Chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm

Chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm
9 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THCS Supe, huyện Lâm Thao trong giờ học thêm tại trường.
Nhu cầu thực tế
Tìm hiểu thực tế tại thành phố Việt Trì - nơi hoạt động DTHT năm nay diễn ra “nóng” hơn so với những năm trước và so với các huyện, thị khác, hiện có khoảng 50% học sinh tham gia các lớp học thêm ngoài nhà trường. Nguyên nhân được xác định do một số trường THCS vùng trung tâm tổ chức tuyển sinh bằng hình thức xét hồ sơ học bạ khiến nhiều phụ huynh học sinh tiểu học có nhu cầu cho con tham gia học thêm để có học bạ đẹp, mở ra cơ hội được vào học ở những trường có chất lượng cao.
Đến thời điểm này, chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác tuyển sinh vào lớp 6 ở các trường trung tâm, gây tâm lý lo lắng cho không ít phụ huynh. Hơn nữa, năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi vào THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với cấu trúc đề thi thay đổi so với những năm trước đòi hỏi học sinh phải trau dồi lượng kiến thức mở rộng.
Em Tạ Gia Bảo, học sinh lớp 9A, Trường THCS Vân Cơ chia sẻ: “Em đặt mục tiêu thi vào chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương, nên ngoài thời gian chính khóa, học thêm 3 buổi/tuần ở trường, em còn học thêm 6 buổi chiều và tối ở nhà thầy, cô đối với 3 môn: Toán, Văn, Tiếng Anh. Rất áp lực, nhưng nếu không học thêm em sợ không đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới”.
Đó là tâm lý chung của nhiều học sinh cuối cấp khi tỷ lệ thí sinh thi đỗ vào các trường THPT công lập của thành phố Việt Trì năm học vừa qua chỉ chiếm 30-35%/tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Để có được một suất vào trường công lập, nhiều phụ huynh và học sinh đã sốt sắng tìm giáo viên phụ đạo ngoài giờ học chính khóa. Áp lực từ các kỳ thi đầu vào, đặc biệt là thi vào lớp 10 khiến học sinh và phụ huynh tìm đến các lớp học thêm như một giải pháp tất yếu.
Đồng chí Nguyễn Văn Biết - Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: Thời gian qua, công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn thành phố cơ bản được thực hiện đúng quy định, giải quyết nhu cầu dạy và học chính đáng, thiết thực của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin phản ánh vẫn còn trường hợp tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng quy định, gây dư luận không tốt trong Nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động DTHT trên địa bàn, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời.
Có thể thấy, nhu cầu học thêm là có thật, xuất phát từ phụ huynh và cả học sinh. Học cùng một lớp, cùng cô giáo dạy nhưng có em nhận thức nhanh, có em lại chậm hơn và để con theo kịp các bạn, nhiều phụ huynh đã đưa con đến các lớp học thêm nhờ thầy, cô phụ đạo.
Chị Nguyễn Thị Thu Hải ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao chia sẻ: “Nhà tôi có 2 cháu học tiểu học và THCS lực học bình thường, trong khi vợ chồng tôi bận công việc không có thời gian hướng dẫn con học, nên tôi muốn gửi con nhờ cô giáo kèm cặp, bồi dưỡng thêm. Nhờ được cô giáo bổ trợ, nâng cao kiến thức, nên các con cũng tiến bộ hơn, hơn nữa việc đi học thêm cũng tránh được tình trạng các con tham gia vào những hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội”.
Giờ học chính khóa của cô và trò Trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì.
Nghiêm túc chấn chỉnh
Tại Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XIX diễn ra từ ngày 9-11/12 vừa qua đã tổ chức phiên giải trình và chất vấn trực tiếp tại hội trường, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, trong đó có lĩnh vực giáo dục thu hút sự chú ý của cử tri và dư luận xã hội xung quanh hoạt động DTHT. Ngày 20/12, HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 89/TB-HĐND về Kết luận phiên giải trình, chất vấn của Chủ tọa Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XIX, trong đó yêu cầu: Siết chặt quản lý hoạt động DTHT, tuyệt đối không tổ chức DTHT đối với các trường dạy 2 buổi/ngày. Có biện pháp chấn chỉnh tình trạng DTHT tràn lan nhằm giảm áp lực học thêm cho học sinh; coi trọng việc dạy và học chính khóa, đảm bảo chất lượng các giờ học chính khóa trong nhà trường; quán triệt nghiêm túc quan điểm giáo viên không được ép buộc học sinh học thêm, nghiêm cấm việc phân biệt đối xử giữa học sinh học thêm và không học thêm.
Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, HĐND, UBND tỉnh, ngày 23/12/2024, Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký ban hành Công văn số 1931/SGD&ĐT-TTr về việc chấn chỉnh hoạt động DTHT; công tác thu, chi trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả chương trình giáo dục chính khóa; tổ chức kiểm tra đánh giá nghiêm túc, khách quan, công bằng để nâng cao chất lượng giáo dục các môn học và giảm áp lực học thêm; tuyệt đối không được cắt xén chương trình để DTHT. Tổ chức dạy thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh, đồng thuận của phụ huynh học sinh; nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Hoạt động DTHT đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, có chất lượng và hiệu quả.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, giáo viên của đơn vị dạy thêm ngoài nhà trường theo đúng quy định (không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng đơn vị). Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong, ngoài nhà trường theo quy định về DTHT và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện, thành phố, các trường học đã khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động DTHT diễn ra đúng quy định. Năm học 2024-2025, Trường THCS Supe, huyện Lâm Thao có 687 học sinh, trong đó 85% học sinh đăng ký học thêm 3 buổi chiều/tuần tại trường với 3 môn: Toán, Văn, Tiếng Anh.
Thầy giáo Ngô Văn Luật - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Quan điểm của Ban giám hiệu nhà trường là việc DTHT phải trên tinh thần tự nguyện hoàn toàn. Để hoạt động DTHT trong trường đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá phân loại học sinh để sắp xếp nhóm lớp học thêm theo trình độ nhận thức; đồng thời xây dựng chương trình dạy thêm theo kế hoạch. Học sinh nhận thức chậm sẽ được ôn luyện lại chương trình chính khóa. Học sinh nhận thức tốt hơn sẽ được học kiến thức bổ trợ, nâng cao. Ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện, nhà trường cũng đã rà soát và chấn chỉnh nghiêm túc đối với 8/31 giáo viên đang tổ chức dạy thêm tại nhà”.
Còn tại Trường Tiểu học Gia Cẩm - ngôi trường có quy mô lớn của thành phố Việt Trì với hơn 1.800 học sinh và 60 cán bộ, giáo viên cũng đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trong và ngoài nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào, nếu vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật do Hội đồng kỷ luật cấp có thẩm quyền quyết định.
Để hoạt động DTHT thời gian tới đi vào quỹ đạo, đảm bảo đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa, ngày 7/1 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 95/UBND-KGVX giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của ngành Giáo dục, địa phương, trong đó nêu cao vai trò quản lý trong kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động DTHT của người đứng đầu cơ sở giáo dục để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp làm trái quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hồng Nhung
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/chan-chinh-hoat-dong-day-them-hoc-them-227093.htm