Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng, không khoảng trống trong bối cảnh sáp nhập

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng, không khoảng trống trong bối cảnh sáp nhập
6 giờ trướcBài gốc
“Bốn tại chỗ” - nguyên tắc xuyên suốt trong khâu chấm thi
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình quản lý hành chính cấp địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Công văn số 2999 hướng dẫn công tác chấm thi và phúc khảo năm 2025. Theo đó, nguyên tắc “bốn tại chỗ” (lãnh đạo chỉ đạo tại chỗ, nhân sự tại chỗ, thiết bị cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần – tài chính tại chỗ) được nhấn mạnh như giải pháp trọng yếu nhằm đảm bảo tính ổn định, liên tục trong mọi tình huống.
Các Hội đồng thi được yêu cầu xây dựng phương án chấm thi phù hợp với điều kiện địa phương sau sáp nhập, bao gồm việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo trên cơ sở đơn vị hành chính mới. Trong đó, mô hình “một Hội đồng, nhiều Ban chấm thi” đang được vận dụng linh hoạt ở nhiều tỉnh, thành.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương vận hành theo Nghị quyết 202 về sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo tổ chức chấm thi đúng tiến độ. Mọi vướng mắc, khó khăn cần được báo cáo kịp thời để được Bộ hỗ trợ, tháo gỡ ngay trong quá trình thực hiện.
Là một trong những địa phương có sự thay đổi đơn vị hành chính, Bắc Ninh đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ đạo kỳ thi và Hội đồng chấm thi ngay từ ngày 1/7 - thời điểm chính thức sáp nhập. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh, hai Ban chấm thi vẫn được tổ chức tại hai địa điểm như cũ, bảo đảm tối đa nguồn lực và tính kế thừa từ các đơn vị hành chính trước đây.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng làm việc với Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh (Ảnh moet)
Trong buổi làm việc ngày 2/7, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi đánh giá cao sự chủ động của Bắc Ninh. Ông nhấn mạnh, việc kiện toàn kịp thời đã giúp kỳ thi diễn ra suôn sẻ, không có khoảng trống trong quản lý, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu địa phương.
Cơ sở vật chất tại các điểm chấm thi của Bắc Ninh được đánh giá là đầy đủ, khoa học và đúng quy chế. Các trang thiết bị hiện đại như máy quét, máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng LAN nội bộ, thiết bị chữa cháy... đều được chuẩn bị sẵn sàng. Quy trình làm phách, tổ chức tập huấn, phổ biến quy chế cho cán bộ chấm thi cũng được thực hiện bài bản.
Tại buổi kiểm tra, ông Huỳnh Văn Chương , Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – lưu ý công tác chấm thi cần đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, đặc biệt trong năm đầu tiên triển khai chấm bài theo hai chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018. Đồng thời, ông nhấn mạnh yêu cầu bảo mật dữ liệu, nhập điểm chính xác, hạn chế tối đa sai sót, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tránh “chấm lỏng”, “chấm chặt” để đảm bảo công bằng
Không chỉ Bắc Ninh, các tỉnh khác như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cũng đang triển khai công tác chấm thi trong bối cảnh sáp nhập. Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương án, kiện toàn các Ban từ ngày 1/7. Mặc dù sáp nhập, tỉnh vẫn tổ chức theo mô hình một hội đồng thi, nhiều ban chấm thi, đảm bảo nguyên tắc bốn tại chỗ. Phụ huynh và thí sinh có thể yên tâm về tính nghiêm túc, khách quan của công tác chấm thi”.
Lịch trình công bố điểm và phúc khảo
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các Hội đồng thi sẽ hoàn tất chấm thi và gửi dữ liệu kết quả về Bộ trước 17h ngày 13/7. Kết quả thi sẽ được công bố vào 8h ngày 16/7. Sau đó, các Sở GD-ĐT sẽ xét công nhận tốt nghiệp THPT trước ngày 18/7.
Giai đoạn phúc khảo diễn ra từ ngày 16/7 đến hết 25/7. Việc tổ chức chấm phúc khảo sẽ hoàn thành trước ngày 3/8 và kết quả công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 8/8.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào chấm thi. Bà Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: địa phương đã trang bị đầy đủ phần mềm chấm thi trắc nghiệm phù hợp với định dạng đề thi mới theo chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, các tổ chấm thi môn Văn đã tổ chức chấm chung để thống nhất thang điểm, tránh tình trạng “chấm lỏng, chấm chặt”.
“Với đề thi mở theo định hướng phát triển năng lực, các tổ phải thống nhất quan điểm chấm để đảm bảo công bằng. Chúng tôi yêu cầu bám sát hướng dẫn chấm của Bộ, chấm đúng, không nới rộng, nhưng cũng không làm mất đi giá trị của những kiến thức học sinh đã thể hiện”, bà Châu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vai trò của công tác chấm thi trong việc phản ánh chính xác năng lực thí sinh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, chấm thi không chỉ là khâu kỹ thuật mà còn là thước đo đánh giá kết quả của quá trình đổi mới giáo dục.
“Việc chấm thi cần thể hiện sự khách quan, minh bạch, đồng thời ghi nhận nỗ lực của thí sinh. Phải đặt quyền lợi của các em lên hàng đầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh và gửi lời động viên tới đội ngũ cán bộ chấm thi, yêu cầu các địa phương giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, triển khai đúng quy chế, đúng tiến độ.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Văn Chương cho biết thêm: Hội đồng chấm thi cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để xử lý những tình huống phát sinh, tránh để lỗi kỹ thuật hay thiếu thống nhất trong chấm thi ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/cham-thi-tot-nghiep-thpt-can-trong-khong-khoang-trong-trong-boi-canh-sap-nhap-post1212025.vov