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại Phòng khám Đa khoa khu vực Thông Nguyên (Hoàng Su Phì).
Với 95,5% người DTTS sinh sống, Hoàng Su Phì là địa phương thực hiện tốt chương trình CSSK, nâng cao thể trạng, tầm vóc cho người dân. Từ 2021 đến nay, huyện đã tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế thực hiện khám, chữa bệnh, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Qua đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt 100%; 193/199 thôn bản có y tế thôn bản hoạt động; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 94% chỉ tiêu giao; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi năm 2024 giảm còn 26,72%. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ khám thai định kỳ, tư vấn chăm sóc thai kỳ, khám sức khỏe cho trẻ dưới 2 tuổi. Tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng CSSK người cao tuổi tại 10 xã khó khăn với 2.700 lượt nghe; khám sức khỏe định kỳ cho 3.172 lượt người cao tuổi.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Nhờ triển khai hiệu quả Dự án 7, năng lực chuyên môn của đội ngũ y tế từng bước được nâng lên, hệ thống y tế cơ sở được củng cố. Các chỉ tiêu về tiêm chủng, khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế, CSSK cho trẻ em và người cao tuổi đều đạt và vượt kế hoạch so với giai đoạn trước. Từ đó, góp phần làm tốt công tác CSSK, từng bước cải thiện thể trạng tầm vóc cho đồng bào DTTS.
Cán bộ y tế tuyên truyền chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc).
Thực hiện Dự án 7, Sở Y tế đã triển khai nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cho các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới tuyến cơ sở. Qua đó, nâng tổng số cơ sở khám, chữa bệnh được xếp hạng chuyên môn kỹ thuật lên 212 đơn vị; 100% Trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện triển khai các nội dung CSSK ban đầu cho Nhân dân. Để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, Sở cũng thường xuyên điều động cán bộ tuyến tỉnh xuống hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động y tế tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Vũ Hùng Vương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, coi công tác CSSK, nâng cao thể trạng, tầm vóc cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mở rộng tại 192 xã thuộc phạm vi dự án đạt 100%; tất cả vùng dự án đều có y tá thôn bản hoạt động hiệu quả. Ngành cũng triển khai 53 mô hình “Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” phòng, chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em giúp tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống 16,2% năm 2024. Đặc biệt, Hà Giang là một trong 5 địa phương trên cả nước thực hiện sớm hoạt động phòng, chống bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) tại 9 xã đặc biệt khó khăn với 863 lượt người tham gia. Cùng với đó, ngành cũng thường xuyên tổ chức các chiến dịch tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được 3.578 người; tầm soát, sàng lọc trước sinh cho 22.041 bà mẹ mang thai và sàng lọc sơ sinh cho 9.634 trẻ.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai Dự án 7 vẫn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu còn tồn tại ở một số vùng DTTS. Do đó, thời gian tới, ngành Y tế và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án 7, triển khai các giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
Bài, ảnh: HOÀNG HÀ