Chưa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường carbon
Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu chung của đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Theo lộ trình, trước tháng 6/2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon
Cùng với đó thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025, từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon. Năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Theo Đề án, hàng hóa trên thị trường carbon gồm 2 loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
Tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường, trong đó gồm: Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước theo quy định của pháp luật; Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế: Tín chỉ carbon thu được từ Cơ chế phát triển sạch (CDM); Tín chỉ carbon thu được từ Cơ chế tín chỉ chung (JCM); Tín chỉ carbon thu được theo Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên, hết thời hạn đó, nhiều công việc chưa thực hiện được. Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, các bộ, ngành đang gấp rút xây dựng hành lang pháp lý, phấn đấu vận hành thử nghiệm sàn carbon vào cuối năm 2025.
Phấn đấu vận hành thử nghiệm sàn carbon vào cuối 2025
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phê duyệt dự thảo Nghị định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Sàn giao dịch này vận hành tương tự sàn chứng khoán, với hai loại hàng hóa là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Với thị trường quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bản dự thảo này sẽ được Bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Chính phủ trong năm nay. Như vậy, theo Phó cục trưởng cục Biến đổi khí hậu, hành lang pháp lý và hạ tầng sẽ "hoàn thành vào cuối năm 2025 để vận hành thử nghiệm sàn carbon".
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Các cơ quan quản lý đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong triển khai các dự án tạo tín chỉ carbon, bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, dù nhiều tiềm năng, cơ quan quản lý cảnh báo việc giao dịch quốc tế không được kiểm soát chặt chẽ có thể khiến doanh nghiệp Việt thiếu hụt tín chỉ carbon, đồng thời Việt Nam khó đạt cam kết giảm thải.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, các giao dịch quốc tế sẽ có điều chỉnh tương ứng, tức đóng góp với cam kết đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam sẽ bị trừ và tính vào nước khác. "Nếu không quản lý các giao dịch này, chúng ta sẽ không thực hiện được cam kết", ông Nguyễn Tuấn Quang cho hay.
Ở cấp độ doanh nghiệp, các hãng hàng không trong nước cần 2,3 triệu tín chỉ carbon trong 5 tháng nữa, nhằm đáp ứng thỏa thuận giảm thải theo CORSIA (chương trình bù đắp và giảm thiểu phát thải carbon trong hàng không quốc tế). Doanh nghiệp vận tải biển cũng cần giảm thải theo thỏa thuận hàng hải quốc tế của Liên Hợp Quốc. Với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, nếu Việt Nam không có cơ chế định giá carbon và tín chỉ để bù trừ, doanh nghiệp không có biện pháp giảm thải sẽ phải nộp phí carbon lên tới 20-35% giá trị hàng hóa, hoặc mua tín chỉ bù trừ giá cao từ nước ngoài.
Thống kê từ Ngân hàng Thế giới (WB), tính riêng xác nhận của tổ chức quốc tế Verra và Gold Standard, Việt Nam đã phát hành hơn 22 triệu tín chỉ carbon từ năm 2003, hơn một nửa số đó được phát hành trong năm ngoái. Với cơ chế phát triển sạch (CDM), Việt Nam đã được xác nhận và trao đổi hơn 40 triệu tín chỉ.
Văn Ngân/VOV.VN